Theo hành trình của Sơn Đoàn, ngoài thưởng thức món ngon, bạn còn “giắt túi” vài địa điểm chụp ảnh lý tưởng ở An Giang.
Thanh Sơn (hay còn gọi là Sơn Đoàn, ảnh) – chàng trai mê phượt và nhiếp ảnh đến từ An Giang được nhiều người yêu mến nhờ những bộ hình tươi sáng, trong trẻo từ chuyến đi của mình. Sơn cũng chăm chỉ review nhiều điểm hay ho trên hành trình, một trong số đó có món gà đốt – đặc sản “vùng bảy núi” mà bạn nhất định phải thử khi đến đây. Nếu đi theo hành trình của anh chàng, ngoài thưởng thức món ngon, bạn còn “giắt túi” vài địa điểm chụp ảnh sống ảo ở An Giang. Dưới đây là bộ ảnh và chia sẻ của Sơn về chuyến đi.
Bạn có thể chạy xe máy hoặc chọn xe buýt tuyến Nhà Bàng – Tri Tôn cũng được. Tuy xe hơi cũ nhưng thường vắng khách, chỗ ngồi thoải mái. Hầu hết hành khách là người dân tộc sống gần đó, nhân tiện trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống người địa phương cũng khá thú vị.
Đến Tri Tôn, bạn có thể dạo một vòng hồ Soài Chek để chụp ảnh. Đã vào mùa khô nên đồng lúa ngay sau hồ – điểm chụp ảnh khá đẹp mùa lúa chín đa phần đã gặt hết. Hồ cạn nước khiến khung cảnh trở nên cằn cỗi, bụi cỏ khô cháy trụi tạo cảm giác ma mị.
Cả hồ sen mênh mông trước kia nay chỉ còn lại cánh đồng sen nhỏ cạnh mặt đất nứt nẻ. Bông hoa hiếm hoi, mạnh mẽ vươn lên giữa hồ nước tưởng chừng như sắp bốc hơi.
Tháng 4 đến tháng 7 là mùa trâm An Giang – món quà quê mộc mạc gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Đừng bỏ lỡ những thúng trâm đầy dọc đường trái to màu tím rịm. Mùa này trâm khá ngọt kèm tí vị chát vốn có nhai vui miệng. Một kg giá khoảng 50.000 đồng.
Hồ Tà Pạ được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc” ở An Giang nằm trên đường đi là địa điểm check-in hot của nhiều bạn trẻ miền Nam. Sau khi chụp đủ kiểu ảnh sống ảo cũng đã đến trưa, lúc này thẳng tiến đến hồ Ô Thum thưởng thức món gà trứ danh.
Cung đường gợi ý lý tưởng dành cho những bạn đi trong ngày, vừa di chuyển vừa chụp ảnh: Từ trung tâm An Giang đến Tri Tôn, dừng ở đồi Tà Pạ, hồ Tà Pạ, khu du lịch đồi Tức Dụp rồi chạy thẳng thêm 5 km là đến Ô Thum.
Chọn một tiệm gần khu vực này để ăn cũng được vì chất lượng như nhau. Theo lời khuyên của Sơn thì nên chọn quán vắng khách để được phục vụ tốt, chỗ ngồi thoáng hơn. Mỗi nhóm một lều tranh, bên trong là chiếc bàn nhỏ, vài chiếc ghế nhựa và hai võng treo dành cho khách có nhu cầu nằm nghỉ ngơi.
Gà đốt thực chất xuất xứ từ Campuchia, nguyên liệu chính là gà ta thả vườn thịt dai, săn chắc chứ không bị bở. Ở một số quán, khi có khách thì đầu bếp mới bắt gà chuẩn bị, thời gian chờ đợi lâu. Nếu muốn nhanh thì bạn có thể chọn gà nguyên con làm sẵn, ướp kỹ rồi cho vào nồi đốt lên trong vòng 15-20 phút đến khi da gà ngả sang màu vàng nhạt, gia vị thấm đều còn phần thịt chín, dậy mùi thơm nức mũi. Giá vào tầm 200.000 đồng mỗi kg.
Món này ăn kèm rau sống, dưa leo, chấm nhiều loại nước chấm tùy ý như nước mắm nhà làm, muối tiêu chanh, muối ớt chanh, trong đó nước chấm lá trúc lạ miệng nhưng hơi mặn, chỉ nên chấm một lượng vừa phải.
Tùy bạn muốn ăn bao nhiêu chủ quán sẽ chọn thay. Gà thả vườn thịt ngọt tự nhiên, không to, hai người ăn một con là vừa đủ. Với cánh đàn ông, để no bụng thì có thể gọi thêm cơm chiên tỏi hoặc cơm trắng. Tổng thiệt hại cho hai người khoảng 300.000 đồng kể cả nước uống.
Theo Ngôi sao
Nguồn: Vnexpress.net