Cây bonsai gần 400 tuổi sống sót qua trận bom nguyên tử Hiroshima

0
17
Ông Masaru Yamaki đến thăm cây thông trắng vào năm 1979. Ảnh: U.S. National Arboretum.

Bắt đầu được gia đình Yamaki trồng từ năm 1625, cây thông trắng vẫn trụ vững khi một quả bom nguyên tử san phẳng thành phố Hiroshima.

Khoảng 8h15 ngày 6/8/1945, bậc thầy bonsai Masaru Yamaki đang ở trong nhà khi những mảnh kính cửa sổ bỗng bắn tứ tung, cứa rách da thịt ông. Máy bay Mỹ vừa thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, chỉ cách nhà ông Yamaki hơn 3 km. Gia đình ông may mắn sống sót qua vụ nổ, và cây thông trắng trong nhà vẫn đứng vững nhờ một bức tường bao quanh khu vườn.

Ông Masaru Yamaki đến thăm cây thông trắng vào năm 1979. Ảnh: U.S. National Arboretum.

Ông Masaru Yamaki đến thăm cây thông trắng vào năm 1979. Ảnh: U.S. National Arboretum.

Khi ông Yamaki gửi cây thông trắng đến Hiệp hội Bonsai Nippon để góp vào 53 cây bonsai tặng Mỹ nhân dịp 200 năm Quốc khánh, người ta chỉ biết ai là người ủng hộ nó. 25 năm tiếp theo, cây thông trắng được trưng bày trong Bảo tàng Bonsai và Penjing tại Vườn Thực vật Quốc gia ở Washington D.C, Mỹ – nhưng không ai biết đến câu chuyện kỳ diệu của nó.

Bí mật chỉ hé lộ vào năm 2001, khi hai người cháu trai của ông Yamaki bất ngờ ghé thăm vườn thực vật để tìm kiếm cái cây họ đã nghe đến. Nhờ một phiên dịch viên tiếng Nhật, họ kể lại câu chuyện sống sót của ông nội và cây bonsai trăm tuổi. Hai năm sau, bà Takako Yamaki Tatsuzaki, con gái ông Yamaki, cũng ghé bảo tàng với hy vọng nhìn thấy cây của cha.

Những người quản lý bảo tàng và gia đình Yamaki trở thành bạn. Nhờ những chuyến thăm của con cháu bậc thầy bonsai, các chuyên gia mới biết đến giá trị quý báu của cây mang tên Yamaki Pine (Cây thông Yamaki).

Từ năm 2017, Bảo tàng Bonsai và Penjing hoàn thiện một khu trưng bày dành riêng cho những cây bon sai Nhật Bản (Japanese Pavilion) và cây thông Yamaki được đặt gần lối vào. Ảnh: U.S. National Arboretum.

Từ năm 2017, Bảo tàng Bonsai và Penjing (Mỹ) hoàn thiện một khu trưng bày dành riêng cho những cây bon sai Nhật Bản (Japanese Pavilion) và cây thông Yamaki được đặt gần lối vào. Ảnh: U.S. National Arboretum.

Ngày nay, cây thông trắng chỉ cao khoảng hơn một mét, với thân dày và tán lá kim ngắn màu xanh điểm vàng. Những sợi dây tạo thế cố định để cành cây không vươn thẳng về phía mặt trời.

“Cành lá xù xì, uốn lượn… tất cả đều tạo nên khí chất riêng cho cái cây này. Nó giống như minh tinh màn bạc Katharine Hepburn, với một vẻ đẹp của tuổi tác”, Kathleen Emerson-Dell, người chăm sóc cây thông Yamaki, chia sẻ.

  

Jack Sustic, chuyên gia của Bảo tàng Bonsai và Penjing, cho rằng Yamaki Pine là một biểu tượng cho mối quan hệ hòa giải giữa Nhật và Mỹ hậu Thế Chiến II. 

Ông Sustic cảm động khi biết thầy Yamaki đã ủng hộ cây thông trắng tồn tại trong gia đình ít nhất sáu thế hệ: “Một trong những điều khiến nó đặc biệt đến vậy chính là, bạn thử tưởng tượng xem, mỗi ngày đều có ai đó chăm sóc cái cây này suốt từ năm 1625″.

Nhiệm vụ của Sustic là tưới nước và xoay cây, kiểm tra côn trùng hàng ngày. Điều độc đáo về bảo tàng này là sẽ không có nguồn nào thay thế cho những cây bị bỏ rơi và chết. Chuyên gia này thậm chí luôn giữ một chiếc vali chật cứng ở nhà trong trường hợp ông phải đến bảo tàng ngoài giờ khi có cây cần chăm sóc khẩn cấp.

Phạm Huyền (Theo Telegraph)

Nguồn: Vnexpress.net