Thiên nhiên có nhiều hiện tượng đẹp kỳ ảo nhưng cũng tiềm ẩn các nguy hiểm đến tính mạng cho bất cứ ai muốn chiêm ngưỡng như sét vĩnh cửu, bão bụi…
Cầu vồng mặt trăng còn được biết đến với các tên gọi như cầu vồng trắng, cánh cung mặt trăng, là hiện tượng hiếm gặp. Do được tạo bởi ánh sáng phản xạ từ bề mặt của mặt trăng, loại cầu vồng này tương đối mờ nhạt, không thể phân biệt được bằng mắt thường. Tuy nhiên, khi chụp ảnh phơi sáng, chúng ta có thể nhìn thấy màu sắc của cầu vồng mặt trăng. Ảnh: Getty.
Cầu vồng mặt trăng cần nhiều yếu tố để tạo thành. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi mặt trăng ở vị trí thấp, cỡ 42 độ, tròn hoặc gần tròn. Bầu trời phải cực tối để có thể quan sát rõ mặt trăng. Bất cứ ánh sáng rực rỡ nào cũng có thể ảnh hưởng đến việc chiêm ngưỡng hiện tượng này. Cầu vồng mặt trăng thường xuất hiện ở một số điểm như công viên quốc gia Yosemite (California, Mỹ), thác Victoria ở biên giới Zambia và Zimbabwe… Ảnh: Getty.
Sét vĩnh cửu xảy ra duy nhất ở cửa sông Catatumbo và hồ Maracaibo (Venezuela). Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về hiện tượng này nhưng chưa có lời giải thích xác đáng. Theo BBC, nơi sông Catatumbo gặp hồ Marcaibo bị sét đánh trung bình 140-160 đêm/năm, 10 giờ/ngày và 28 lần/phút. Hiện tượng sét vĩnh cửu từng biến mất từ tháng 1-4/2010 do hạn hán. Ảnh: Scienceline.
Sấm sét dần trở thành một phần cuộc sống của người dân địa phương nơi đây. Các du khách phương xa, đặc biệt là những nhiếp ảnh gia còn bất chấp tất cả để săn được tấm ảnh sét đánh đẹp nhất. Theo sách kỷ lục Guinness, kỷ lục sét đánh ở đây từng được ghi nhận là 300 lần/năm. Ảnh: Reddit.
Ở Đan Mạch, nếu đến đúng thời điểm, du khách còn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng mặt trời đen kỳ lạ. Mặt trời đen là cách ví von của người dân địa phương về đàn chim sáo đá. Vào mùa thu hàng năm, cả trăm nghìn con sáo đá bay về phương Nam tránh rét dừng lại nghỉ chân trong vườn quốc gia Biển Wadden (Đan Mạch). Chúng bay lượn cùng nhau, tạo nên khung cảnh như mặt trời đen. Ảnh: Wanderlust.
Cực quang được đánh giá là một trong những hiện tượng kỳ ảo nhất thế giới. Hiện tượng này xảy ra do bức xạ từ. Khi xảy ra cực quang, bầu trời sẽ xuất hiện những dải lụa màu sắc huyền ảo. Hiện tượng này kéo dài khoảng một phút nên bạn phải thật may mắn mới có thể chứng kiến. Tuy nhiên, một vài trường hợp đã ghi nhận cực quang có thể xuất hiện cả giờ đồng hồ. Du lịch cực quang là cụm từ đang trở nên phổ biến ở các khu vực xảy ra hiện tượng như Iceland, Scotland, Na Uy, Alaska (Mỹ)… Ảnh: Nulab.
Sét núi lửa cũng nằm trong top những hiện tượng tự nhiên đẹp và cực hiếm gặp. Hiện tượng này còn có tên khác là bão bụi, chỉ xảy ra trong các vụ phun trào núi lửa lớn. Khi một lượng tro bụi bị thổi tung vào không khí, các hạt bụi va nhau với lực mạnh. Điều này dẫn đến việc mất cân bằng điện tích, sinh ra những đám mây tĩnh điện. Sét núi lửa từng được ghi nhận ở một số nơi như Indonesia, Italy… Tuy nhiên, khu vực xung quanh nơi diễn ra hiện tượng rất nguy hiểm nên mọi người được khuyến cáo không cố tiếp cận. Ảnh: Getty.