Vua hề Charlie Chaplin từng nghỉ trong khách sạn ở Hà Nội và tên ông hiện được đặt cho một căn phòng với giá thuê hơn 3.000 USD mỗi đêm.
Năm 1936, sau khi tổ chức lễ cưới tại Trung Quốc, vua hề Charlie Chaplin cùng vợ là minh tinh màn bạc Paulette Goddard hưởng tuần trăng mật tại khách sạn trên đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền, Hà Nội). Sau đó, khu nghỉ dưỡng đã lấy tên ông đặt cho một căn phòng trên tầng 3 của tòa nhà hướng ra mặt đường Ngô Quyền.
Hành lang dẫn vào phòng Charlie Chaplin. Khách sạn còn có hai phòng khác mang tên nhà văn William Somerset Maugham, tác giả cuốn “Quý ông trong phòng trọ” và Graham Greene với tiểu thuyết nổi tiếng “Người Mỹ trầm lặng”.
Các nhân viên khách sạn cho biết phòng được đặt theo tên vua hề, nhưng không ai biết chính xác căn trước đây Charlie Chaplin nghỉ lại. Với diện tích 70 m2, phòng mang tên ông chia thành hai khu vực chính là chỗ tiếp khách và nơi ngủ nghỉ, thiết kế theo kiểu Pháp thuộc địa xen lẫn với các họa tiết phương Đông. Ở phòng ngủ có kê giường lớn, sàn lát gỗ lim.
Điện thoại đầu giường với thiết kế kiểu quay số cổ điển nhưng sử dụng theo cách bấm nút. Trong phòng có trang bị nhiều đồ điện tử hiện đại. Khách sẽ được cung cấp một chiếc máy tính bảng để sử dụng trong suốt thời gian nghỉ tại đây.
Một góc phòng ngủ với ghế sofa, bàn phụ, ghế đẩu. Trên tường treo tranh, ảnh về vua hề Charlie Chaplin. Những tác phẩm này xuất hiện xuyên suốt trong căn phòng.
Những vị khách nổi tiếng từng ở trong phòng Charlie Chaplin bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nam diễn viên Colin Farrell, nữ diễn viên Emmanuelle Béart, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.
Đèn bàn, hộp đựng giấy ăn và các sản phẩm làm từ gốm, sứ tại đây đều có xuất xứ từ làng nghề Bát Tràng (Hà Nội), do khách sạn đặt làm riêng.
Xây dựng năm 1901, nơi này được biết đến là khách sạn tốt nhất ở Đông Dương thời đó. Nhiều người thậm chí còn cho rằng khách sạn Metropole Hanoi đã cạnh tranh với các khách sạn kiến trúc thuộc địa nổi tiếng của Anh như Raffles ở Singapore và E&O ở Penang, Malaysia.
Chiếc kệ gỗ phía sau bàn làm việc trong phòng khách có sẵn máy pha cà phê, nước lọc cùng các loại trà.
Graham Greene đã viết một phần của “Người Mỹ trầm lặng” khi lưu trú tại khách sạn này. Nam diễn viên Michael Caine cũng đã ở đây lúc quay bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tiểu thuyết của Greene vào năm 2002. Tuy nhiên, cả bộ phim và cuốn sách đều lấy bối cảnh ở Sài Gòn.
Trong phòng có 2 WC, riêng nhà vệ sinh trong phòng ngủ có bể sục Jacuzzi và buồng tắm đứng. Bộ đồ dùng như dầu gội, sữa dưỡng thể, nước hoa đều là thương hiệu xa xỉ có xuất xứ từ Pháp.
Cuốn sổ lưu bút đặt tại phòng khách. Tại trang viết này, nhiếp ảnh gia Mỹ Licoln Russell cho biết ông đã đến đây lần thứ ba, khi thượng đỉnh Mỹ – Triều đang diễn ra ngay tại khách sạn.
Khách sạn từng đón tiếp rất nhiều vị khách là lãnh đạo, người nổi tiếng trên thế giới trong gần 120 năm hoạt động. Sự kiện lớn diễn ra gần đây nhất là thượng đỉnh Mỹ – Triều với sự có mặt của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Kiều Dương
Nguồn: Vnexpress.net