Công việc của Vira Timbaci tương tự nhiều nhân viên bưu điện trên thế giới ngoại trừ nhiệm vụ quản lý một hộp thư độc đáo nằm dưới nước.
Là đảo quốc cách phía đông bắc Australia hơn 1.600 km, Vanuatu sở hữu bưu điện dưới đáy biển nổi tiếng thế giới. Bưu điện này nằm cách bờ biển Vanuatu khoảng 49 m. Hộp thư chìm hơn 3 m dưới bề mặt vịnh Mele, một vùng nước chảy vào Nam Thái Bình Dương. |
Người phát minh ra bưu điện độc đáo này là chủ sở hữu của một khu nghỉ mát. Công trình mở cửa vào năm 2003 với tư cách là bưu điện dưới nước đầu tiên trên thế giới. Tới đây, khách du lịch có thể gửi bưu thiếp về nhà từ dưới biển. |
Vira Timbaci, nhân viên bưu điên chia sẻ: “Mỗi tuần, hàng trăm bưu thiếp được gửi tại bưu điện dưới nước. Số lượng thư tăng lên mỗi khi tàu du lịch cập cảng”. Bưu điện không phải lúc nào cũng có nhân viên làm việc. Một hộp thư nhỏ được đặt cạnh đó cho du khách bỏ thư trong trường hợp vắng nhân viên. |
Công việc của Timbaci là đảm bảo các bưu thiếp nhựa không thấm nước và dập nổi thư bằng một con tem đặc biệt. Các bức thư sẽ được chuyển đi vào lúc 3 giờ chiều hàng ngày. Bưu điện đã phát triển một thiết bị kim loại đặc biệt nhằm đánh dấu mỗi bưu thiếp bởi việc sử dụng mực sẽ khiến chữ bị nhòe khi tiếp xúc với nước. |
Timbaci thường tự mình lặn xuống bưu điện. Các thợ lặn ở khu nghỉ mát và bảo tồn biển gần đó cũng thi thoảng giúp đỡ công việc tại bưu điện. Việc đào tạo bổ sung cho nhân viên làm dịch vụ bưu chính tại địa phương trở nên khó khăn. Do đó, thợ lặn địa phương cũng tham gia và giúp đỡ vào công việc của bưu điện. |
Bưu điện là điểm lặn tuyệt vời để khách du lịch có thể khám phá cuộc sống dưới đáy biển. Mặc dù sau này một số hộp thư dưới nước khác đã được xây dựng ở Nhật Bản, Na Uy, Malaysia… nơi sâu nhất nằm dưới nước gần 40 m, Vanuatu đi vào lịch sử và thu hút du khách hơn cả bởi là bưu điện dưới biển đầu tiên trên thế giới. |
Ngoài gửi bưu thiếp tới người thân từ dưới biển, bạn còn có thể check-in tại đây và dạo quanh khám phá hệ sinh thái tuyệt đẹp dưới đại dương. Bưu điện dưới nước Vanuatu mở cửa cho thợ lặn và bất cứ ai có thể nín thở đủ lâu để thực hiện trải nghiệm. |
Nguồn: News.zing.vn