Buồn vui của những người theo ‘nghiệp’ ông đồ cho chữ

0
67
Ông Đồ Sài Gòn: Thư pháp cần khổ luyện

Ngày xuân về, nhiều người thường tìm đến những ông đồ để xin chữ mong một năm mới an lành.

Việc xin chữ để treo trong nhà đối với người Việt Nam diễn ra quanh năm, vào dịp tân gia, thượng thọ hay sự kiện trọng đại. Tuy nhiên, người dân sẽ xin chữ nhiều nhất mỗi khi Tết đến xuân về. Người dân quan niệm ý nghĩa tốt đẹp của con chữ sẽ mang lại khởi sắc cho gia chủ trong năm mới. Người xin chữ thường tìm đến các ông đồ học cao, hiểu rộng, nổi tiếng đức độ được người đời trọng vọng, vì quan niệm rằng họ sẽ được hưởng sự phúc đức, tài năng của người cho chữ.

“Nghề” ông Đồ

Hơn 10 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, ông Lê Cảnh Vĩnh (65 tuổi) đều chuẩn bị giấy bút tại gia rồi ra ngồi trước cửa Cung Văn hóa Lao động (quận 1) cho chữ. Quê ở Huế, gia đình ông đến Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề may nón lá nhưng 10 năm trở lại đây, ông chuyển hẳn sang viết thư pháp.

Theo ông, việc bén duyên với thư pháp cần nhiều yếu tố. “Chỉ những người có tâm hồn nghệ sĩ mới có thể dễ dàng tiếp cận”, ông nói. Đối với ông, viết thư pháp không phải là một nghề mà là một “thú chơi”.

Ông Đồ Sài Gòn: Thư pháp cần khổ luyện
 
 

Ông Đồ Sài Gòn: Thư pháp cần khổ luyện

Ông Vĩnh trải lòng về thư pháp và việc cho chữ. Video: Phong Vinh.

Cũng cho rằng viết thư pháp không hẳn là một nghề, ông Lê Hồng Hải (47 tuổi), chia sẻ, với ông thư pháp là một “thiện nghiệp”. Đã 13 năm trôi qua kể từ khi phố ông Đồ ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch được hình thành, ông Hải đều tham gia, không bỏ sót một năm nào.

Ông Hải có bút danh là Tuệ Nghiêm. Ngồi ở góc đường đông đúc, ông cho biết: “Năm nào tôi cũng ra phố để xem không khí Tết của Sài Gòn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi gieo cái chữ vui, chữ an lành đến cho mọi người”.

Khó khăn của những ông đồ

Ông Hải kể, 25 năm trước không có thầy dạy viết thư pháp nên những người viết chữ lâu năm như ông đều phải tự học. “Anh em gặp nhau rồi lập thành những nhóm nhỏ, cùng nhau luyện tập, thực hành”, ông cho hay.

Hầu hết ông đồ đều có một ngành nghề riêng sau dịp Tết cổ truyền. Có những ông đồ là thầy giáo, công nhân, viên chức hoặc buôn bán, kinh doanh. Theo ông Hải, cũng có những người sống quanh nằm bằng “thiện nghiệp” này. “Thu nhập của những người này không cao, tiền chủ yếu để chi trả cho các khoản mua giấy, bút và mực”, ông nói.

Ông Hải đã 13 năm có mặt tại phố ông Đồ Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.

Ông Hải đã 13 năm có mặt tại phố ông Đồ Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.

Không gian để các ông đồ tác nghiệp cũng khó khăn nhưng điều khiến những người này có thể bám trụ lại được chủ yếu nhờ niềm đam mê, yêu thích từng nét chữ và ý nghĩa của nó. “Thời đó làm gì có phố ông Đồ như bây giờ. Sau khi trau dồi xong, chúng tôi không có chỗ ngồi để viết. Nhiều người ngồi lung tung làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự”, ông Hải nhớ lại.

Thế nên hình ảnh ông đồ cho chữ ngày xưa tuy được trân quý nhưng chủ yếu trong sách vở. “Phải công nhận rằng, nhờ truyền thông mà chúng tôi được công chúng biết đến nhiều hơn”, ông Hải nói sau 13 năm gắn bó với phố ông Đồ.

Ông đồ và thư pháp Việt thời nay

Nếu như trước kia chỉ có nhà khá giả, trí thức quan tâm đến việc xin chữ, thì ngày nay nghệ thuật thư pháp càng được nhiều người biết đến. Mọi người dần hiểu hơn về ý nghĩa của thư pháp. Ông Vĩnh kể lại, 8 năm trước đây, hầu như mọi người đều tìm đến các ông đồ để xin ảnh, các câu đối, liễn thì bây giờ, họ xin chữ theo nhu cầu tinh thần.

“Có người xin chữ Lộc với mong muốn một năm đầy lộc. Cũng có người xin chữ Phúc, Thọ hay Như Ý nhưng nhiều nhất vẫn là chữ Hiếu, Cha Mẹ”, ông Hải cho biết.

Sau nhiều năm gắn bó, ông Hải nhận định: “Giới trẻ hiện nay cũng đi xin chữ nhiều chứng tỏ họ quan tâm đến văn hóa truyền thống hơn”.

Bên cạnh hình ảnh quen thuộc của những ông đồ lớn tuổi mặc áo dài, khăn xếp, hội xuân các năm gần đây cũng có sự xuất hiện của nhiều ông đồ trẻ.

Không làm ông Đồ, Nhân là một kiến trúc sư. Ảnh: Phong Vinh.

Hữu Nhân là một kiến trúc sư đam mê thư pháp. Ảnh: Phong Vinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng người trẻ tuổi chưa đủ kinh nghiệm sống, kiến thức và đam mê để theo nghệ thuật thư pháp, đa phần là muốn kiếm thêm thu nhập từ việc viết chữ. Phản hồi lại ý kiến trên, Phạm Hữu Nhân (23 tuổi) cho biết: “Viết thư pháp rất khó, phải dày công tập thường xuyên, nghỉ tay một thời gian là khó viết lại, và rất tốn kém, tiền kiếm được cũng chưa chắc bù lại đủ”.

Nhân bắt đầu viết thư pháp 4 năm trước. Nhớ lại những ngày đầu tiên cầm bút, Nhân xúc động: “Bút khó lắm, vẽ bằng cây cọ đã khó, viết bằng cây cọ càng khó hơn”. Chàng trai đã mất hơn một năm mới thành thục từng nét chữ.

Những ngày trong năm, Nhân là một kiến trúc sư, chuyên thiết kế ngoại thất. Cuối tháng Chạp, chàng trai lại khoác lên mình bộ áo dài khăn đóng, viết chữ cho người dân.

“Thư pháp giúp tôi hiểu nhiều điều trong cuộc sống, học cách sống đẹp hơn thông qua việc luyện tập viết chữ”, Nhân nói thêm. Theo anh, đây cũng là mục đích chính của một bộ phận các bạn trẻ theo học thư pháp hiện nay.

Những nghệ sĩ tự phong

Theo ông Hải, những sinh đồ có trình độ văn hóa trong xã hội ngày trước nhưng chưa đủ học vị để được bổ nhiệm làm quan thường tạm kiếm sống bằng nghề dạy học và viết chữ thuê. Từ đó, hình ảnh thầy đồ trong dân gian thường liên quan đến chữ nghĩa, trong đó có hoạt động viết thư pháp.

Cả ông Vĩnh và ông Hải đều cho rằng, để trở thành một người viết chữ giỏi cần phải có sự khổ luyện. “Cần va chạm trong cuộc sống, tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng và học thuật để diễn giải ý nghĩa của từng câu chữ. Vì mỗi câu chữ trong tiếng Việt đều mang một ý nghĩa giáo dục sâu sắc”, ông Hải nói. 

Người viết chữ tại phố ông Đồ Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.

Người viết chữ tại phố ông Đồ Sài Gòn. Ảnh: Phong Vinh.

“Tôi rất vui khi có những khách quen, năm nào cũng đến tận chỗ tôi ngồi để xin chữ. Có người ở tận bên Mỹ về đây xin chữ Phúc”, ông Hải tâm sự. Nhờ những điều nhỏ nhoi như thế này mà ông Hải hay những người yêu thích thư pháp như ông Vĩnh, Nhân đều chưa nghĩ đến việc từ bỏ “thiện nghiệp” này dù khó khăn vẫn còn không ít.

Nếu mùa xuân, họ được mặc áo dài khăn đóng, được nhiều người tìm đến thì những mùa còn lại, họ có sân chơi riêng như các buổi giao lưu ở các miền, câu lạc bộ hay các sự kiện, triển lãm.

Chia sẻ giữa ngày Tết cổ truyền, những người này đều mong có một danh xưng chính thống để họ có thêm sự khích lệ, phấn đấu và vững tâm cống hiến.

Ông Hải tâm sự: “Chúng tôi đều là nghệ sĩ tự phong”.

Nguồn: Vnexpress.net