‘Bơi phượt’ – thú vui của người không ngại nguy hiểm ở Việt Nam

0
25
Một số thành viên tham gia hoạt động bơi phượt ở hồ Ayun Hạ, Gia Lai hồi tháng 11/2018. Ảnh: Tâm.

Vượt sông hồ, đập thủy điện là các hoạt động chính của Câu lạc bộ bơi phượt đường dài được hình thành từ năm 2015.

Một ngày đầu tháng 11/2018, hơn 100 người từ Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành tập trung tại Gia Lai để “chinh phục” hồ Ayun Hạ, hồ nước nhân tạo rộng lớn của núi rừng Tây Nguyên. Nhóm người này có thanh niên cường tráng lẫn người lớn tuổi, dành cả ngày để bơi quanh hồ. Họ thuộc CLB bơi phượt đường dài.

Một số thành viên tham gia hoạt động bơi phượt ở hồ Ayun Hạ, Gia Lai hồi tháng 11/2018. Ảnh: Tâm.

Hoạt động bơi phượt ở hồ Ayun Hạ, Gia Lai hồi tháng 11/2018. Ảnh: Tâm.

Bơi phượt đường dài

Những năm qua, một trong những CLB bơi lội theo hình thức phượt đã ra đời thu hút sự tham gia của nhiều thành viên, từ người già đến trẻ nhỏ, từ VĐV chuyên nghiệp cho đến người chơi nghiệp dư. Đây là loại hình thể thao còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Người tham gia đều có chung đam mê bơi lội và sở thích chinh phục những vùng nước mới.

Theo anh Vũ Ngọc Chiến, thành viên CLB bơi phượt ở miền Nam, các hoạt động đầu tiên diễn ra ở miền Bắc. Nhờ địa hình có nhiều sông hồ mà các sự kiện ở miền Bắc được tổ chức thường xuyên, sôi nổi và quy mô hơn. “Có dạo, các thành viên CLB bơi giữa sông Hồng trong tiết trời 8 – 9 độ C hay vượt 5 km từ đảo Cô Tô lớn sang đảo Cô Tô nhỏ rồi bơi ngược trở về. Các thành viên đã chinh phục hồ Tây lộng gió, hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Đà Bắc (Hòa Bình), hồ Thung Nai (Hòa Bình), đập thủy điện Na Hang, đập thủy điện Cửa Đạt, sông Chày (Quảng Bình)”, anh Chiến kể.

Các thành viên tham gia bơi phượt đều không ngại nguy hiểm. Ảnh: Tâm.

Các thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng chung niềm đam mê. Ảnh: Tâm.

Ở phương Nam, những hoạt động đầu tiên được nhen nhóm từ năm 2015. “Khi đó, thành viên tham gia chưa đến 5 người”, anh Chiến nhớ lại. Đến nay, các sự kiện ở phía Nam thu hút gần trăm người.

Tính trên cả nước, hiện có cả nghìn người tham gia CLB với nhiều độ tuổi, ngành nghề. Người lớn tuổi nhất đã 81 tuổi, người nhỏ nhất 7 tuổi cũng có thể bơi một km.

“Khiêu chiến” với tự nhiên

Khi bơi phượt, bạn sẽ băng qua các đoạn sông, hồ nước tự nhiên. Hoạt động đòi hỏi người tham gia phải trang bị một số kỹ năng nhất định, quan trọng là “tâm lý phải vững, không sợ hãi trước những yếu tố bên ngoài”.

Anh Chiến cho biết, để có thể bơi lâu và không bị đuối sức, người tham gia phải nắm vững các kỹ năng, đặc biệt là bơi đường dài. “Điều quan trọng nữa là phải có sức bền bởi bơi phượt không chỉ dừng lại ở vài trăm mét, có khi phải vượt hơn 10 cây số”, anh Chiến nói.

Bơi đường dài đòi hỏi người tham gia phải nắm vững các kỹ năng cần thiết và không sợ các tình huống xấu xảy ra. Ảnh: NVCC.

Bơi đường dài đòi hỏi người tham gia phải nắm vững các kỹ năng cần thiết và bình tĩnh trước các tình huống bất ngờ. Ảnh: NVCC.

Theo kinh nghiệm dạy bơi của mình, anh Chiến còn chỉ ra, người bơi trong hồ liên tục nhiều vòng chưa chắc đã có thể thử sức ở bên ngoài. “Ở môi trường tự nhiên, bạn còn phải đối mặt với những nguy hiểm không thể lường trước như nước đục làm hạn chế tầm nhìn, bị chuột rút hoặc gặp phải dòng nước chảy ngược. Chính vì vậy, người bơi còn phải biết cách xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra”, anh cho hay.

Để đảm bảo sự an toàn tối đa, những phượt thủ phải trang bị cho mình một chiếc phao cứu sinh. Phao sẽ được cột vào một sợi dây nối vào người tham gia, khoảng cách vừa đủ để không làm ảnh hưởng đến hành trình chinh phục.

Tùy vào địa hình của nơi diễn ra các hoạt động, người tham gia phải đảm bảo các tiêu chí đã được khuyến cáo trước để đảm bảo an toàn, như bơi liên tục được 2 km trong bể, biết lặn…

Mỗi lần “bơi phượt” là một lần du lịch

Theo anh Chiến, hoạt động ở miền Nam không tổ chức thường xuyên mà còn tùy hứng. “Anh em trong CLB đa phần đều bận bịu với công việc nên rất khó để chọn thời gian hợp lý để tổ chức”, anh cho biết.

Các công tác chuẩn bị cho những chuyến đi của một nhóm thành viên trong CLB cần thực hiện cẩn thận. Người khởi xướng lên danh sách thành viên, chuẩn bị xe đưa đón, chỗ ăn nghỉ. Ngoài ra, họ còn phải tính đến việc thuê thuyền cứu hộ, cắm cờ ở các điểm đích, chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho các thành viên. Mặc dù vậy, các hoạt động nhỏ lẻ vẫn diễn ra mỗi tháng một lần. Nhóm thành viên ở phía Nam đã chinh phục được nhiều nơi như Hồ Tràm, hồ Trị An, hồ Đa Tôn.

'Bơi phượt' - thú vui của người không ngại nguy hiểm ở Việt Nam
 
 

‘Bơi phượt’ – thú vui của người không ngại nguy hiểm ở Việt Nam

Video: Duy Luong.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ban tổ chức CLB Bơi phượt, cho hay, nước ở các đập thuỷ điện ở trên núi thường rất sạch. “Các điểm bơi đều có cảnh quan đẹp, người tham gia có thể thư giãn, kết hợp tham quan”, anh cho biết.

Sự kiện gần nhất và cũng lớn nhất trong năm 2018 mà CLB thực hiện vào tháng 11 là chinh phục một hồ nước nhân tạo tại Gia Lai. “Chúng tôi phải xin phép Ban quản lý hồ rồi mới được phép tổ chức”, anh Đức kể.

Lần đầu tham gia dù bơi tốt, anh Quốc Tiến cho biết đã rất hoảng sợ sau 500 m đầu tiên. “Lúc ôm phao cứu sinh, mình đã muốn quay trở lại. Mình đã phải giằng co, tự nhủ là ‘mình làm được, phải cố gắng’ để vượt qua thử thách”, anh Tiến chia sẻ.

Vừa kết hợp bơi lội và du ngoạn thắng cảnh, nhiều người tham gia còn mang theo gia đình. Họ xem đây là dịp để cả nhà đi du lịch, gắn kết với nhau hơn. Với những người này, bơi lội không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn giúp họ yêu đời và vượt qua những thử thách của bản thân.

Nguồn: Vnexpress.net