‘Bỏ nhà’ lên núi làm du lịch

0
7

40 tuổi, Nguyễn Tử Anh quyết định “bỏ” TP HCM, một mình về vùng núi Bảo Lộc, Lâm Đồng, dựng nhà làm du lịch cộng đồng.

Núi Đại Bình trải dài từ TP Bảo Lộc đến huyện Bảo Lâm, nằm sát Quốc lộ 20, trên trục đường đi Đà Lạt. Khí hậu Bảo Lộc ôn hòa, con người thân thiện; có nhiều đặc sản như trà, cà phê… Thiên nhiên thích hợp cho hình thức du lịch trải nghiệm. Đây cũng là “nhà” của người K’Ho Châu Mạ, nên yếu tố văn hóa rất đậm nét. Ngoài ra, khoảng cách từ TP HCM chỉ tầm 150 km, giao thông thuận lợi, phù hợp cho những kỳ nghỉ ngắn ngày.

Vì sao chọn núi Đại Bình làm chốn “dung thân” khi đã qua tuổi bay nhảy, Tử Anh nói, đó là cơ duyên.

“Năm 2018, trong một lần trekking (đi bộ) lên núi Đại Bình theo lời giới thiệu của người bạn địa phương, tôi gặp những người dân rất dễ thương. Biết nhóm tôi cắm trại trên núi, họ chở nước, cung cấp củi và nhiệt tình giới thiệu về ngọn núi này. Đêm đó thật ấn tượng. Đứng trên đỉnh núi, nhìn TP Bảo Lộc rực rỡ ánh đèn về đêm, rồi buổi sáng thức dậy, mây giăng khắp nơi, xen kẽ ánh nắng ban mai… Từ đó, tôi muốn làm du lịch ở ngay chỗ này để giới thiệu vùng đất thân thiện, tươi đẹp và mến khách đến những người yêu thiên nhiên và du lịch trải nghiệm”, Tử Anh nhớ lại và đặt tên cho dự án của mình: UP Base Camp.

Anh Nguyễn Tử Anh.

UP Base Camp kiểu như doanh trại, ở đó có điểm hậu cần cung cấp mọi thứ và là nơi luyện tập. Up là trên cao, chỉ vị trí trên cao nhìn xuống, tầm nhìn rộng mở, phóng khoáng. Hình dung nơi đây như ngôi làng miền núi thu nhỏ. Để đến ngôi làng này, bạn phải đi bộ chừng 2,5 km. Chỉ những người mạnh mẽ, phóng khoáng mới thích thú với những nơi như thế.
Anh nhận thấy, trải nghiệm mà khách du lịch hướng đến ở Đại Bình nằm ở hai yếu tố: cảnh vật thiên nhiên và con người địa phương. Về cảnh vật, người ta bắt đầu xu hướng giữ thiên nhiên như vốn nó đã có, thay vì can thiệp và tạo nhiều cảnh nhân tạo. Từ cái cây, ngọn cỏ, thế đất thiên nhiên đã sắp sẵn… phải tôn trọng và tuyệt đối không nên can thiệp.

Toàn cảnh UP Base Camp với lối vào là những đường mòn nhỏ uốn lượn bên lưng núi. 

UP Base Camp không do một kiến trúc sư và cũng không phải một nhà thầu thi công. Bằng chính trải nghiệm cá nhân của tôi trong những chuyến du lịch, tôi đã hình dung nó trong đầu. Từ đó, thảo luận với những người dân địa phương – những người đang hợp tác làm việc cùng tôi, lựa chọn và triển khai. Với họ, việc dựng một cái nhà, làm một cái bếp, tạo một con đường hay chỗ hội họp đông người, đều từ kinh nghiệm sống theo phong tục. Mà với người đồng bào, xưa nay thiên nhiên chính là ngôi nhà. Cứ thế, chúng tôi xây dựng và hoàn thiện nó trong sự hòa hợp với thiên nhiên xung quanh”, anh Tử Anh kể.

Du khách thường quan tâm đến 3 điều: an toàn, đầy đủ tiện nghi và sự hấp dẫn. Nhóm của Tử Anh đã xây dựng sản phẩm trên 3 tiêu chí đấy.

Nhiều người hình dung nó nằm giữa thiên nhiên nên hoang dã, xa xôi cách trở. Nhưng không, du khách có thể ở giữa thiên nhiên trên cao mà vẫn thấy phố thị, vừa thấy tách biệt, vừa thấy còn kết nối với thị thành, với nơi mà mình sống và làm việc phần lớn thời gian. Vậy nên, lên UP Base Camp không phải “đưa nhau đi trốn” mà chính là đi tìm một sự mới mẻ, hồi phục tinh thần và trở về nhà trong một trạng thái phấn chấn, yêu thương hơn.

Vận hành ở đây là người K’Ho Châu Mạ. Họ có thể không khéo léo trong giao tiếp, không giỏi phục vụ… nhưng bù lại, họ có sự mộc mạc, chân thành. Với họ, không phải khách đến là “thượng đế”, mà là bạn. Cùng làm một bữa cơm, cùng ngồi ăn một bàn, cùng chia sẻ những câu chuyện… Nhiều người đến đây, khi về bịn rịn, dặn dò rằng về thành phố thì nhớ gọi anh, gọi chị dẫn em đi chơi. 

Một vấn đề nữa là xu hướng du lịch trải nghiệm có trách nghiệm. Anh quan niệm mỗi cây được trồng xuống, là một điều tử tế được gieo. 5 năm, 10 năm nữa cả khu vực này thành một khu rừng xanh đẹp, đấy là điều nhóm của Anh hình dung, cũng là việc du khách chung tay làm.

Đến nơi, đầu tiên du khách thưởng thức cảnh đẹp hoa cỏ, cây cối thiên nhiên. Buổi tối, khách thưởng thức bữa ăn phong cách núi rừng, từ những món nướng, đến nồi cháo nóng với 6 loại gia vị lấy từ núi Đại Bình, nhâm nhi ly rượu chuối rừng được ngâm ủ rất lâu; đêm xuống, cùng nhìn ngắm phố thị lung linh. Tùy theo thời điểm mà trăng và sao dày đặc trên bầu trời.

Từ đây nhìn xuống, Bảo Lộc vào buổi sáng sớm sương mờ bao phủ.

Sáng sớm, khách có thể đón bình minh và săn mây. Mây ở đây khi dày đặc, tựa hồ như vốc được trên tay, khi thì bàng bạc, mờ ảo ôm trọn những ngọn đồi thơ mộng.

Sau bữa sáng với đặc sản măng rừng, khách có thể lựa chọn môn thể thao leo thác với đầy đủ đồ bảo hộ như vận động viên chuyên nghiệp, hoặc ở lại nhà tre đọc sách và cũng có thể dạo bộ dọc những đồi chè, đồi cà phê, chọn một góc ngồi thanh vắng và suy ngẫm về mọi thứ.

Một trải nghiệm độc đáo nữa là ngủ lều với đầy đủ tiện nghi: túi ngủ, nệm ấm và gối êm. Khu lều trại nằm cạnh bờ suối, nước chảy róc rách như lời thì thầm của núi rừng Đại Bình.  

Các doanh nghiệp thường chọn nơi đây để tổ chức team building (đồng đội), để các thành viên được thử thách và gắn kết. Anh thường tổ chức những cuộc đua như một giải marathon chuyên nghiệp, đặt các thành viên vào tình huống thực, không giả định như một trò chơi.

“Khi đầu tư lên đây, nhiều người hỏi tôi, tại sao làm mô hình kén khách (ở nơi thiên nhiên, tiếp cận khó, phải đi bộ…)? Tôi bảo rằng, đây là mô hình hướng đến cá nhân và cộng đồng. Về cá nhân, đây là cách mỗi người kiểm tra sức khoẻ trên hai khía cạnh: thể lực và tinh thần. Về cộng đồng, chúng tôi hướng tới tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, tìm kiếm, phục dựng và duy trì những nét văn hóa độc đáo của họ. Nói thì có vẻ to tát, nhưng diễn đạt đơn giản là những món ăn, những bộ đồ, điệu múa, trang sức của họ, chúng tôi sưu tầm, khuyến khích họ sử dụng, và giới thiệu đến du khách”, Anh nói.

Nhóm của Anh còn có chiến dịch “Triệu du khách, triệu cây xanh”. Đến nay đã quyên góp trên 100 nghìn cây xanh, gửi tặng những địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, những nơi bị ảnh hưởng bởi đợt cháy rừng vừa qua. Trong tương lai, anh sẽ làm việc với từng địa phương, nơi có dự án, lựa chọn khu vực để trồng rừng. Tiền mua cây trích ra từ tiền du khách sử dụng dịch vụ.

Từ định hướng trên, anh dự định tiếp tục tìm kiếm, đầu tư và nhân rộng những tuyến trekking và mô hình này. “Hiện chúng tôi đã đầu tư một khu trong ngôi làng cổ Đưng Iar Giêng – nằm sâu trong lõi Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Sắp đến, chúng tôi cũng triển khai dự án mới tại khu vực Tà Năng – điểm bắt đầu của tuyến trekking Tà Năng – Phan Dũng nổi tiếng. Chính quyền địa phương rất ủng hộ và đã xuống tận Đại Bình để khảo sát mô hình. Đấy là cơ sở cho chúng tôi tự tin sau 3 – 5 năm, sẽ có nhiều điểm được xây dựng và quản lý như nhau để khuyến khích và mở rộng loại hình du lịch trải nghiệm này”, Anh chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Tử Anh hướng dẫn khách đi trekking.

Ra đi từ vùng quê Nghệ An, lên thị thành học ĐH Luật TP HCM, tốt nghiệp đại học, Anh làm việc ở nhiều tập đoàn lớn trước khi chuyển hướng kinh doanh riêng. Thất bại nhiều lần khiến anh trở nên lì đòn hơn, nhưng vẫn bám trụ thành phố, cho tới khi tìm thấy Đại Bình. “Tôi không chán ghét lối sống thành thị, trái lại, rất yêu. Vậy nên, tự tôi xác định cho mình một nhiệm vụ: kết nối. Kết nối miền ngược, miền xuôi, miền núi và đồng bằng; kết nối con người với con người”, Anh nói.

Anh cho rằng, mình không rời bỏ thành thị, không phải như một kiểu ở ẩn, làm những thứ khác biệt. Thành phố cho anh cơ hội để tích lũy kiến thức, vốn và các mối quan hệ. Đó là những tiền đề tốt để anh làm những thứ hiện nay. 100% khách hàng của anh là từ đô thị. Điều đó nói lên rằng, cần nhiều hơn những người làm kết nối như anh.

“Có người nói tôi dũng cảm. Đến tuổi này, tôi hiểu một điều rằng, con người tính bằng 2 loại tuổi: tuổi sinh học và tuổi tâm hồn. Tuổi sinh học, tính từ khi sinh ra, theo năm tháng mà gọi là thiếu niên, thanh niên, trung niên rồi lão niên… Còn tuổi tâm hồn, thì chỉ là trẻ con, trẻ và già. Tôi luôn thấy mình trẻ trong tâm hồn. Trên tâm thế ấy, tôi cho rằng không trễ để khởi nghiệp lại lúc này. Tôi tin câu chuyện của mình rồi sẽ có nhiều người cùng kể, cùng làm. Vậy nên, không trễ là thế”, Anh cười.

Mùa hoa trên núi Đại Bình.

Theo Tử Anh, làm du lịch trải nghiệm dễ mà khó. Hiện tại có rất nhiều bạn trẻ, nhóm bạn trẻ dịch chuyển về quê hoặc những vùng xa xôi để làm du lịch. Dễ, vì những chất liệu trải nghiệm có sẵn. Khó, ấy là kết nối mọi thứ thành một quy trình phục vụ chuyên nghiệp. Dễ, ấy là bởi giá cả, dịch vụ không quá cao. Khó, chính là đôi khi bình dân đến dễ dãi, bỏ qua những nguyên tắc cơ bản như an toàn, bảo vệ môi trường…

Anh nói, kinh doanh phải xuất phát từ đam mê. Nhưng cần tính toán tài chính, nhân sự, khả năng bán hàng, vận hành mô hình du lịch… trên tinh thần của kinh doanh chuyên nghiệp, tránh dễ dãi và theo cảm hứng. Thứ nữa là khả năng lì đòn để sống sót qua những khó khăn. Muốn vậy, hãy làm bài bản, không nóng vội hay bất chợt và có cộng sự hợp ý, đi tận cùng với cam kết.

“Việt Nam rất đẹp, và không cần phải khoác lên nó những thứ không phù hợp. Vậy nên cứ dấn thân, và bắt tay vào làm thực sự”, Anh chia sẻ.

Vi Nguyễn

Nguồn: Vnexpress.net