Bí ẩn nơi hàng nghìn con chim tự sát

0
7
Hàng trăm con chim đủ màu sắc thuộc 44 loài thường bay về Jatinga vào tháng 9, 10 hàng năm. Ảnh: Dream Plan Go.

Ấn Độ Vào những đêm không trăng, hàng trăm con chim trở nên mất phương hướng, lao về phía những nguồn sáng trên dải đất nhỏ ở làng Jatinga.

Vào tháng 9 – 10 hàng năm, khi đợt gió mùa kết thúc, những con chim ở Jatinga – ngôi làng nhỏ trên sườn núi quận Dima Hasao (bang Assam), bắt đầu có hành vi bất thường. Cụ thể, vào những đêm không trăng, đặc biệt ở khoảng 18 giờ đến 21 giờ 30, hàng trăm con chim thuộc 44 loài trở nên mất phương hướng hoàn toàn. Chúng liên tiếp đâm vào những cột đèn, tòa nhà và cây cối như tự sát hàng loạt.

Hàng trăm con chim đủ màu sắc thuộc 44 loài thường bay về Jatinga vào tháng 9, 10 hàng năm. Ảnh: Dream Plan Go.

Hàng trăm con chim đủ màu sắc thuộc 44 loài thường bay về Jatinga vào tháng 9, 10 hàng năm. Ảnh: Dream Plan Go.

Sau khi rơi xuống đất trong tình trạng bị thương nặng, chúng có thể chết đói sau vài ngày hoặc bị dân làng tàn sát. Họ thường ném đá hoặc đâm những con vật bằng cọc tre vì cho rằng chúng là những linh hồn xấu, được quỷ dữ gửi đến để làm hại ngôi làng. Bất chấp nguy hiểm, hàng năm, những con chim vẫn tiếp tục bay tới vùng đất tử thần Jatinga. Ước tính hàng nghìn con chim đã tìm đến cái chết hơn 100 năm qua.

Hiện tượng chim tự sát hay “avian harakiri” được cho là xảy ra từ năm 1905, khi dân làng lần đầu phát hiện loài chim có hành vi kỳ lạ xung quanh những nguồn sáng. Những năm sau đó, ánh đèn nhân tạo và điều kiện tự nhiên đã gián tiếp tạo ra vòng lặp tự sát của chúng.

Vào những năm 1960, nhà tự nhiên học Ấn Độ Edward Pritchard Gee và nhà nghiên cứu chim ưng Salim Ali bắt đầu khám phá bí ẩn về loài chim ở Jatinga. Sự kiện này thu hút sự chú ý của các nhà khoa học toàn cầu. Một giả thuyết cho rằng, sự kết hợp giữa độ cao, gió lớn và sương mù đã khiến loài chim mất phương hướng. Ngoài ra, ánh sáng của ngôi làng đã thu hút chúng.

Bí ẩn nơi hàng ngàn con chim tự sát
 
 

Bí ẩn nơi hàng ngàn con chim tự sát

Trước đây các loài chim thường bị người đặt bẫy sáng. Video: Hills Live.

Một điều thú vị cũng được tìm ra, không hề có con chim di cư đường dài nào bị thu hút bởi bẫy sáng. Những “nạn nhân” trong hiện tượng chim tự sát đến từ thung lũng liền kề ở phía bắc. Chúng di cư tới vùng đất khác do ảnh hưởng của gió mùa. Tuy nhiên, chúng lại bị mắc kẹt và chỉ hạ cánh trong một dải đất dài 1,5 km, rộng 200 m cố định trong ngôi làng. Những cột đèn ở phía nam không thu hút bất kỳ con chim nào. 

Sau tất cả nghiên cứu, lý do những loài chim này hình thành tập quán bay đến đây và bị mắc kẹt trong hàng trăm năm vẫn chưa được giải đáp. Hội bảo vệ động vật hoang dã ở Ấn Độ đã tới Jatinga để tuyên truyền cho người dân về việc bảo tồn chim, thay vì thu hút và giết chúng. Kể từ đó, số lượng chim chết đã giảm được 40%.

Hiện tượng chim tự sát dần thu hút các nhà nghiên cứu động vật hoang dã và du khách tới ngôi làng. Để quảng bá du lịch, từ năm 2010, chính quyền địa phương tổ chức một lễ hội có tên chim Jatinga kéo dài trong 3 ngày trăng tròn, cùng các hoạt động văn hóa địa phương. 

Lan Hương (Theo World Atlas, India Today)

Nguồn: Vnexpress.net