Bên trong khách sạn ‘người lớn’

0
9
Love Hotel Hill là nơi tập trung nhiều khách sạn tình yêu tại quận Shibuya, Tokyo. Ảnh: Albert Bonsfills/National Geographic.

Nhật Bản Giữa thế giới ngày càng đông đúc và bị công nghệ chi phối, những khách sạn tình yêu theo giờ đem đến không gian riêng tư.

Dân số Nhật Bản đang suy giảm. Tỷ lệ tử vượt xa tỷ lệ sinh, ít người muốn kết hôn, thanh niên không sex. Truyền thông xứ sở mặt trời mọc gọi đó là sekkusu shinai shokogun hay “hội chứng độc thân”. Trào lưu này đáng báo động đến mức chính phủ Nhật Bản phải đổ ngân sách cho những dịch vụ hẹn hò tốc độ (speed dating) và mai mối trước quan ngại về tương lai suy thoái của nền kinh tế. 

Nhưng bên trong những con ngõ rợp ánh đèn neon của quận Shibuya, Tokyo, đồ chơi tình dục, trần nhà lắp gương, giường rung lắc hay máy bán bao cao su tự động lại vẽ lên một bức tranh hiện thực hoàn toàn khác. Chào mừng bạn đến với khu phố Love Hotel Hill, nơi ngành công nghiệp sex của Nhật Bản đang nở rộ.

Love Hotel Hill là nơi tập trung nhiều khách sạn tình yêu tại quận Shibuya, Tokyo. Ảnh: Albert Bonsfills/National Geographic.

Love Hotel Hill là nơi tập trung nhiều khách sạn tình yêu tại quận Shibuya, Tokyo. Ảnh: Albert Bonsfills/National Geographic.

Những cuộc gặp bí mật

Những khách sạn tình yêu hay khách sạn “người lớn” phục vụ hàng triệu cặp đôi Nhật Bản hàng năm, và lượng khách du lịch ngày càng tăng. Có hơn 30.000 khách sạn tình yêu tại đất nước này, chỉ riêng tại Tokyo cũng có đến hàng trăm địa chỉ – một mô hình kinh doanh tỷ đô chiếm đến 25% giá trị của ngành công nghiệp sex.

Người già ngày càng sống thọ, người trẻ kết hôn muộn, và mật độ dân số cao khiến những gia đình nhiều thế hệ xuất hiện ở khắp nơi. Với những cặp vợ chồng sống cùng cha mẹ già và con nhỏ, khách sạn tình yêu chính là không gian lý tưởng thay cho những căn phòng chỉ cách nhau một tấm gỗ mỏng trong nhà.

Dù phần lớn khách đặt phòng là cặp đôi đang hẹn hò hay vợ chồng, đôi khi có cả những người vụng trộm hay bán dâm. Kín đáo là điều quan trọng nhất mà khách sạn tình yêu có thể mang đến, từ lối vào bí mật, garage phủ kín cho tới tấm che biển số xe. Khách chỉ cần trả tiền mặt cho lễ tân sau quầy che kín để đảm bảo không lộ danh tính, không cần thanh toán qua thẻ hay chuyển khoản. Vài nơi còn có hệ thống tự động với màn hình hiển thị những phòng trống kèm nội thất theo chủ đề bên trong. Khách hàng chỉ cần nhấn nút để chọn phòng, hệ thống đèn sẽ chỉ dẫn họ đến tận cửa.

Công nghệ mới ra đời, nhưng nguồn gốc của khách sạn tình yêu đã có từ thời Edo (trong khoảng 1600-1868). Những phòng trà khi đó là nơi khách và geisha gặp gỡ. Vào thập niên 1920, những căn nhà enshenku ra đời với giá một yên mỗi giờ, nội thất phương Tây với giường đôi và khóa cửa. Khách sạn tình yêu nhan nhản vào thập niên 1970 – 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ và người dân ngày càng chuộng văn hóa phương Tây. Đồ đạc phô trương trong khách sạn phỏng theo những bộ phim giả tưởng và cổ tích Hollywood.

Nhiều khách sạn tình yêu ngày nay vẫn có các phòng theo chủ đề từ hoạt hình Disneyland, lớp học, cho đến ngục tối. Khác với những phòng tiêu chuẩn thông thường, vài nơi còn trang bị máy móc tăng khoái cảm, cho thuê trang phục cosplay, giường xoa…. Thực tế, một số phòng “tình yêu” trông có thể bình thường, nhưng khách du lịch hay vô tình đặt phải khi xem phòng trực tuyến.

  

Lười ‘yêu’

Những khách sạn tình yêu của Nhật Bản có thể làm ăn phát đạt, nhưng quốc gia này đang trải qua một đợt suy giảm tỷ lệ kết hôn, tỷ lệ sinh và sex. Theo Viện Nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản (NIPSSR), hơn 40% đàn ông và phụ nữ từ 18 đến 34 tuổi ở Nhật Bản chưa bao giờ quan hệ tình dục. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, dự kiến đến năm 2060 dân số Nhật Bản sẽ giảm 30%.

Nhưng giữa một nền kinh tế trì trệ, độc thân dần trở thành lựa chọn hấp dẫn. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, cơ hội nghề nghiệp càng thu hẹp, nhiều người độc thân lại dọn về sống chung với cha mẹ – trở thành parasaito shinguru, hay những ký sinh trùng độc thân. Không phải vay thế chấp hay nuôi con, họ thu nhập hầu như chỉ đủ ăn tiêu hàng ngày, sống vô tư và không bị ràng buộc. Thực tế, những đứa trẻ “người lớn” ở Tây Âu và Mỹ cũng có xu hướng sống cùng cha mẹ lâu hơn.

Phụ nữ Nhật Bản cũng ngày càng độc lập về kinh tế. Eric Garrison, một chuyên gia cố vấn tình dục, nói: “Nhiều người đang sống không cần bạn đời. Người xưa cho rằng nếu bạn lấy chồng, và người đàn ông của bạn thành công, tức là bạn đã thành công. Có chồng không còn là điều phản ánh thành công nữa”.

Một số người có thể cho rằng chuyện tình cảm thật phiền phức, đến mức họ lảng tránh hoàn toàn những mối quan hệ lãng mạn. Năm 2006, nhà văn Nhật Bản Maki Fukasawa đặt ra thuật ngữ “herbivore men” – những người đàn ông không hứng thú với sex – để mô tả làn sóng thờ ơ với tình dục tại quốc gia này.

Khách sạn tình yêu Ai tại Tokyo. Ảnh: Albert Bonsfills/National Geographic.

Khách sạn tình yêu Ai tại Tokyo. Ảnh: Albert Bonsfills/National Geographic.

Thực ảo

Dù xã hội có thể ngày càng tiến bộ, nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng thờ ơ với tình dục là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng quyết định đến chuyện sống còn của nhân loại, khi công nghệ đang cô lập hơn là kết nối con người. 

Craig Malkin, Giáo sư Đại học Havard, chỉ ra những nguy hiểm tiềm ẩn trong lối sống cô đơn trên mạng. “Vì game hay ấn phẩm khiêu dâm không thể chữa trị cho nỗi cô đơn trong chúng ta, dần già chúng biến thành một liều thuốc gây nghiện – để chúng ta dễ dàng quay lưng với mọi người và chìm đắm trong không gian mạng”, ông viết. “Với những người trốn tránh tiếp xúc ngoài đời thực, cuộc rong chơi trong một thế giới ảo – nơi họ có thể thoắt ẩn thoắt hiện tùy ý, dễ trở thành một lối sống”.

Trong một kỷ nguyên con người ngày càng thờ ơ trước tình dục, những khách sạn tình yêu tại Nhật Bản dường như bất chấp mọi xu hướng. Nơi này đảm bảo không gian riêng tư cho trải nghiệm tình dục trong một thế giới ngày càng đông đúc và phụ thuộc vào công nghệ. Song những không gian này cũng có thể đang biến mất. Olympics 2020 sắp diễn ra tại Tokyo, chính phủ Nhật Bản muốn chuyển đổi những khách sạn tình yêu thành phòng nghỉ tiêu chuẩn để phục vụ khách. Đến nay, thế giới thần tiên ẩn giấu của Tokyo vẫn đang mở cửa đón khách.

Bảo Ngọc (Theo National Geographic)

Nguồn: Vnexpress.net