Bất chấp núi lửa sắp phun trào, du khách vẫn đổ tới Bali

0
6
bat-chap-hiem-hoa-nui-lua-du-khach-van-do-xo-toi-bali

Chính quyền Bali đã đưa ra lời cảnh báo cao nhất về việc núi lửa phun trào song có tới 60.000 hành khách tới đây mỗi ngày.

Sau khi chính quyền Bali, Indonesia đưa ra cảnh báo mức cao nhất về việc núi lửa Agung có thể phun trào bất kỳ lúc nào, vẫn có tới 400 lượt bay ở Bali mỗi ngày, ABC đưa tin ngày 26/9.

Theo Arie Ahsannurrohim, Giám đốc Truyền thông của sân bay quốc tế Ngurah Rai, Bali, Indonesia, số lượng hành khách tới đây vẫn ổn định, khoảng 50.000 – 60.000 người mỗi ngày. “Miễn là tro bụi núi lửa không ảnh hưởng tới sân bay ở Bali, sân bay sẽ không bị đóng cửa”.

bat-chap-hiem-hoa-nui-lua-du-khach-van-do-xo-toi-bali

Núi lửa Agung có nguy cơ phun trào không làm chùn chân nhiều du khách. Ảnh: Agency.

Tuy nhiên, lãnh đạo sân bay cũng lập ra kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu nhất. Nếu núi lửa ở Bali phun trào, các phi cơ đang bay sẽ được chuyển hướng sang 7 sân bay gần đó.

Dưới mặt đất, thông báo yêu cầu phòng chống thảm họa sẽ được khởi động. Các hãng hàng không cập nhật tình hình chuyến bay cho du khách. Những người không thể bay cũng được hỗ trợ các phương án di chuyển khác.

Chỉ chưa đầy một tuần, Bali đã báo động núi lửa chính Agung phun trào lên tới ba lần. Gần đây nhất, do sự gia tăng của những cơn địa chấn, mức cảnh báo đã được nâng lên tới mức 4 mức cao nhất. Đến ngày 26/9, hơn 57.000 người địa phương đã phải sơ tán trong bán kính 9-12 km xung quanh núi Agung, theo AP.

Mặc dù lượng du khách tới đây vẫn rất cao, song không ít du khách đang nghỉ dưỡng trên hòn đảo xinh đẹp này tỏ ra lo lắng trước tình hình của núi lửa. Trên các trang thông tin cá nhân, nhiều du khách nghi ngại về nguy cơ đối mặt với việc núi lửa Agung phun trào. Sammy Arkinstall, du khách Anh chia sẻ trên Twitter: “Tôi còn quá trẻ để chết”.

Mỗi ngày, hơn 1.000 chấn động được ghi nhận, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về núi lửa chỉ đưa ra dự đoán núi lửa sắp phun trào. Họ chưa thể khẳng định thời gian cụ thể xảy ra. Sutopo Purwo Nugroho, giám đốc Trung tâm Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia của Indonesia, cho biết: “Mặc dù cấp độ 4 được đưa ra nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nó sẽ phun trào. Việc phun trào còn phụ thuộc vào năng lượng các dung nham được đẩy ra”.

Lần gần đây nhất núi lửa Agung phun trào là năm 1963, khiến 1.100 người thiệt mạng, tro bụi bay ở độ cao hơn 9 km. Nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, với 120 ngọn núi lửa đang hoạt động, Indonesia thường phải ứng phó với các trận động đất và núi lửa phun trào.

Nguồn: Vnexpress.net