Bãi rác 360 triệu USD

0
9
Đảo Semakau. Ảnh: Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore.

Singapore Ngoài các nhà hàng nổi tiếng, du khách có thể phải chờ 4 tháng mới tới lượt tham quan bãi rác trên đảo Semakau.

Điều có thể khiến du khách phải ngạc nhiên khi đến bãi rác trên đảo Semakau là họ sẽ không thấy những đống rác. Hòn đảo nhân tạo này có dáng vẻ như một khu bảo tồn thiên nhiên trong lành, dù chứa tới 9,8 triệu tấn rác thải bên dưới.

Đảo Semakau. Ảnh: Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore.

Đảo Semakau. Ảnh: Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore.

Đất đai khan hiếm, chính phủ Singapore phải phát triển những kỹ thuật xử lý rác thải tiên tiến. Để chuẩn bị đóng cửa bãi rác cuối cùng trong thành phố, Lorong Halus, vào năm 1999, các nhà chức trách cho cải tạo Pulau Semakau, hòn đảo nằm ngoài khơi phía nam Singapore. Dân làng sống trên đảo chuyển vào đất liền năm 1991 để đảo Semakau trở thành bãi rác ngoài biển đầu tiên của Singapore.

Hạ tầng trên đảo trị giá 360 triệu USD, với một bức tường bao quanh dài tới 7 km dựng từ cát, đá và đất sét, để tránh rò rỉ chất thải. Rác được đốt thành tro từ trên đất liền trước khi vận chuyển ra đảo, thêm nước và đổ vào một trong các ô chứa trước khi phủ đất lên trên, nơi cọ và những cây xanh khác tự nhiên bén rễ. Còn khí thải ra từ lò đốt rác phải trải qua quá trình xử lý phức tạp để bảo đảm môi trường xung quanh hoàn toàn trong lành.

Những dự án biến chôn lấp rác thải trở thành không gian công cộng không phải điều mới mẻ trên thế giới. Tại New York (Mỹ), bãi rác Fresh Kills trên đảo Staten, đóng cửa năm 2001 để cải tạo thành một công viên – dự kiến mở cửa vào khoảng năm 2035. Năm 1994, Nhật Bản đã xây dựng một bãi rác cũ ở phía tây nam Osaka thành sân bay quốc tế Kansai, phi trường đầu tiên nằm giữa biển trên thế giới. 

Tuy nhiên, Semakau là bãi rác duy nhất vừa tiếp nhận chất thải hàng ngày, vừa có thể hỗ trợ một hệ sinh thái thịnh vượng, với hơn 700 loại động thực vật – trong đó một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thiên nhiên hoang dã là điều quý giá tại Semakau, đến mức quy mô của bãi rác đã được thay đổi để đảm bảo hai khu rừng ngập mặn có thể tiếp cận được với nguồn nước ngọt khi thủy triều thay đổi. Những loài được bảo vệ phải kể đến diệc mỏ dài và choi choi Malaysia làm tổ trên đảo, và cá heo trắng Trung Quốc quý hiếm cũng được phát hiện ngoài khơi Semakau.

  

Bên cạnh đó, hòn đảo cũng là bãi rác duy nhất đang hoạt động mở cửa tham quan tới 5 ngày một tuần. Học sinh từ các trường ghé thăm nơi này thậm chí còn được phép lội vào hồ thủy triều để tìm hải quỳ và sao biển. Những cuộc đi bộ trên bãi thuỷ triều hấp dẫn đến nỗi gần như được đặt lịch kín quanh năm. Ngoài ra, hòn đảo còn là nơi thu hút giới yêu thiên văn tới ngắm sao vào ban đêm.

Những vị khách đặc biệt đến đảo gồm một đôi tình nhân chụp ảnh cưới vào năm 2007. Cô dâu, Rochelle Tan, cho biết mình và chồng tương lai, Ong Teow Wee, muốn thực hiện một album độc đáo, và Semakau là nơi “hoàn hảo”. Bộ trưởng Môi trường của New Zealand, Nhật Bản và Samoa cũng từng đến thăm hòn đảo này để lấy cảm hứng cho hoạt động quản lý rác thải tại đất nước mình.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) cho biết hệ thống xử lý rác này có thể giải quyết 90% lượng chất thải và tạo thêm 2% năng lượng nhờ bốn lò đốt rác, cánh đồng điện mặt trời và turbin gió. Trong khi những ô chứa rác phía đông của đảo mới bắt đầu từ năm 2015, những ô ở phía tây đã phủ kín cây xanh và đón khách từ năm 2005. Giới chức dự đoán hòn đảo có thể hoạt động ít nhất cho đến năm 2045.

Xe đổ tro đốt rác xuống những hố chứa đặc biệt trên đảo. Ảnh: Eco-Business.

Xe đổ tro đốt rác xuống những hố chứa đặc biệt trên đảo. Ảnh: Eco-Business.

Dù mô hình xử lý chất thải của đảo quốc sư tử được khen ngợi, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo những hiểm họa từ kế hoạch quản lý phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ đốt rác. Những lò đốt rác quy mô lớn, như tại Singapore, thường có tuổi thọ ngắn, đôi khi phải thay mới chỉ sau 10 năm.

Những nhà hoạt động vì môi trường từ tổ chức Greenpeace nhận định quá trình đốt rác chỉ đơn giản chuyển đổi vấn đề chất thải trở thành vấn đề ô nhiễm. “Greenpeace phản đối phương pháp đốt rác, vì nó là nguồn gốc chính của những chất gây ung thư, chất ô nhiễm nguy hại khác như thuỷ ngân hoặc các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi”, Tara Buakamsri, giám đốc chiến dịch Greenpeace tại Đông Nam Á, cho hay.

Ông Buakamsri nói: “Bãi chôn và lò đốt là những kỹ thuật xử lý rác phổ biến tại các nước Đông Nam Á, nhưng mô hình này lại tạo ra các vấn đề về môi trường và xã hội trong cộng đồng”.

Những cuộc biểu tình đã nổ ra ở Malaysia và Indonesia để phản đối kế hoạch xây dựng thêm nhà máy đốt rác của chính phủ. Philippines đã ban lệnh cấm xây lò đốt rác vào năm 1999 vì những mối đe dọa cho sức khoẻ con người. Cùng năm đó, Singapore bắt đầu phụ thuộc vào lò đốt rác để vận hành bãi rác Semakau.

Nguy cơ chất thải ngấm từ bãi rác ra đại dương nhỏ nhưng vẫn xảy ra. Các biện pháp bảo vệ có thể ngăn chặn khả năng này trong một thời gian nhất định, ít nhất là vài thập niên, nhưng không thể đảm bảo an toàn mãi mãi – do đó mối nguy hại vẫn tồn tại với thế hệ tương lai, theo Scott Kaufman, giáo sư phụ trợ tại Đại học Columbia (New York, Mỹ).

NEA khẳng định không có khả năng rò rỉ chất thải ra biển. TÜV SÜD, một công ty giám sát và chứng nhận quốc tế, kiểm tra vùng nước biển xung quanh bãi rác để tìm kim loại nặng hàng tháng. NEA nói, hai khu rừng ngập mặn quanh đảo có khả năng phản ứng cao với các chất độc hại, và đóng vai trò như một dấu hiệu báo động bất cứ thứ gì thoát ra từ bãi rác. Cơ quan này tự tin rằng đảo Semakau có thể chứa chất thải an toàn trong hàng chục năm tới.

Phạm Huyền (Theo New York Times)

Nguồn: Vnexpress.net