(Dân Việt) – Làng Nha Xá từ lâu vốn nổi tiếng bởi nghề dệt lụa, chỉ xếp sau lụa Vạn Phúc. Ngôi làng này nằm ven sông Hồng, ngay dưới chân cầu Yên Lệnh nối liền hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam và được mệnh danh là “Á hậu” lụa Việt Nam.
Chỉ đứng sau Vạn Phúc, lụa ở làng Nha Xá (Hà Nam) mềm, mịn, bền đẹp là một trong những địa chỉ nổi tiếng về nghề lụa ở Việt Nam.
Tương truyền khi xưa, tướng nhà Trần là Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư đi thuyền qua đây, thấy đất tốt, dân lại nghèo nên ông đã chỉ cho dân cách trồng dâu, ươm tơ và dệt lụa, đến nay Nha Xá là làng lụa đã tồn tại hàng trăm năm tuổi.
“Lụa ở đây mềm, mịn, bền và đẹp nên được xếp thứ hai trong số những làng lụa của nước Việt, chỉ đứng sau lụa Vạn Phúc”, một người làm lụa lâu năm tại Nha Xá cho biết.
Men theo con sông chảy giữa làng Nha Xá, có thể cảm nhận thấy tiếng máy rộn ràng thay cho âm thanh khung cửi, thoi đưa trong văn thơ xưa cũ. Đây là một dấu hiệu tích cực, vì người dân đã hiện đại hóa sản xuất. Một số nhà có hàng chục máy dệt, mua từ nhiều năm trước.
Trước đây, tại Nha Xá, khoảng 60% hộ dân trong làng sống nhờ nghề, giờ chỉ còn khoảng 10%. Hiện nay, phần lớn tơ ở làng Nha Xá được nhập từ huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Để làm nên một tấm lụa, người ta phải nhập tơ, quay tơ, rồi mới đưa qua máy dệt.
Tấm lụa mộc dệt xong được đem ra tẩy, nhuộm màu rồi phơi khô. Mỗi công đoạn đều có cách làm riêng, rất kỳ công và đòi hỏi người thợ thật chuyên tâm, tinh tường.
Tuỳ vào số lượng sợi mà vải lụa sẽ điều chỉnh độ dày mỏng, tạo nên nhiều loại vải lụa phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm, cứng hay óng ánh.
Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra những mặt hàng khác nhau.
Trước đây, người ta dùng các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như vỏ cây, lá cây, các loại củ như củ nâu… để nhuộm vải.
Ngày nay, kỹ thuật nhuộm hiện đại với phẩm màu công nghiệp cho màu sắc bền đẹp, nhiều hoa văn họa tiết hơn.
Ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, cho biết hiện nay làng có 150 hộ sản xuất và kinh doanh với gần 400 máy dệt, cho sản lượng 1.200-1.500m lụa mỗi tháng. Tuy nhiên, do lụa Nha Xá chưa được nhiều người biết đến, cộng với việc cạnh tranh khốc liệt của vải lụa Trung Quốc, nên nhiều hộ sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: Danviet.vn