(Dân Việt) Vào những ngày cao điểm cận kề Tết trung thu, gia đình ông Trần Văn Bản (huyện Thường Tín, Hà Nội) luôn trong tình trạng tất bật ngày đêm để kịp hoàn thành các đơn hàng giao cho khách.
Clip: Người đàn ông hơn 30 năm làm khuôn bánh trung thu.
Cứ đến hẹn lại lên, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, gia đình ông Trần Văn Bản (thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại bận rộn với công việc sản xuất khuôn bánh trung thu gỗ.
Gia đình ông hơn 35 năm nay theo nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. Công việc bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 8 (âm lịch) hằng năm. Mỗi khuôn bánh trung thu ông cùng ra đình làm ra đều có một hình thù khác nhau và trải qua nhiều công đoạn. Khoảng thời gian này, gia đình ông dừng các hoạt động sản xuất đồ mỹ nghệ bằng gỗ để tập trung làm khuôn bánh.
Loại gỗ được ưu tiên sử dụng để làm khuôn là gỗ xà cừ, bởi gỗ này có tuổi thọ cao, ít bị ẩm mốc không ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Nguồn gỗ để làm khuôn bánh được gia chủ trực tiếp thu mua trong làng và khu vực trung tâm Hà Nội khi xà cừ già chết hoặc bị chặt hạ phục vụ các dự án giao thông.
Có sự hỗ trợ của máy móc cùng với sự đổi mới tiên tiến trong các khâu như cắt – xẻ, mài mịn gỗ giúp cho quy trình sản xuất khuôn bánh diễn ra nhanh gọn và hiệu quả hơn.
“Ngày trước khi chưa có máy thì việc làm phẳng phần bên trong của khuôn bánh phải mất cả ngày, có khi còn hỏng việc, không kịp làm đơn hàng cho khách. Nhưng giờ có máy móc hỗ trợ, công đoạn được thực hiện nhanh gọn, chưa đầy 1 phút”, ông Bản cho biết.
Được biết, trước đây làng có rất nhiều người làm khuôn bánh trung thu, nhưng hiện nay chỉ còn gia đình ông Bản.
Hiện nay thị trường khuôn gỗ bị thu hẹp bởi sự xuất hiện tràn lan của khuôn nhựa Trung Quốc giá rẻ. Tuy nhiên theo ông Bản, có nhiều điểm khiến những chiếc khuôn gỗ trở nên đặc biệt và là lựa chọn hàng đầu của nhiều cơ sở sản xuất chính là sự an toàn, không hoá chất và tính bền bỉ với “tuổi thọ” kéo dài khoảng 5, 6 năm. Song song đó, việc sử dụng khuôn gỗ cũng giúp chiếc bánh làm ra thơm ngon và đảm bảo chất lượng hơn.
Trung bình sẽ mất khoảng 2 tiếng để hoàn thành một chiếc khuôn bánh. Mỗi ngày ông Bản làm được khoảng 6 khuôn. Đối với những ngày cao điểm, khách đặt nhiều và yêu cầu cần gấp, ông Bản phải thức cả đêm để kịp hoàn thành đơn hàng.
“Trước đây, khi chưa có khuôn đục lỗ thì đây là công đoạn mất thời gian và tốn sức nhất. Nhưng bây giờ nhờ máy móc mà quy trình diễn ra nhanh và chính xác hơn nhiều”, ông Bản nói.
Công đoạn chính và cũng là công đoạn khó nhất trong việc làm khuôn bánh đó là tạo hình hoa văn, người nghệ nhân vẫn phải làm thủ công 100% để đảm bảo sự chính xác và tinh xảo trong từng đường nét.
Bà Phạm Thị Tâm (53 tuổi) vợ của ông Bản chia sẻ: “Công đoạn khắc hoa văn hoạ tiết này cần phải có những người có tay nghề cao, nhưng khuôn nào mà nhiều hoạ tiết, các nét hoa văn nhỏ là làm khó nhất đòi hỏi sự tỉ mỉ và sự chính xác cao của người thợ làm khuôn”.
Khuôn bánh có giá trung bình từ 200.000 – 500.000 đồng. Một số mẫu theo yêu cầu của khách có thể lên tới nhiều hơn.
Hiện gia đình ông Bản có 5 – 6 người làm và đều là người trong gia đình. Ông cho biết, nghề làm khuôn bánh trung thu được truyền lại cho con cháu gìn giữ không để mai một. Ngoài thời gian sản xuất khuôn gỗ đúc bánh trung thu, gia đình ông Bản cũng sản xuất những mặt hàng khác phục vụ khách hàng.
Nguồn: Danviet.vn