(Dân Việt) Xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu nổi tiếng với nghề dát vàng truyền thống độc đáo bậc nhất ở Việt Nam lộvà có lịch sử trên 400 năm. Trải qua bao thăng trầm, người dân Kiêu Kỵ vẫn gìn giữ được nghề tổ truyền, khắp nơi vẫn vang vọng tiếng đập quỳ suốt ngày không dứt.
Clip: Làng nghề làm vàng quỳ duy nhất tại Việt Nam.
Làng nghề Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là làng duy nhất ở Việt Nam hiện nay chuyên làm vàng quỳ. Từ những công trình kiến trúc, đến những bức tượng Phật, hoành phi câu đối dát vàng bạc lấp lánh…, đều in dấu bàn tay khéo léo, tinh tế của những người thợ nơi đây.
Người ta đem chỉ vàng để lên đe, lấy búa đập cán dài ra, càng dài càng tốt, 1 chỉ cán dài được 2m là vừa đẹp, sau đó cắt sợi vàng/bạc này ra thành từng đoạn nhỏ bằng móng tay (mảnh diệp).
Những mảnh diệp có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1 cm2 rồi đặt vào lá giống. Đây là loại giấy dó đem quét nhiều lần bằng mực tự chế trộn với keo da trâu, tạo nên độ bền chắc. Sau đó, diệp sẽ được xếp thành từng cọc 49 lá và đem đi đập vỡ. Trước khi đập vỡ, các sấp diệp sẽ được bọc bằng những lớp vải dày để tránh làm rách giấy lót.
Anh Hào (30 tuổi), người có hơn 11 năm kinh nghiệm đập diệp cho biết: “Với những người mới đập thì nên đập chậm và đều để vàng được tán mỏng và lá vàng được đều. Hơn nữa đập chậm sẽ không bị thương vì bị búa đập trúng tay”.
Phần trại quỳ là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn.
Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay và nhẹ nhàng. Thông thường, 1 chỉ vàng sẽ tạo nên được 980 lá quỳ vàng tương đương với gần 1m2.
Công đoạn cuối cùng là thiếp vàng. Những miếng quỳ sẽ được phủ đều lên sản phẩm. Công đoạn này sẽ được thực hiện trong phòng kín gió vì nếu không những lá quỳ mỏng sẽ bị gió thổi bay.
Bà Phạm Thị Ngọ (73 tuổi) bật mí: “Những miếng quỳ này rất mỏng, bất kể mùa nóng hay mùa lạnh đều không được bật quạt và phải ở trong phòng kín gió. Nếu có gió vào miếng quỳ sẽ bị gẫy và bị thổi bay, đến lúc đấy lại phải đi gom lại rồi nung để làm lại từ đầu thì rất mệt”.
“Sau khi đã phủ kín bề mặt sản phẩm sẽ được dùng bút lông đánh bóng. Những vụn vàng sẽ bám chặt vào sản phẩm cần thiếp và tạo sự kết dính”, bà Ngọ nói tiếp.
Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ nay đã trở lên rất nổi tiếng và được sử dụng ở nhiều nơi để trang trí những công trình tâm linh như bộ hoành phi, câu đối cho đến những pho tượng tạo nên vẻ đẹp sang trọng và lấp lánh.
Nguồn: Danviet.vn