Ăn xin ở Dubai kiếm nghìn đô mỗi tháng

0
10
Một người hành hương bố thí. Ảnh: National.

Nhiều người từ khắp các quốc gia châu Á và Arab nhập cảnh vào Dubai để hành nghề ăn xin và kiếm bộn tiền.

Năm 2017 là “Năm cho đi” (Year of Giving) của Dubai, khi tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đưa ra thông điệp mang hy vọng và hạnh phúc tới những người nghèo khổ ở khắp thế giới. Chính quyền và các tổ chức tư nhân ở UAE đã thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ những người kém may mắn ở đây, cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều người đang lợi dụng chính sách này để thu lợi khi nhiều băng nhóm được lập ra, đưa những người ở các quốc gia khác tới hành nghề ăn xin, lợi dụng lòng tốt người dân ở đây, theo Khaleej Times.

Khi ăn xin trở thành “mốt”

Khi có visa du lịch, những người từ Trung Đông hay một số quốc gia châu Á khác kéo tới Dubai, với hy vọng kiếm tiền nhanh và dễ dàng. Hầu hết nhóm này đến từ những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Libya, Syria, Iraq, Palestine hay Pakistan.

Khác với những người ăn xin thường được thấy ở tàu điện ngầm hay bến xe bus, nhóm người này đều có bề ngoài sáng sủa, ăn mặc chỉnh tề và thậm chí đưa gia đình đi theo. Họ tiếp cận mọi người ở mọi nơi, từ trên phố, bãi đỗ xe, hay thậm chí khu dân cư và sẵn sàng tỏ thái độ nếu nhận được 1-2 USD. 

Một người hành hương bố thí. Ảnh: National.

Một người hành hương bố thí. Ảnh: National.

Nawai Al Naqbi, một cư dân ở Dubai, chia sẻ nỗi bức xúc: “Họ thuyết phục mọi người với những lời lẽ cảm động. Ban đầu, tôi thường cho họ tiền song sau đó, tôi nhận ra việc này đã trở thành một hiện tượng và phớt lờ”.

Theo thống kê năm 2017 từ chính quyền Dubai, 34.881 người bị bắt vì lưu trú quá hạn và bán hàng rong. Trong đó, có 2.355 người bán hàng rong và 1.840 trường hợp hành nghề ăn xin. Con số này đã giảm so với mức 49.205 người bị bắt năm 2016.

Trong số những người bị bắt, một người khai nhận là “du khách” có visa du lịch 3 tháng và kiếm được hơn 75.000 USD một tháng. Cảnh sát ước tính, trung bình một người ăn xin ở Dubai kiếm gần 2.500 USD mỗi ngày. Đa phần họ kiếm được nhiều tiền nhất vào thứ 6, đặc biệt khi đứng trước các thánh đường.

Ăn xin có bài

Nhóm ăn xin này thường nhắm vào những người giàu. Batool Al Harmoodi, một công dân Dubai, kể lại những lần cô gặp kiểu người này.

Cô từng gặp một người Syria khoảng 40 tuổi lầm lũi đứng ở bãi đậu xe ngoài trung tâm thương mại với một cậu bé. Thấy khách mua sắm có vẻ giàu có, người này chạy đến và nói rằng gia đình 6 người của mình sắp bị chủ nhà đuổi đi, mà anh ta vừa mất việc. Nhưng khi Al Harmoodi hỏi địa chỉ, anh ta bắt đầu lầm bầm còn đứa trẻ tỏ ra ngơ ngác. Cuối cùng, anh ta phải thừa nhận mình được bạn chở đến trung tâm mua sắm này, cả nhà nhập cảnh UAE sau khi di tản khỏi Syria.

Vài người xin tiền để mua vé máy bay về nhà, với câu chuyện họ tới UAE để tìm việc nhưng bị cướp sạch. Một số khẳng định mình là người có học, nhưng vì một số lý do mà phải ra đường ăn xin.

Người ăn xin trước một khu thánh đường. Ảnh: Emirates 24/7.

Người ăn xin trước một khu thánh đường. Ảnh: Emirates 24/7.

Băng nhóm giật dây

Một nhân viên cảnh sát cấp cao ở Dubai chia sẻ, họ đã bắt được một số nhóm ăn xin gần đây. Những người này đều thừa nhận, mình được một số băng nhóm Ả Rập và châu Á cung cấp tiền xin visa, vé máy bay và nơi ở để tới Dubai. Họ phải đưa bất kỳ thứ gì xin được cho kẻ cầm đầu và nhận lại 10% số đó.

Hầu hết những người này đều không biết ăn xin là hành vi trái pháp luật ở UAE. Một người nói: “Hy vọng tất cả người giàu sẽ cho tôi tiền vì đây là Năm cho đi. Tôi đến đây bởi có người bảo tôi rằng, người dân nước này sẵn sàng cho chúng tôi những khoản tiền lớn. Ở đây không có nghèo đói, chúng tôi luôn được chào đón”.

Cảnh sát Dubai khuyến cáo người dân không nên bố thí cho người ăn xin và cần báo cáo những hoạt động xin tiền cho chính quyền. “Những người thực sự cần giúp đỡ có thể tìm đến các tổ chức từ thiện”, một cảnh sát nói.

Ăn xin ở Dubai kiếm hơn 75.000 USD mỗi tháng
 
 

Ăn xin ở Dubai kiếm hơn 75.000 USD mỗi tháng

 Người dân Dubai từng lan truyền video châm biếm những người lợi dụng lòng tốt của xã hội, trong đó một người đóng giả ăn xin mang theo cả máy quẹt thẻ để “thanh toán”. Video: YouTube. 

Nguồn: Vnexpress.net