Ấn tượng lần đầu đi tàu cao tốc ‘viên đạn’ ở Nhật Bản

0
19
Trải nghiệm tàu cao tốc 'viên đạn' Nhật

Chỗ duỗi chân rộng rãi, góc ngả ghế lớn, vận tốc trung bình hơn 280 km/h nhưng ít rung lắc là những ấn tượng mạnh nhất của tôi khi đi tàu cao tốc Shinkansen, niềm tự hào công nghệ của người Nhật trong nửa thế kỷ.

Trải nghiệm tàu cao tốc 'viên đạn' Nhật
 
 

Trải nghiệm tàu cao tốc ‘viên đạn’ Nhật

Lần đầu công tác Nhật hồi tháng 10, lên các chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo, tôi không khỏi ngưỡng mộ sự hiện đại, tiện lợi của phương tiện này. “Nhưng thế này vẫn còn ồn và lắc lắm, cậu phải đi Shikansen mới thấy mê, ngồi chưa ấm chỗ đã tới nơi rồi”, Doãn Hoài Nam, 27 tuổi, một người bạn đã học và làm việc tại Nhật nhiều năm, nói.

Tôi có cơ hội lên hai chuyến Shinkansen đi và về giữa thành phố Tokyo và tỉnh Shizuoka, nơi có núi Phú Sĩ nổi tiếng. Hai địa điểm cách nhau 167 km được kết nối bằng tuyến tàu Tokaido Shikansen, tuyến lâu đời nhất (1964) và cũng thông dụng nhất.

Với khoảng cách này, trong khi tàu thông thường di chuyển khoảng ba giờ mới tới thì tàu Shinkansen giúp rút ngắn thời gian xuống chỉ còn một giờ, nhờ vận tốc trung bình 285 km/h.

Trong tiếng Nhật, Shinkansen nghĩa là “đường tàu mới”, ngoài ra phương tiện còn được gọi là “bullet train” (tàu viên đạn), do hình dạng thuôn gọn của đầu tàu, cùng tốc độ cao được ví như viên đạn bay khỏi nòng súng. Tốc độ cao là vậy, nhưng trong lịch sử nửa thế kỷ của tàu Shinkansen, chưa có tai nạn chết người nào do va chạm.

Ông Hideo Shima, cha đẻ của Shinkansen, từng mong muốn thiết kế một loại tàu “đem lại cảm giác như máy bay”. Và thực tế, tàu Shinkansen có nhiều điểm tương đồng, thậm chí thoải mái hơn máy bay nhờ không gian rộng rãi, tiếng ồn và độ rung lắc thấp. 

Từng chi tiết nhỏ nhất trên tàu cũng có thể cho thấy sự tỉ mỉ của người Nhật, dù có thể người mới đi lần đầu ít để ý: từ chiếc móc áo chìm trên thành khoang, ổ cắm điện, cửa tự động, vòi nước tự động, tới chiếc ghế thoải mái nhất tôi từng ngồi. Tàu di chuyển nhanh tới mức mưa rơi chảy thành hàng ngang song song mặt đất, như lúc máy bay cất cánh, nhưng đồng thời, nước trong chai trên bàn hầu như không dao động.

Một điều thú vị nữa là đường tàu nằm rất sát nhà dân, trong khi người Nhật đặc biệt tôn trọng sự yên tĩnh và tính riêng tư. Trong quá khứ, tàu Shinkansen từng gây ô nhiễm âm thanh, dẫn đến một số cuộc biểu tình ở đất nước có mật độ dân cư cao. Do vậy, công nghệ được cải tiến để tiếng ồn của tàu thấp hơn 70 dB tại khu dân cư (nhỏ hơn tiếng máy hút bụi). 

Riêng trên tuyến Tokaido, có ba loại tàu Shinkansen, từ nhanh đến chậm. Tàu Nozomi (Hy vọng) là tàu nhanh nhất, sau đó tới Hikari (Tia sáng) và cuối cùng là Kodama (Tiếng vọng). Loại nhanh nhất (300 km/h) chỉ dừng tại những ga lớn trong khi loại chậm nhất (285 km/h) dừng tại tất cả ga dọc đường.

Cũng không thể không nhắc tới tác phong làm việc chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ toa tàu, từ những người dọn dẹp nhanh thoăn thoắt, xong hết mọi việc chỉ trong 7 phút khi tàu đỗ tại ga, tới nhân viên trên tàu, mỗi lần bước tới cửa khoang là quay người 180 độ, cúi chào và mỉm cười với khách. 

Chất lượng đi cùng với giá thành. Vé tàu cao tốc Shinkansen có giá cao gấp hai đến ba lần giá vé tàu thường. Tuy nhiên, cách khách du lịch nước ngoài tiết kiệm chi phí là mua vé Japan Rail Pass, theo loại thời hạn 7, 14 và 21 ngày, giúp đi lại khắp nước Nhật bằng các loại tàu do Japan Railway Group vận hành. Một tấm vé mua trọn gói hành trình 7 ngày có giá khoảng 6 triệu đồng dành cho khoang thường.

Japan Rail Pass chỉ được bán bên ngoài Nhật, vì vậy, bạn có thể đến các công ty du lịch ở Việt Nam để mua vé. Còn nếu muốn mua theo từng chuyến tại Nhật, bạn có thể đến các cửa hàng bán vé, voucher (kinken shop) hoặc đến ga tàu.

Xem thêm: Sự thật thú vị về tàu cao tốc Nhật Bản

Trọng Giáp

Nguồn: Vnexpress.net