Bữa ăn trong bóng tối là hành trình thông qua các giác quan. Tất cả những gì bạn cần là thư giãn, dùng vị giác để cảm nhận sự tinh tế của mỗi món ăn và để cho đầu óc thả trôi theo tiếng nhạc êm đềm.
Nép mình trong một con hẻm trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1, Noir – Dining in the Dark đem đến cho tôi trải nghiệm khó quên về một bữa ăn hoàn toàn trong bóng tối. Bạn chỉ cần thư giãn, dùng vị giác để cảm nhận sự tinh tế của đồ ăn và để cho đầu óc thả trôi theo tiếng nhạc êm đềm.
Nhà hàng bóng tối không còn xa lạ ở nhiều nước trên thế giới nhưng mô hình này mới đến Việt Nam từ năm 2014 do anh Vũ Anh Tú, người Hà Nội cùng một cộng sự người Hà Lan sáng lập. Bước vào nhà hàng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là phong cách trang trí thanh nhã, ngăn nắp và gọn gàng. Để làm quen với việc không sử dụng thị giác và cách xác định đồ vật, chúng tôi được trao cho tấm băng bịt mắt và bộ xếp hình, như một cách “khởi động” trước khi bước vào trò chơi chính mang tên “ẩm thực châu Á”.
Làm quen với cách xác định đồ vật trong bóng tối. Ảnh: Hải Thu. |
Tất cả thực khách được yêu cầu cất túi xách, vật dụng cá nhân, điện thoại hoặc những thứ có thể phát sáng như đồng hồ, bật lửa… vào ngăn tủ có khóa an toàn. Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một căn phòng chìm trong bóng tối với nhân viên phục vụ là người khiếm thị. Chúng tôi không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì và hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của nhân viên. Thú thật tôi có chút e ngại ban đầu khi bước vào không gian bản thân không thể chủ động bất cứ điều gì. Chúng tôi đặt tay lên vai nhau, xếp thành đoàn tàu và được bạn nhân viên dẫn đường đến chiếc bàn đặt trước.
Xếp thành đoàn tàu vào phòng ăn. Ảnh: Noir. |
Sau khi ngồi vào chỗ, chúng tôi được nhân viên giới thiệu các vật dụng có trên bàn. Từng khay đồ ăn được mang ra, đầu tiên là 4 món khai vị, tiếp đến 4 món chính và cuối cùng là 3 món tráng miệng. Quy định là phải ăn theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ món trên cùng bên phải và kết thúc với món trên cùng bên trái. Thị giác vốn là giác quan chiếm ưu thế nhất trong mọi hoạt động của con người, nhưng khi giấu đi, các giác quan khác sẽ được phát huy hơn. Chúng tôi thưởng thức từng món, tranh cãi với nhau về các loại thực phẩm, hoàn toàn quên đi việc chụp hình trước bữa ăn, về công việc bộn bề hay những lo toan trong cuộc sống. Chúng tôi ngồi đó, chìm trong tiếng nhạc, thưởng thức và cảm nhận từng món. Dần dần, khứu giác trở nên nhạy bén hơn, vị giác sắc sảo hơn và xúc giác cũng tinh tế hơn. Với cách chế biến cầu kỳ và đặc biệt, đôi khi chúng tôi không thể phân biệt được đang ăn thịt lợn hay thịt cừu, thịt bò hay ức vịt, cải bắp hay đu đủ xanh… Những món ăn được biến tấu một cách không ngờ và luôn khiến chúng tôi kinh ngạc cho tới tận phút cuối cùng.
Nhân viên phục vụ trong nhà hàng đều là người khiếm thị. Ảnh: Noir. |
Sự dè dặt lo lắng ban đầu hoàn toàn biến mất. Chúng tôi thoải mái chuyện trò trong bầu không khí cởi mở và hào hứng hơn. Kết thức bữa tối, nhân viên dẫn chúng tôi trở lại phòng chờ và cho xem hình ảnh cùng mô tả về các món ăn chúng tôi vừa thưởng thức. Điều thú vị nhất là chúng tôi có thể so sánh những phán đoán của mình với đáp án và biết được mình cảm nhận đúng bao nhiêu trong số đó.
Với chúng tôi, bữa ăn ở Noir là hành trình thông qua các giác quan, đem lại cảm nhận theo một cách hoàn toàn mới. Hơn hết, tôi nhận ra nỗ lực và sự kiên cường của người khiếm thị, họ khiến chúng tôi cảm phục từ tận đáy lòng. Họ chân thành, tự tin và lịch thiệp, với nụ cười luôn nở trên môi. Họ làm tốt hơn bất cứ nhân viên nào chúng tôi từng gặp. Trải nhiệm này khiến chúng tôi thấu hiểu hơn về khó khăn của người khiếm thị, đồng thời thấy trân trọng hơn những điều đang có.
Xem thêm: Nhà hàng Việt vào top 10 quán ngon ở Hong Kong
Nguồn: Vnexpress.net