Nỗ lực đưa thi thể John Chau về đất liền có thể dẫn đến xung đột khi người Sentinel quyết tâm không cho người lạ xâm nhập hòn đảo.
Trong cuộc họp ngày 26/11, giới chức quần đảo Andaman và Nicobar (Ấn Độ) đã quyết định tạm dừng tìm kiếm thi thể John Chau trên đảo Bắc Sentinel, theo Indian Express. Chàng trai 27 tuổi này có thể đã bị bắn tên đến chết khi lên hòn đảo của bộ tộc Sentinel vào ngày 17/11.
Du khách người Mỹ, John Chau (bên phải) khi ở Nam Phi. Ảnh: Indian Express. |
Cuộc họp có sự tham gia của các lực lượng cảnh sát, đại diện của Sở Phúc lợi Bộ tộc, Viện Nghiên cứu Bộ tộc quần đảo Andaman và Nicobar, Cục Lâm nghiệp và các nhà nhân chủng học Ấn Độ. Giới chức địa phương cho rằng mọi hoạt động tiếp cận hòn đảo đều có thể gây phiền toái và nguy hiểm cho thổ dân. Chính quyền Trung ương cũng đồng tình với quyết định này, theo Indian Express.
Tới nay, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể xác định vị trí của thi thể du khách Mỹ dù nhiều lần tiếp cận hòn đảo kể từ 20/11. Đội tìm kiếm gồm cảnh sát, đội kiểm lâm và lực lượng bảo vệ bờ biển đã sử dụng cả trực thăng và thuyền.
Một số chuyên gia nhận định thời điểm này đã quá muộn để đưa thi thể John Chau về đất liền, do khí hậu nóng ẩm trên đảo Bắc Sentinel có thể đẩy nhanh quá trình phân hủy.
Những người Sentinel được mệnh danh là bộ tộc cự tuyệt thế giới bên ngoài. Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ. |
Trước đó, những tổ chức bảo vệ các bộ tộc thiểu số đã kêu gọi cảnh sát Ấn Độ ngừng tìm kiếm thi thể John Chau. Stephen Corry, Giám đốc tổ chức bảo vệ các bộ tộc thiểu số trên toàn cầu Survival International, nhận định: “Những nỗ lực trong các vụ tương tự đều dẫn đến xung đột, khi người Sentinel quyết tâm bảo vệ hòn đảo của mình bằng bạo lực”.
Theo BBC, ông Corry cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chết người như sởi, cúm… tăng lên mỗi khi người Sentinel tiếp xúc với người từ thế giới bên ngoài: “Thi thể của Chau nên bị bỏ lại, cũng như người Sentinel không nên bị làm phiền”.
Nguồn: Vnexpress.net