Nếu đang trên hành trình du lịch Pháp, Nepal hay Bhutan, có thể bạn sắp hạ cánh xuống một trong những sân bay nguy hiểm nhất hành tinh.
Sân bay Barra, Scotland: Sân bay Barra nằm trên vịnh Traigh Mhòr, đảo Barra, Scotland, có độ cao hơn 1,5 m so với mực nước biển. Do đó, đường băng chỉ có thể được sử dụng khi thủy triều rút. Tất cả ba đường băng đều ở dưới nước khi thủy triều lên. Các chuyến bay chỉ hạ cánh trong một số giờ nhất định. Vào ban đêm, đường băng được chiếu sáng bằng đèn xe và dải phản quang đặt trên bãi biển.
Sân bay Lukla, Nepal: Nếu muốn chiêm ngưỡng Everest, bạn cần hạ cánh ở sân bay Lukla của đất nước Nepal. Đường băng tại đây là một trong những đoạn tiếp đất ngắn nhất, nằm giữa những ngọn núi. Hơn nữa, sân bay cũng không có đèn điện, phi công muốn hạ cánh phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Sân bay quốc tế Courchevel, Pháp: Sân bay quốc tế Courchevel có đường băng ngắn nhất thế giới với chiều dài chỉ 525 m và độ dốc 18,5%. Phi công rất khó khăn bởi máy bay không đủ tốc độ để cất cánh. Nhiều cảnh báo cho thấy bạn có thể rơi xuống vách đá bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hạ cánh cũng không phải là điều dễ dàng, máy bay trước đó cần phải di chuyển qua một thung lũng hẹp trên dãy Alps.
Sân bay Toncontin, Honduras: Các sân bay tọa lạc ở địa hình miền núi luôn là một thử thách khó khăn cho du khách và Toncontin cũng không ngoại lệ. Trước hạ cánh, máy bay cần rẽ qua một thung lũng, sau đó phải giảm độ cao khá nhanh và đáp xuống đường băng chỉ 2,1 km. Một chiếc Airbus 320 từng mắc tai nạn trượt khỏi đường băng, đâm vào hẻm núi khi hạ cánh tại đây.
Sân bay Paro, Bhutan: Sân bay Paro nằm trong dãy Himalaya với độ cao hơn 2,2 km so với mực nước biển, bao quanh bởi các đỉnh núi hiểm trở và nằm trên bờ sông Paro Chu. Do địa hình khắc nghiệt, thời tiết bất lợi, sân bay chỉ hoạt động vào ban ngày khi có đủ có yếu tố đảm bảo và cũng chỉ 25 phi công được phép hạ cánh ở đây.
Sân bay Cristiano Ronaldo, Bồ Đào Nha: Mặc dù Madeira là điểm đến khá phổ biến, bạn cần chút can đảm để bay đến đây. Địa hình một bên là núi, mặt kia nằm sát bờ biển, gió thường thổi với vận tốc 79 km/h, Cristiano Ronaldo trở thành một trong những sân bay nguy hiểm bậc nhất châu Âu và thế giới. Một chiếc Boeing 727 từng gặp nạn ở đây khi cố gắng hạ cánh, khiến 131 trên tổng số 164 người thiệt mạng.
Sân bay quốc tế Princess Juliana, Hà Lan: Sân bay này đặc biệt nổi tiếng với bãi biển công cộng nằm ngay trước đường băng. Trong khi cần cẩn thận để không đâm vào du khách trên bãi biển, các phi công cũng phải chú ý đến chiều dài 2.179 m của đường băng. Sân bay quốc tế Princess Juliana chủ yếu được ghé thăm bởi những chiếc máy bay lớn, chúng cần ít nhất 2.500 m để hạ cánh an toàn.
Sân bay Narsarsuaq, Greenland: Chiều dài đường băng chỉ 1.800 m kết hợp với những tảng băng lởm chởm, thời tiết bão tố và tầm nhìn thấp khiến sân bay Narsarsuaq trở thành điểm đến khó chịu nhất cho cả phi công và hành khách. Những cơn gió mạnh có thể làm chệch hướng di chuyển. Hơn nữa, một ngọn núi lửa đang hoạt động gần đó phun trào khá thường xuyên khiến các động cơ của máy bay dễ bị hỏng bởi tro bụi.