3 tháng sống cùng thổ dân đảo Papua

0
60
10523603-10202669479537217-857-3467-4847

Không hiểu ngôn ngữ của nhau, đồ ăn không hợp và tập tục địa phương lạ lẫm là những điều mà chàng trai người Việt phải đối mặt khi sinh hoạt cùng thổ dân đảo Papua.

Nguyễn Anh Tuấn, 44 tuổi, công tác tại Trường ĐH Văn hoá Hà Nội là một trong số 40 chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam được tham gia dự án của Indonesia đến đảo Papua. Đây là nơi sinh sống của nhiều thổ dân với những đặc trưng văn hoá phong phú nhất thế giới. 

10523603-10202669479537217-857-3467-4847

Nguyễn Anh Tuấn (giữa) chụp ảnh cùng những thổ dân trên đảo.

Thổ dân ở đây thường sống rải rác trong rừng dọc theo bờ biển Nabire và lưu vực các dòng sông. Thị trấn Nabire nằm cạnh vịnh Cendrawasih ở bờ biển phía bắc của tỉnh Papua, cách thủ đô Jakarta, Indonesia khoảng 3.200 km về phía đông.

Do khí hậu ở đảo tương đồng với TP HCM nên việc chuẩn bị của anh hết sức đơn giản. Ngoài vật dụng cá nhân, anh mang theo máy ảnh, đèn pin, thuốc chống côn trùng, thuốc phòng chống sốt rét… Sau 13 tiếng trên máy bay, anh đặt chân lên đảo với thông tin rất ít về vùng đất này.

Những trải nghiệm khó quên

Những ngày đầu tiên, anh cảm thấy khá sợ bởi vẻ ngoài hung dữ của thổ dân nơi đây. Anh Tuấn nhớ lại: “Khi ra đường họ hầu như mang theo dao nhọn to và cung tên”. Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài, sau khi mạnh dạn làm quen, trò chuyện anh thấy họ rất dễ mến. Anh thuê nhà ở thị trấn và tự sắp xếp cuộc sống cho mình để thích nghi dần bởi đồ ăn ở đây rất khó ăn, người dân chủ yếu chế biến món ăn theo kiểu đạo Hồi và ăn bốc. Thức ăn chính là ngô khoai, rau rừng, tôm cá và các động vật săn bắn được.

Anh dành phần lớn thời gian tham gia vào các hoạt động của dự án, ngoài ra tranh thủ đi xuyên đảo và gặp gỡ thổ dân. Việc tổ chức cuộc sống của họ rất đơn giản. Công việc thường ngày của thổ dân là đi rừng săn bắt và hái lượm rau củ để dùng và mang đi bán. Người dân ở đây chỉ có một số biết tiếng Anh nên anh phải tự học số đếm và các từ thông dụng để giao tiếp, nhưng chủ yếu vẫn là nói bằng tay hoặc vẽ hình mô tả.

10300863-10201147872097982-824-7068-3968

Cung tên và dao nhọn là thứ những thổ dân luôn mang theo bên mình. 

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất anh Tuấn từng trải qua là được mời ăn trong một buổi khánh thành nhà thờ nhỏ ở thị trấn Nabire. Người dân ở đây chế biến thức ăn theo một phương thức hết sức độc đáo. Anh kể: “Họ đào hố sâu khoảng 1 m, nướng sỏi nóng rải xuống hố, lót lá lên và cho thịt bò, thịt gà, cá xuống, rồi lại lót lá rải sỏi nóng lên trên. Thịt cá chín bằng hơi lẫn mùi lá thơm và dùng tay ăn bốc rất thú vị”.

Suốt ba tháng trên đảo, nỗi ám ảnh luôn thường trực trong đầu anh là dịch bệnh. Đây là vùng trung tâm ổ dịch sốt rét của thế giới với nhiều chủng khác nhau. Anh phải uống thuốc phòng chống sốt rét, sử dụng thuốc chống côn trùng và luôn phải có màn để chống muỗi đốt.

Thú vị với luật tục và tôn giáo

Đây cũng là vùng đất tồn tại nhiều nghi thức và luật tục. Tuy nhiên, anh rất ấn tượng về tinh thần tôn trọng luật pháp ở đây. Người dân tuân thủ luật lệ rất nghiêm túc nên hầu như không nhìn thấy tai nạn và vi phạm, dù các phương tiện giao thông tham gia với tốc độ khá nhanh. Vốn là thuộc địa của Anh nên họ đi bên trái đường, ô tô sử dụng tay lái nghịch.

Chính quyền được tổ chức theo phương thức hiện đại, có quân đội, công an đầy đủ nhưng luật tục có một vị trí quan trọng trong đời sống của họ. Anh Tuấn kể: “Chẳng hạn có một chiếc xe ô tô nào đó đâm chết một chú chó trên đường thì người dân ở đây sẽ ra chặn toàn bộ các xe tham gia giao thông lúc đó để thu tiền. Mỗi xe thu khoảng 100 rupiah (200.000 đồng) khi nào đủ 2.000 rupiah (4 triệu đồng) thì mới thôi”.

Các thổ dân ở đây đều theo một tôn giáo và họ tự do chọn tôn giáo cho mình. Các tôn giáo phổ biến nhất là đạo Hồi, Tin Lành, Thiên Chúa và đạo Phật.

10484923-10201565008206124-913-7874-1699

Trang phục truyền thống của thổ dân khá đơn giản. Nam giới dung một loại quả họ bí phơi khô khoét ruột rồi buộc dây che dương vật. Phụ nữ dùng vải được đan bằng dây gai làm váy quấn phần dưới, phía trên ngực để tự nhiên hoặc mặc áo tự dệt. 

Thổ dân ở đây cũng được phân thành các tầng lớp khác nhau. Một số nhóm ở tầng lớp trên hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo. Các chủ đất lớn khá hiểu biết về thế giới xung quanh, họ cũng thường đi thủ đô Jakatar và một số các thành phố khác bằng máy bay. Tầng lớp dưới thì ít ra khỏi khu vực sống của mình nên còn khá hạn chế về mặt hiểu biết.

Điều làm Anh Tuấn tiếc nhất sau chuyến đi là việc chưa được chứng kiến một số nghi lễ mang tính phép thuật trong đời sống những thổ dân nơi đây.

Cuộc sống của thổ dân đảo Papua

Lê Thương

Ảnh: NVCC

Nguồn: Vnexpress.net