3 hành động phản cảm trên đường du lịch ở Việt Nam

0
18
Untitled-1.jpg

Việc ngồi, nằm và giẫm lên các cánh đồng hoa để chụp ảnh, vứt rác bừa bãi, phá hoại di tích là những hành động nhận được nhiều phản đối từ du khách và người dân địa phương.

Bên cạnh những người yêu thích cái đẹp và luôn ý thức trân trọng, giữ gìn điểm du lịch, còn một bộ phận không nhỏ những vị khách để lại ấn tượng không đẹp mắt khi cư xử thiếu văn hóa với những nơi mình đi qua.

Giẫm nát ruộng hoa

Hoa cải là “đặc sản” mà Mộc Châu dành để đãi khách. Cuối thu, tiết trời chuyển lạnh cũng là lúc Mộc Châu được khoác lên mình lớp áo của cải trắng tinh khôi. Du khách đến đây những ngày đều say đắm trước vẻ đẹp nên thơ của những đồi cải phủ trắng sườn đèo. Năm nay, tại các cánh đồng hoa cải, bà con thu phí khách du lịch mỗi người 10.000 đồng để tăng thu nhập và để khách có ý thức hơn trong việc bảo vệ ruộng hoa.

Tuy nhiên, do lượng khách quá đông, chủ ruộng không thể quản lý và sự thiếu ý thức của một bộ phận khiến cho mùa cải năm nay để lại hình ảnh đáng buồn: Hoa bị giẫm nát ở nhiều nơi, rác vứt bừa bãi… Những cánh đồng hoa tam giác mạch hay hoa hướng dương ở một số địa điểm khác cũng rơi vào tình trạng tan hoang tương tự sau khi đón du khách ghé thăm.

Untitled-1.jpg

Những hình ảnh này du khách sẽ không còn thấy xa lạ trên đường phượt. Ảnh: Facebook.

Xả rác vô tội vạ

Thờ ơ với những lời kêu gọi gìn giữ môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, nhiều người vô tư xả rác trên cung đường mình đi qua. Tại nhiều điểm dừng chân nghỉ ngơi hoặc qua đêm, một số bạn trẻ hồn nhiên để lại vô số rác thải, từ bao túi ni lông, đồ ăn thừa, giấy, chai nước…

Bên cạnh đó, cũng có không ít những phượt thủ lặng thầm là gom rác trên đường du lịch nhằm bảo vệ môi trường. Hành động này đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên từ cộng đồng những người yêu du lịch.

to-6318-1419325194.jpg

Nếu đi du lịch trên những cung đường không có thùng rác, hãy dự trữ bao túi để đựng rác mang về đê thể hiện mình là những người có văn hóa. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Phá hoại di tích lịch sử

Hiện nay, rất nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, công trình công cộng bị tô vẽ và làm xấu bởi những dòng chữ với nội dung vô bổ, thiếu văn hoá. Thông điệp mà những “tác giả”  để lại thường là khắc tên và ngày tháng để khẳng định mình đã đến nơi này, ghép đôi người này với người kia, những dòng thơ chế, thề thốt yêu đương hoặc đáng buồn hơn là những ngôn từ tục tĩu, phản cảm.

Có thể kể đến tháp Hòa Phong, tháp Bút (Hà Nội), tường cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), bia đá ghi lại chứng tích lịch sử ở núi Bài Thơ (Quảng Ninh)… Những dòng chữ ấy khiến cho các công trình lịch sử bị tổn hại, xuống cấp đồng thời để lại ấn tượng không tốt trong mắt mọi người, nhất là du khách nước ngoài.

Thap-hoa-phong-anh-Khanh-Chi-8760-141958

Bên trong tháp cổ Hòa Phong. Ảnh: Khánh Chi

Lê Thương

Nguồn: Vnexpress.net