Trong trí nhớ của Tài Lộc, chuyến tàu từ Jakarta đến Bekasi, Indonesia không có chỗ trống, không tay vịn nhưng anh vẫn rất hứng khởi.
Cao Tài Lộc quê ở Tây Ninh, hiện làm việc liên quan đến các vấn đề xuất nhập khẩu và hỗ trợ biên phiên dịch tiếng Indonesia. Chàng trai 29 tuổi vừa có hành trình đáng nhớ cùng với đội tuyển Olympic Việt Nam tại Indonesia. Dưới đây là những chia sẻ của anh.
Sau chuyến phà 45 phút và 2 giờ bay, tôi có mặt ở Jakarta, trái tim của Indonesia và cũng là nơi đang diễn ra Đại hội Thể thao châu Á. Trước khi đến đất nước vạn đảo, tôi đang đi bụi ở Singapore. Tôi chưa từng nghĩ sẽ chủ động đi cổ vũ đội nhà vì vốn dĩ Indonesia nằm trong lịch trình khám phá Đông Nam Á của tôi từ trước.
Nhưng với ấn tượng mạnh từ vòng chung kết U23 châu Á diễn ra ở Thường Châu hồi đầu năm, tôi quyết định bằng mọi giá mình sẽ có mặt ở sân vận động để góp thêm sức mạnh tinh thần cho các tuyển thủ.
Ngày 21/8, tôi bắt phà từ Singapore sang thành phố Batam rồi từ đó, tôi đáp chuyến bay đến thủ đô Jakarta. Do đã có thời gian sinh sống ở Indonesia trước đó, tôi không mấy khó khăn trong những ngày ở đây. Hội người Việt đang sống và làm việc ở Indonesia cũng chuẩn bị kế hoạch và đăng trên các diễn đàn cho người có nhu cầu đi cổ vũ từ trước.
Trận Việt Nam – Bahrain
Đến Jakarta, tôi có thời gian rảnh để đi thăm thú một vài nơi. Tôi cũng tranh thủ dùng lại nhiều món ăn mà đã lâu tôi không có cơ hội thưởng thức.
Chiều 23/8, tôi có việc phải xử lý khi đã sát giờ diễn ra trận Việt Nam – Bahrain. Do bị thương ở chân, khả năng đi lại của tôi cũng giảm hơn so với lúc bình thường. Đúng 16h, tôi cùng hai người bạn bắt taxi từ Jakarta đến Bekasi, giá gần 200.000 đồng.
Lúc đó tôi chưa mua vé vào sân trong khi đường phố buổi tan tầm ở thủ đô Indonesia rất đông đúc. Nhìn ra cửa kính ôtô, tôi thấy dòng xe nối dài mà lòng không yên. Cuối cùng tôi và bạn đồng hành cũng đến được sân vận động lúc 18h.
Khi vào sân, tôi vô tình chứng kiến trận xung đột giành chỗ ngồi của hai cổ động viên người Việt. Bất chợt tôi nghe ai đó nói “Chúng ta đang ở nước ngoài, hãy ý thức màu cờ sắc áo”. Ngay sau đó hai người này bình tâm và dừng cãi vã. Điều này khiến tôi nhớ mãi và lấy làm vui vì đang ở một nơi xa.
Sân vận động Patriot Candrabhaga không đông nhưng tôi cảm nhận rõ bầu không khí hừng hực khí thế của các cổ động viên Việt. Lúc Công Phượng ghi bàn thắng duy nhất quyết định tỉ số, cả khán đài như vỡ oà, mọi người nhảy lên reo mừng. Phút chốc, tôi quên đi vết thương ở chân, hoà vào dòng cảm xúc đó.
Nước mắt hạnh phúc
Rút kinh nghiệm từ hôm trước, ngày Olympic Việt Nam đối đầu với Syria, tôi dùng Cummuter Line, một loại tàu nhanh khá giống với tàu MRT ở Nhật để đến sân vận động. Phương tiện này được khá nhiều người Indonesia sử dụng một phần vì giá rẻ, một phần vì dễ đi và thời gian cũng nhanh hơn.
Từ ga Jakarta, tôi mất khoảng một giờ để đến ga Bekasi, cách khoảng 25 km. Giá tàu chỉ 3.000 rupiah (khoảng 6.000 đồng) nhưng với người lần đầu đến Indonesia sẽ có chút khó khăn vì phải xuống ở trạm Mangarai rồi chuyển sang một chuyến tàu khác mới đến nơi.
Những tưởng tôi đã có khoảng thời gian thoải mái và không sợ tắc đường. Nhưng không, khi cánh cửa tàu mở ra, đập vào mắt tôi là dòng người chật như “ép mắm”. Cũng “nhờ” sức đẩy của các hành khách phía sau mà tôi không dùng sức vẫn lên được trên tàu. Không khe hở, không tay vịn, tay tôi giữ chặt chiếc balô ở phía trước ngực.
Tới ga Bekasi, tôi mất thêm khoảng 10 phút để đi taxi đến sân vận động. Tôi khá bất ngờ khi vừa đặt chân tới sân, trước mắt tôi tràn ngập bóng dáng của những chiếc áo đỏ sao vàng. Tôi có cơ hội gặp và nói chuyện với nhiều cổ động viên là người Việt vừa sang cổ vũ. Đây có lẽ là trải nghiệm mà tôi khó quên được.
Trong suốt trận đấu, mọi người chủ động tổ chức và thống nhất nguyên tắc khi cổ vũ cho các tuyển thủ. Nếu bóng ở gần sân đội bạn, cổ động viên không được hò hét mà phải giữ trật tự để các cầu thủ tập trung. Còn nếu đội bạn đang áp sát khung thành đội nhà thì phải cổ động thật nhiều. Mục tiêu đặt ra, dù không ai giao ước là cổ vũ làm sao cho các cầu thủ có tinh thần chứ không được hoảng loạn.
Một số người Việt tôi gặp kể khi qua đây chỉ ở trong khách sạn mà không đi đâu. Có người không rành tiếng Anh cũng không biết tiếng Indonesia, ít có kỹ năng tìm đường. Anh Hoàng (34 tuổi, ở Hà Nội) và chị Lê (28 tuổi, ở Hải Phòng) là hai trường hợp điển hình mà tôi được biết. Anh và chị đều quyết định ở lại cổ vũ đội nhà sau trận thắng Bahrain. Cả hai chỉ quanh quẩn ở khách sạn rồi chờ đến trận đấu tiếp theo chứ không ra ngoài hay đi tham quan.
Tất cả chúng tôi, tuy đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng đều có chung một mục đích khi có mặt ở Bekasi, đó là muốn tận mắt xem các cầu thủ trẻ lập nên kỳ tích. Syria là một đội mạnh về thể lực, cầu thủ họ to cao hơn nên việc đối đầu với họ là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, bàn thắng quý như vàng của Văn Toàn ở cuối trận đấu càng khiến những người xa lạ như chúng tôi xích lại gần nhau. Đã có người không thể tin vào mắt mình, phải hỏi liên tục; có người như “chết lặng”, hàng nước mắt bắt đầu lăn dài trên má. Có người không kiềm được cảm xúc mà nhảy lên, hò reo. Chúng tôi ôm lấy nhau. Cảm xúc như tan chảy trong trái tim.
Tôi tin rằng, ngay khoảnh khắc tại sân vận động Patriot, Olympic Việt Nam đã là nhà vô địch trong trái tim của mỗi chúng tôi.
Ngày 29/8 – trận đấu lịch sử
Do phải thuê chỗ ở tại Jakarta trong nhiều ngày, tôi phải tiết kiệm chi phí. Tôi bắt đầu bữa sáng của mình bằng bánh mì với tempe (một loại đồ ăn truyền thống của người Indonesia).
Hai người bạn của tôi từ TP HCM và Cà Mau dịp này cũng bay sang Indonesia để cổ vũ nên tôi may mắn trở thành “chủ nhà”. Hành trình của họ không mấy thuận lợi do chuyến bay bị hoãn nên phải mua vé khác để kịp trận đấu. Dù vậy, chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ khi đi chơi tại Jakarta và ăn trưa cùng nhau.
Tâm thế của tôi khá phấn khích trước trận gặp Olympic Hàn Quốc. Địa điểm tổ chức trận bán kết được đổi sang Bogor, cách thủ đô khoảng 60 km. Chúng tôi quyết định đi tàu để tránh kẹt xe. Do đi sớm, tránh được giờ tan tầm, chuyến tàu không “ép mắm” như lần trước đó.
Nếu như ở sân Patriot tôi bất ngờ một thì tại sân Pakansari cảm xúc của tôi như vỡ oà khi nhìn đâu cũng thấy người Việt.
Trong sân, có một anh đánh trống và một chị đứng ra làm “thủ lĩnh” để hô hào các động viên đồng thanh. Các vật dụng dùng để cổ vũ “chuyên nghiệp” hơn. Trống được dàn 6 – 7 cái, to bằng người. Nhiều gậy hơi được phát cho những ai không có để tạo ra âm thanh lớn hơn.
Khi bài hát Quốc ca vang lên, toàn bộ khán đài im lặng. Không khí thiêng liêng như bao trùm lấy sân vận động có sức chứa 30.000 người. Đúng như nhiều người nhận định, đây là một “trận cầu lịch sử” mà đối với một cổ động viên như tôi, chưa bao giờ cảm giác tự hào khi nói “Tôi là người Việt Nam” lại dâng cao đến như vậy.
Dù kết quả đến với đội tuyển Việt Nam không như mong muốn nhưng với tôi, các cầu thủ trẻ đã cống hiến một trận cầu hay, chơi hết mình, điêu luyện và đầy sự đoàn kết.
Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp xem tuyển quốc gia thi đấu tại một giải đấu lớn và chắc chắn không thể nào quên được những gì đã diễn ra trong những ngày qua. Đó không chỉ là chuyến tàu chật chội từ Jakarta đến Bekasi, mà còn cả nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc của những cổ động viên.
Kết thúc ngày thứ 10 của mình tại thủ đô Jakarta, tôi bắt chuyến bay tiếp theo cho hành trình của mình đến Solo, thành phố nằm ở miền Trung đảo Java. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của người bạn mình: “Sau cùng thì trái bóng vẫn tròn và không ai có thể cấm cản giấc mơ”.
Chia sẻ của Cao Tài Lộc từ Indonesia
Phong Vinh ghi
Nguồn: Vnexpress.net