Pranang hoang sơ và thơ mộng – Ảnh: Băng Giang |
Pranang, một cái tên nghe rất gần nhưng lại rất xa, gần vì ở ngay sau đỉnh núi trước mặt thôi, xa vì phải thuê nguyên một chuyến tàu để sang chơi…
Đêm trên đảo Railay – Krabi (Thái Lan) mưa thật to. Bờ tây không có hoàng hôn và bờ đông thì ướt sũng, mưa trắng cả con đường dẫn lối giữa những quán bar và quán ăn nhanh. Từ trong phòng nhìn ra ngoài trời sầm sập tối, mưa từ mái hiên tuôn xuống không ngừng, đám lá cây loang loáng nước, tôi mở ô đi vào làng tìm mua một gói mì tôm.
Mưa dừng hẳn khi trời còn chưa trở sáng. Tôi mở đồng hồ, chưa đến 6g. Tôi còn một phía đảo chưa đặt chân, nơi tấm bản đồ trên đảo bảo có con đường dẫn lên núi, tới vọng cảnh đài để ngắm nhìn Railay với hai bờ biển đông tây cong cong như logo của thương hiệu Chanel, xinh đẹp và kiêu kỳ.
Có vài người cũng đang bước dọc con đường mòn hướng về phía đông nam hòn đảo. Kịch lối đi có một cây biển chỉ dẫn. Tôi tiếp tục đi vòng theo hướng tây, tự hỏi liệu có thể tìm được đường lên đỉnh, liệu có thể tìm được một hồ nước nằm lọt thỏm giữa rừng già?
Con đường men theo vách núi và những khoảng động lộ thiên khá lớn với vô số thạch nhũ rủ xuống vẫn còn đọng sương đêm, một mà không, có hai chú sóc đuôi dài đang nhí nhảnh trèo qua bờ rào, leo lên mấy chạc cây và đuổi nhau khuất sau đám lá.
Lối mòn khá yên tĩnh. Vách đá lớn che mất nhiều ánh sáng biến lối mòn trở nên mơ hồ, chính điều ấy đã làm bước chân tôi rụt rè …
Nhưng rồi, ở cuối con đường, bí mật Pranang đã được mở ra…
Bãi biển hoang đường
Ngoài vịnh biển là những đảo đá nhỏ – Ảnh: Băng Giang |
Một đảo đá rất gần bờ, khi thủy triều rút có lội bộ đến nơi – Ảnh: Đức Hùng |
Trước mặt tôi là một vịnh biển nhỏ vô cùng xinh đẹp trong sớm mai. Thủy triều rút để lộ một bãi cát hình vòng cung thoai thoải và trắng mịn.
Hai đầu bãi biển nhô ra hai mỏm núi như một vòng tay ôm trọn, phía trước là những đảo đá nằm rải rác trên vịnh biển, tựa như một bức tường thành chắn sóng, tạo cho Pranang một vẻ khá kín đáo, riêng tư và biệt lập với thế giới bên ngoài.
Không có bình minh nhưng hẳn mặt trời đã leo khá cao. Trên bãi biển chỉ có hai vị khách du lịch người Trung Quốc đang trình diễn các tư thế yoga và tự chụp hình. Một nhóm ba người dạo bộ sát mép nước, thong thả và chỉ về phía tây bắc, nơi mà chỉ cần vượt qua vách đá kia thôi là đã về tới khách sạn của tôi.
Nhưng cậu thanh niên lắc đầu bảo không thể đi về bờ tây Railay được, tôi bắt buộc phải quay về bằng con đường cũ.
Tôi gặp những cặp tình nhân nắm chặt tay nhau cùng dạo bước trên bãi biển Pranang. Trông họ không có vẻ là khách của khu resort duy nhất trên bờ Pranang – Rayavadee Premier, khu nghỉ dưỡng có tới hai mặt biển, một theo hướng Pranang và một theo hướng bờ đông Railay.
Một cô gái lần đầu tới Railay đang chạy bộ một mình, tôi biết điều đó khi cùng cô trò chuyện với một cặp vợ chồng người bản địa khi cố tìm đường leo lên đỉnh quan sát và đi tìm hồ nước giữa rừng già.
Khi phải bỏ cuộc vì chỉ có cách duy nhất là leo núi với hướng dẫn viên, cô tò mò đi sâu vào trong những hốc đá, bám vào gờ và leo lên những mỏm cao, hướng mắt nhìn ra vịnh và tôi tìm thấy sự bình yên trong hành động đó.
Bí mật Pranang – Ảnh: Băng Giang |
Trú mình trong lòng hang và lắng nghe tiếng sóng – Ảnh: Đức Hùng |
Tôi trốn dưới vòm hang mát lạnh, cát mịn ve vuốt dưới gót chân, lắng nghe tiếng sóng rì rào xô nhẹ vào triền cát. Vòm hang rủ xuống những mẩu nhũ đá, đám dây leo chằng chịt quấn quanh.
Tôi vẫn hay nhìn thấy những khung cảnh đẹp như mơ trên bãi biển qua mạng, vì thế, ngay lúc này tôi dường như không dám tin mình đang thật sự được chiêm ngưỡng một Pranang dịu dàng và mơ mộng đến hoang đường.
Chắc rằng khi hoàng hôn phủ tấm áo màu tím trên vịnh biển, Pranang sẽ trở thành nàng công chúa xinh đẹp nhất trần gian.
Động Pranang và những linga kỳ bí
Pranang trong truyền thuyết là tên của một nàng công chúa Ấn Độ, một người đã bị chết trong một cuộc đắm tàu và hồn ma của nàng đã trú ngụ trong hang động trên bãi biển.
Trong một truyền thuyết khác, Pranang đơn giản chỉ là vợ của một ngư dân đi biển mãi không về, khi ấy nàng đã sống phần còn lại của cuộc đời trong một hang động để đợi chồng. Hang động ấy được đặt tên là Pranang.
Động Pranang, phần hồn linh thiêng của đảo Railay – Ảnh: Băng Giang |
Một biểu tượng Linga bằng gỗ được chôn sâu trong cát – Ảnh: Băng Giang |
Theo thời gian, những ngư dân và thuyền viên trong vùng đã hình thành lên một thói quen cúng dường kỳ lạ tại động Pranang với mục đích cầu an cho các chuyến đi biển của mình.
Có vô số Linga được làm từ gỗ, rất cầu kỳ và tạo hình như bản nguyên thủy được dâng lên cho người con gái mang tên Pranang tại động Pranang.
Linga là biểu tượng của thần Shiva trong đạo Hindu vốn luôn được coi là một linh vật may mắn. Những Linga cúng dường có nhiều kích cỡ khác nhau, thường được sơn màu và quấn trang trí bằng những sợi vải màu rực rỡ.
Mùi hương trầm ai đó đã cúng dường sớm nay lan nhè nhẹ trong không gian trong trẻo, như đưa tôi rời xa thế giới thực tại và đắm chìm vào trong những suy nghĩ mơ hồ.
Ngay trên bờ cát cũng có một chiếc Linga lớn được làm từ gỗ cắm sâu trong lòng cát, hướng về phía biển.
Tôi sực nhớ ra ngay giữa lối mòn men theo vách hang động sáng nay cũng đã gặp một Linga khổng lồ bằng đá, được tạo hình tuyệt đẹp, và thạch nhũ từ trên cao, nhỏ nước xuống đúng đỉnh Linga trông khá gợi cảm và ấn tượng.
Biểu tượng Linga bằng đá trên đường mòn tới động Pranang – Ảnh: Băng Giang |
Với nhiều du khách, có lẽ họ mong muốn đến đảo Railay nói chung hay bãi biển Pranang nói riêng để được tắm nắng, nằm dài trên bờ cát nghe sóng hát, thư thái và ngủ quên giữa không gian tĩnh lặng và riêng tư, kín đáo.
Nhưng rồi hẳn nhiều người trong số họ cũng sẽ bất ngờ như tôi, khi chứng kiến phần hồn thiêng liêng của miền đất nơi động Pranang.
Người gác cổng của khu nghỉ dưỡng Rayavadee Premier nói với tôi: Nếu cô thả xuống biển Krabi một linh vật Linga bằng gỗ, cho dù ở bất kỳ đâu trên biển Krabi thì linh vật Linga ấy cuối cùng vẫn sẽ tìm về với động Pranang…
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn