Xe nhập khẩu thất thế khi ôtô nội được giảm phí trước bạ

0
7
Xe nhap khau that the khi oto noi duoc giam phi truoc ba hinh anh 1 19_SolutoATLuxury_zing.jpg

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước nếu được áp dụng sẽ khiến xe nhập khẩu ít nhiều gặp bất lợi trong việc cạnh tranh.

Nếu đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe du lịch dưới 9 chỗ sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 được áp dụng chính thức, thị trường ôtô Việt Nam sẽ có chênh lệch về sức cạnh tranh giữa 2 nhóm ôtô nội và ôtô nhập.

Không chỉ nhóm xe phổ thông mà cả xe hạng sang cũng được dự báo sẽ có những thay đổi lớn khi xe sản xuất trong nước được ưu đãi kích cầu nhiều hơn so với xe nhập khẩu.

Người dùng sẽ ưu tiên ôtô nội địa

Dù chưa có thời gian áp dụng chính thức, tuy nhiên thông tin xe lắp ráp có thể được giảm một nửa mức lệ phí trước bạ đã khiến một bộ phận khách hàng lung lay ý định chọn mua xe nhập khẩu.

Với cùng một hạng xe và tầm tiền như nhau, nếu chọn model sản xuất trong nước thì người dùng sẽ tiết kiệm được một khoảng tiền tương đương 5-6% giá xe.

Lấy ví dụ so sánh giữa 2 dòng xe Kia Soluto và Mitsubishi Attrage. Kia Soluto bản AT Deluxe đang được Thaco lắp ráp có giá đề xuất 455 triệu, nếu đăng ký tại Hà Nội với mức giảm 50% cho 12% lệ phí trước bạ sẽ có chi phí lăn bánh gần 505 triệu.

Trong khi đó, chiếc Mitsubishi Attrage CVT nhập khẩu Thái Lan sẽ cần tổng chi phí 537 triệu để ra biển số. Con số chênh lệch 32 triệu đồng giữa 2 mẫu xe nhiều hơn đáng kể mức ưu đãi giảm giá 10-15 triệu đang phổ biến ở phân khúc sedan hạng B hiện nay.

Chị Hoàng Linh tại Vũng Tàu cho biết gia đình chị ban đầu dự định mua Honda CR-V bản cao nhất giá gần 1,1 tỷ, tổng số tiền đăng ký tính theo khu vực II cho mẫu crossover nhập Thái vào khoảng 1,2 tỷ có lẻ.

Còn nếu chuyển sang mua mẫu Hyundai SantaFe máy xăng tầm trung thì chi phí cũng gần tương đương nhưng trang bị lại nhiều hơn CR-V. Điều kiện cần là quy định giảm lệ phí trước bạ được áp dụng cho SantaFe lắp ráp trong nước.

Tình thế trái ngược của các hãng xe

Với mức lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất trong nước thấp hơn trước 50%, các nhà sản xuất đang có quy mô nhà máy lớn và sản phẩm chủ lực được lắp ráp ở Việt Nam như Toyota, Thaco (Mazda, Kia và Peugeot), TC Motor (Hyundai) và VinFast là những cái tên vui mừng hơn cả.

Trái lại, nhiều thương hiệu ôtô phổ thông tại Việt Nam đang phụ thuộc vào xe nhập khẩu sẽ vấp phải không ít khó khăn trong phần còn lại của năm 2020.

Đơn cử như Honda hiện chỉ còn sản xuất duy nhất Honda City, tuy nhiên dòng xe này lại đang bị các đối thủ như Toyota Vios, Hyundai Accent và Kia Soluto bỏ xa về doanh số. Mẫu xe bán tốt nhất của Honda Việt Nam trong năm 2019 là CR-V sẽ phải gồng mình để cạnh tranh với Hyundai SantaFe, Mazda CX-8 hay Mitsubishi Outlander lắp ráp trong nước.

Xe nhap khau that the khi oto noi duoc giam phi truoc ba hinh anh 3 crv_2018__zing.jpg

Honda CR-V là mẫu xe nhập khẩu duy nhất ở phân khúc crossover cỡ trung hiện nay.

Suzuki, Mitsubishi và Ford cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi hầu hết sản phẩm quan trọng của 3 hãng xe này được sản xuất tại Thái Lan hoặc Indonesia trong khi các đối thủ chính lại có lợi thế sân nhà.

Danh sách có thể kể đến Suzuki Celerio cạnh tranh với Kia Morning và Hyundai i10, Mitsubishi Xpander cạnh tranh với Toyota Innova, Mitsubishi Pajero Sport cùng Ford Everest đối đầu Toyota Fortuner.

Riêng với Thaco, họ có thể kỳ vọng các thương hiệu phổ thông của mình tăng trưởng nhờ quy định mới, tuy nhiên xe BMW nhập khẩu lại phải chịu cảnh lép vế trước Mercedes-Benz.

Thương hiệu ngôi sao 3 cánh vốn đã có ưu thế lớn về giá bán nhờ có nhà máy tại Việt Nam. Nay các dòng xe chủ lực của Mercedes như C-Class, E-Class, S-Class và GLC-Class có thể được giảm chi phí đăng ký từ hơn 80 triệu đến gần 300 triệu lại càng khiến các hãng xe sang khác lo lắng. Đồng cảnh ngộ với BMW trong cuộc cạnh tranh với Mercedes còn có Audi, Lexus và Volvo.

Thực tế, vẫn có một vài phân khúc nằm ngoài vùng ảnh hưởng của chính sách kích cầu dành cho xe nội địa. Chẳng hạn, các dòng xe hatchback hạng B và bán tải đều được nhập khẩu như nhau. Ngoài ra, nhóm khách hàng của Porsche, Jaguar Land Rover hay Maserati cũng được cho là sẽ không bị tác động bởi sự thay đổi lệ phí trước bạ.

Một tư vấn bán hàng của thương hiệu xe sang nước Anh tại Hà Nội chia sẻ: “Một khi đã chọn mua xe vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng thì khách gần như đã quyết định rất kỹ. Đồng thời, ở tầm tiền này thì các hãng đều nhập xe cả nên thị phần sẽ không bị ảnh hưởng dù quy định về lệ phí trước bạ có thay đổi hay không”.

Xe nhập khẩu tự kích cầu

Quang Hải, chuyên viên truyền thông nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ôtô nhận định: “Giảm 50% lệ phí trước bạ giúp xe lắp ráp trong nước có lợi thế lớn rõ ràng so với xe nhập khẩu. Nhưng thị trường cũng sẽ không có quá nhiều khác biệt khi các nhà sản xuất chắc chắn sẽ có giải pháp kích cầu cho ôtô nhập để duy trì doanh số của năm 2020.”

Hiện tại, Honda và Ford đang áp dụng nhiều mức khuyến mãi cho các mẫu xe nhập và nhiều khả năng sẽ duy trì trong các tháng sau. Một đại lý Honda tại TP.HCM đang giảm 30-35 triệu tùy phiên bản cho Civic đời 2020, đối với CR-V mức ưu đãi dao động 45-50 triệu đồng. Trong khi đó, Ford Việt Nam áp dụng giảm giá 50-75 triệu cho 3 model Trend và Ambiente của Everest.

Theo tiết lộ từ nhân viên kinh doanh xe Subaru ở TP.HCM, nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng cho xe lắp ráp trong nước thì đối với 2 dòng sản phẩm nhập là Forester và Outback sẽ được hãng áp dụng chương trình giảm phí đăng ký 35 triệu.

Xe nhap khau that the khi oto noi duoc giam phi truoc ba hinh anh 6 Forester_zing-28.jpg

Nhìn chung, thông tin xe hơi sản xuất trong nước được xem xét giảm lệ phí trước bạ ít nhiều giúp thị trường ôtô Việt Nam sôi động trở lại sau thời gian suy giảm vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc chưa biết chính xác thời gian áp dụng quy định này khiến người tiêu dùng lưỡng lự chờ đợi, còn các nhà sản xuất rơi vào tình thế bị động tạm thời khi chưa biết phải hành động ra sao trong phần còn lại của năm 2020.

Nguồn: News.zing.vn