Vượt ‘bão’ COVID-19, du lịch Việt tập trung quảng bá các điểm đến an toàn

0
19
Vượt bão COVID-19, du lịch Việt tập trung quảng bá các điểm đến an toàn - Ảnh 1.

Vượt bão COVID-19, du lịch Việt tập trung quảng bá các điểm đến an toàn - Ảnh 1.

Du khách tham quan chợ đêm Dương Đông, Phú Quốc – Ảnh: K.NAM

* Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH (phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng):

Đà Nẵng hiện vẫn đang là vùng an toàn, bởi chưa có người nhiễm COVID-19. TP vẫn đang làm hết sức, đề ra các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo người dân và du khách bảo vệ bản thân từ ga tàu, sân bay, bến xe… 

Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, an ninh y tế, điểm đến Đà Nẵng với các thị trường khách quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga, Thái Lan, Singapore, Malaysia… để thu hút du khách.

* Ông MAI VĂN HUỲNH (bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Kiên Giang):

Do làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, đến thời điểm này ở đảo Phú Quốc không có trường hợp nào dương tính với COVID-19. Tại cảng hàng không quốc tế, các bến tàu ở Phú Quốc đều có chốt kiểm tra thân nhiệt 100% hành khách, du khách tới Phú Quốc. Trên đảo cũng đã bố trí 25 phòng cách ly đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho người nghi nhiễm COVID-19.

Chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh Phú Quốc xanh-sạch-đẹp và an toàn, an ninh cho du khách.

* Ông HOÀNG VĂN VINH (chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa):

Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa sẽ tham gia thực hiện các chương trình quảng bá Nha Trang – Khánh Hòa là điểm đến an toàn – thân thiện. Để bù lượng khách nước ngoài bị mất trong thời gian qua, trước mắt cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

* Ông NGUYỄN KHÁNH TÙNG (giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ):

Chúng tôi có hai kế hoạch chính sẽ được triển khai trong thời gian tới. Thứ nhất là hoạt động truyền thông khẳng định Cần Thơ là điểm đến du lịch an toàn. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Y tế và các doanh nghiệp du lịch tổng vệ sinh các điểm đến (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí, kể cả các đơn vị vận chuyển). Mục đích là để khẳng định với du khách rằng Cần Thơ an toàn.

Thứ hai, thành phố khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch xây dựng gói kích cầu du lịch trong tất cả các khâu từ lưu trú, ăn uống tới vận chuyển, lữ hành và ở giữa những nhóm này là các khu vui chơi giải trí.

Vượt bão COVID-19, du lịch Việt tập trung quảng bá các điểm đến an toàn - Ảnh 2.

Du khách tham quan Hồ Gươm, Hà Nội ngày cuối tuần – Ảnh: HIẾU THƯƠNG

* Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA (phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM):

Dự kiến Ngày hội du lịch của TP.HCM sắp tới sẽ có chủ đề là du lịch an toàn. An toàn ở đây chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, có độ tin cậy cao về tình hình dịch bệnh ở điểm đến để du khách có hiểu biết và cân nhắc lựa chọn. 

Ngược lại, du khách đi du lịch có trách nhiệm, tìm hiểu kỹ nơi đến, quá trình đi tự ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng được an toàn.

* Ông NGÔ HOÀI CHUNG (phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Để hồi phục thị trường du lịch trong và sau dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp lâu dài, bên cạnh những giải pháp trước mắt như xin giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng. Từ đó nhằm cơ cấu lại ngành du lịch và chuẩn bị tiềm năng tốt nhất cho bùng nổ du lịch trở lại ngay khi dịch kết thúc.

Chúng tôi đã đề nghị bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên bố trí kinh phí nhiều hơn để sớm tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường mới như Ấn Độ, Tây Âu, Bắc Mỹ. Song song đó là với những thị trường Đông Bắc Á ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lượng khách.

Thứ hai, chúng tôi chọn hình thức hợp tác công tư để có thêm nguồn lực xúc tiến du lịch. Phối hợp với các hãng lữ hành lớn như các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành để tham dự các hội chợ du lịch quốc tế ở những thị trường mà chúng tôi đặt mục tiêu tăng lượng khách du lịch để tái cơ cấu thị trường.

Thứ ba, chúng tôi đẩy mạnh kết nối với các thị trường gần như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN, để ngay khi kết thúc ảnh hưởng của dịch thì sẽ có các đường bay trực tiếp từ các thị trường gần này tới Việt Nam. Đây là các thị trường gần mà trước nay chiếm tới 60% thị phần khách quốc tế đến Việt Nam.

Thứ tư, Tổng cục Du lịch cũng vừa làm văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn visa đơn phương trong năm 2020 cho một số nước Bắc Âu, Canada, một số nước Tây Âu; đề nghị miễn phí visa trong năm 2020 cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam.

Malaysia lập Ủy ban hành động phục hồi du lịch

Ngày 15-2, Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail kêu gọi người dân đi du lịch nhằm hỗ trợ chính phủ phục hồi ngành du lịch đang bị tổn hại do dịch COVID-19.

Phát biểu tại một sự kiện lễ hội đầu năm ở đảo Penang, bà Wan Azizah cho biết: “Trong nỗ lực ngăn chặn nhận thức tiêu cực về sự lây lan của virus và tác động của nó lên ngành du lịch, Bộ Du lịch – nghệ thuật – văn hóa đã thiết lập Ủy ban hành động phục hồi du lịch với sự tham gia của các bộ ngành, cơ quan chính phủ và công ty du lịch nhằm xây dựng một chiến lược phục hồi cho ngành công nghiệp này”.

Chính phủ Singapore đang chuẩn bị các gói hỗ trợ công ty trong việc duy trì đội ngũ nhân viên cũng như công tác đào tạo, bao gồm việc hỗ trợ một phần chi phí lương bổng. Tổng cục Du lịch Singapore cũng công bố kế hoạch miễn phí giấy phép cho các khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên, đồng thời miễn phí vệ sinh cho các khách sạn đang cung cấp chỗ ở cho những trường hợp nghi nhiễm virus corona mới.

Hãng thông tấn Kyodo tuần trước đưa tin nội các Nhật Bản sẽ phê chuẩn các biện pháp kiểm tra y tế và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy ngành du lịch nước này. Riêng tại Thái Lan, chính phủ quyết định không ban hành lệnh cấm du lịch. Thay vào đó, Thái Lan siết chặt công tác kiểm tra – khai báo y tế…

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn