Cảnh đánh bắt vào mùa cá cơm ngần tại Hòn Yến nhìn từ trên cao – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 20km về hướng đông bắc. Người dân địa phương gọi là Hòn Yến vì ngày xưa nơi đảo nhỏ này có rất nhiều chim yến về làm tổ.
Ngoài các loài hải sản tươi ngon như mực ống, cua, ốc vú nàng, cá trích, thì cá cơm ngần được xem là đặc sản của Hòn Yến và là đối tượng đánh bắt chủ yếu của ngư dân làng chài Nhơn Hội. Loài cá cơm ngần này nhỏ bằng que tăm và thân có màu trắng trong suốt.
Những chiếc “hoa lưới” màu xanh – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Nhiếp ảnh gia 8X Trần Bảo Hòa (quê ở Đắk Lắk) cho biết qua hướng dẫn của một người bạn thổ địa ở Phú Yên, anh thực hiện bộ ảnh Vũ điệu ra khơi ghi lại nhịp sống mưu sinh của những người ngư dân bám biển vào mùa đánh bắt cá cơm ngần tại khu vực biển Hòn Yến.
Bộ ảnh này anh Bảo Hòa thực hiện trong thời gian hơn một tháng rưỡi kể từ tháng 6-2018, vì đây là thời điểm vào mùa thu hoạch cá cơm ngần.
Hoạt động đánh bắt nhộn nhịp của ngư dân – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Các ngư dân kéo lưới – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Vào ban ngày, khi phát hiện luồng cá cơm ở độ sâu 30-40m, ngư dân dùng lưới bủa vây bắt cá. Còn vào ban đêm họ chong đèn pha, dồn cá vào lưới và dùng các cây sào để xúc cá. Tầm khoảng 8h sáng hôm sau, tàu cập bến với những sọt đầy ắp cá cơm ngần còn tươi rói.
“Mỗi lượt đánh bắt như thế thu hoạch được 10-20 sọt cá, mỗi sọt cá tầm 20kg và bán được với giá khoảng 1 triệu đồng/sọt (tương đương 50.000 đồng/kg” – anh Hòa dẫn lời một ngư dân cho biết.
Các ngư dân chong đèn đánh bắt vào ban đêm – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Gom lưới – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Để có bộ ảnh này, buổi trưa anh Trần Bảo Hòa xách balô và máy ảnh đi chặng đường 70km từ nhà ở TP Quy Nhơn (Bình Định) để kịp chiều ra Hòn Yến, vì khoảng 14h là họ bắt đầu thả lưới, chụp tới 21h thì họ ngưng kéo, rồi anh về đến nhà lúc nửa đêm.
Trong thời gian đi chụp, mỗi ngày anh đều xem dự báo thời tiết và tìm hiểu thói quen kéo lưới của những ngư dân tại đây. Nhưng dù không được dự báo, có hôm anh đến Hòn Yến thì gặp mưa như xối xả, người dân không kéo lưới được đành ra về.
“Thành quả sau những chuyến đi là những bức ảnh để đời, là khoảnh khắc những chiếc “hoa lưới” màu xanh bủa vây cá được nhìn từ trên cao, những cánh chim hải hâu rợp trời sà xuống ăn cá cơm trong lúc ngư dân đang kéo hay những nụ cười hạnh phúc được mùa sau khi vợt đầy ắp cá cơm. Hạnh phúc hơn khi tôi về nhà khoe với vợ những bịch cá cơm thật tươi được ngư dân tặng sau cuộc hành trình săn ảnh không mệt mỏi” – anh Bảo Hòa nói.
Anh cho biết đằng sau những bức ảnh Vũ điệu ra khơi này được hỗ trợ rất nhiều từ các anh em ngư dân và bạn bè đồng nghiệp. Anh đã in và tặng ngư dân những tấm ảnh quý giá này.
Luồng cá cơm ngần có thân trắng muốt nhìn rõ dưới làn nước biển, trên mặt nước là đàn chim hải âu sà xuống thưởng thức “đại tiệc” của đại dương – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Những sào cá cơm ngần tươi rói – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Nụ cười hạnh phúc được mùa cá cơm ngần của ngư dân – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Cá cơm ngần sau khi kéo lên được đựng vào các sọt nhựa và bảo quản trong những chiếc khạp – Ảnh: TRẦN BẢO HÒA
Vũ điệu ra khơi mang lại nhiều niềm vui cho anh Hòa khi đoạt giải nhì thể loại bộ ảnh Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2018 do Tạp chí Vietnam Heritage trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức.
Bạn có kỷ niệm từ những chuyến du lịch muốn chia sẻ với độc giả? Mời bạn gửi email bài và ảnh về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn