Đắk Lắk Buôn Akô Dhông có 27 căn nhà dài truyền thống của người Ê đê, hàng chục hộ dân đã tận dụng thứ có sẵn để kinh doanh, làm du lịch.
Trong một căn nhà sàn bằng gỗ dài hơn 60 m tại buôn Akô Dhông, ông Yang Sing, 50 tuổi, đang luôn tay chuẩn bị bữa trưa cho khách lưu trú. Cạnh đó, hai nhân viên đang quét dọn và lau chùi sàn nhà.
Căn nhà của ông Sing được dựng lên để ở từ hàng chục năm trước. Gia chủ chuyển sang kinh doanh nhà nghỉ và cà phê hơn 10 năm nay. Điều đầu tiên khiến nhiều du khách thích thú hai thang gỗ trước nhà. Trong đó, cầu tháng Cái nằm bên phải, có hai bầu ngực là lối lên nhà dành cho người phụ nữ và khách quý, cầu thang Đực nhỏ hơn nằm bên trái dành cho đàn ông trong gia đình. Ông Sing giải thích, chi tiết này tượng trưng cho quyền lực của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ của đồng bào Ê đê.
Căn nhà dài đặc trưng của người Ê đê. Ảnh: Đức Hóa. |
Nhờ gìn giữ nguyên vẹn căn nhà dài truyền thống của người Ê đê, buôn Akô Dhông thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Trước đây, mỗi ngày quán ông Sing có thể bán hơn 100 ly cà phê, phòng không còn chỗ trống vào cuối tuần hay lễ Tết, thu nhập vài triệu đồng mỗi ngày.
Cách nhà ông Sing 50 m là quán cà phê Arul. Nơi này tái hiện sinh động không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Ê đê, với các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt khắp gian nhà như bàn ghế bằng tre, hoặc gỗ.
Nhân viên phục vụ của quán cà phê mặc đồ thổ cẩm. Ảnh: Đức Hóa. |
“Chúng tôi thường ghé quán này vì thấy không gian khác lạ, cà phê thơm ngon”, anh Võ Tuấn Huy, 32 tuổi, đến từ TP Buôn Ma Thuột, cho biết. Anh nhận định, hình thức kinh doanh của quán khá thú vị, tạo cho khách cảm giác thoải mái, bình yên.
Ngoài không gian đậm chất Tây Nguyên, quán cà phê nhà sàn này cũng thường tổ chức các chương trình diễn tấu cồng chiêng, hay dân ca, khám phá ẩm thực đặc sắc của người Ê đê. Đồ uống dao động từ 15.000 – 35.000 đồng, với cà phê và cacao nóng được nhiều thực khách yêu thích.
Trong nhà trưng bày đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất hằng ngày gồm: cồng chiêng, rìu, gùi… Ảnh: Đức Hóa. |
Hồi tháng 9, buôn Akô Dhông được quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng, diện tích rộng hơn 55 ha, quy mô dân số 2.000 – 3.000 nhân khẩu. Khoảng 30% đồng bào ở buôn Akô Dhông sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, nên chính quyền TP Buôn Ma Thuột ưu tiên phát triển loại hình du lịch trên, nhằm giải quyết việc làm cho người dân.
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng văn hóa thông tin TP Buôn Ma Thuột nhận định phát triển du lịch là cơ hội để người dân bảo tồn, quảng bá văn hóa của người Ê đê. Ông Dũng cho biết thêm, con đường vào buôn đang được đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho du khách và người dân.
Đức Hóa
Nguồn: Vnexpress.net