Quá trình giao thoa của nhiều nền văn hóa diễn ra ở Sài Gòn đã dẫn tới có nhiều món ăn sinh ra ở đây có bản sắc độc đáo, rất đặc trưng Sài Gòn mà không nơi nào có được, trong đó có món cà ri.
Bất kỳ một món ăn lạ nào tới Sài Gòn, nó lại được tiếp tục nhào nặn với nhiều dân tộc đang sinh sống ở đây một lần nữa, sinh ra một món ăn cùng tên nhưng bản sắc lại hoàn toàn khác. Món cà ri nguồn gốc Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ.
Ví dụ như món phở. Phở từ Bắc di cư vào Nam đã biến đổi thành một món phở hoàn toàn khác, dù cùng tên gọi. Phở miền Bắc không ăn cùng rau giá, tương đen tương đỏ, nước dùng không bỏ đường, trong khi phở Sài Gòn mà không có chừng đó thứ thì không hấp dẫn số đông thực khách. Người Sài Gòn mà qua Campuchia ăn hủ tiếu Nam vang thì cứ “ấm ức” là tại sao hủ tiếu gốc nơi này vẫn không ngon bằng hủ tiếu Nam vang ở Sài Gòn.
Tương tự với món cà ri. Đây là món ăn được người Ấn Độ mang tới Sài Gòn và nhờ có họ, món cà ri trở nên được biết đến rộng rãi ở Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu, cộng đồng người Ấn đã đến Sài Gòn vào những năm đầu 1870 cho đến đầu thế kỷ 20. Họ thường làm ăn sinh sống khu vực quanh chợ, như khu vực quanh chợ đường Rue Ohier (Tôn Thất Thiệp ngày nay), đường Catinat (Đồng Khởi), Rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu). Trên đường Tôn Thất Thiệp hiện vẫn còn chùa Ông (đền Subramanian Swamy) của người Ấn Độ, đây cũng là ngôi đền đầu tiên xây dựng ở Sài Gòn.
Khi chợ Bến Thành mới xây, nhiều người Ấn đến lập nghiệp quanh chợ trên các đường xung quanh như Rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn), Rue Viénot (Phan Bội Châu), Rue Schroeder (Phan Châu Trinh), Rue Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh).
|
Tại chợ Bến Thành, hiện vẫn còn hai quầy bán gia vị cà ri là cà ri Anh Hai và cà ri Bà Tám có tuổi đời xưa nhất Sài Gòn, khoảng hơn 70 năm. Theo chủ quầy cà ri anh Hai (mang dòng máu Ấn – Việt, là thế hệ thứ ba) thì Việt kiều Mỹ mỗi khi về Sài Gòn đều phải ghé đây mua các loại gia vị cà ri, bò kho, ngũ vị hương…
Các gia vị ở đây được chủ quầy phối gia vị theo công thức bí mật riêng, rất khác với hương vị cà ri bán sẵn kiểu công nghiệp trên toàn thế giới. Bạn chỉ cần nói muốn nấu cà ri bò hay gà, hay dê, chủ quầy sẽ đưa ra loại cà ri thích hợp, thậm chí còn kèm cả lá cà ri tươi cho tăng hương vị. Người Sài Gòn lâu nay vẫn nấu cà ri theo cách này, tức là tới thẳng chợ Bến Thành để mua gia vị về nấu (ngon hơn mua gói bán sẵn) hoặc mua các gói cà ri Anh Hai, Bà Tám được phân phối khắp phía Nam, cả nước.
|
Anh Đoàn Hữu Thọ, một người đang bán các món cà ri độc đáo như cà ri cua, cà ri gà, cà ri cá bớp tại Sài Gòn (Cà ri – bò kho Lữ Gia, 96 đường số 1, cư xá Lữ Gia, Q.11) được nấu từ nguyên liệu cà ri tươi của người Chăm ở An Giang cho tôi biết một bí mật: Nhiều quán cà ri thành danh ở Sài Gòn bên cạnh việc sử dụng gia vị cà ri khô còn dùng loại cà ri tươi mỗi ngày được chuyển từ An Giang lên Sài Gòn, để cho ra hương vị thơm ngon hấp dẫn, không giống ai.
Anh Thọ tiết lộ quán dê Musa nổi tiếng Sài thành có ông chủ quán quê gốc An Giang, rất có thể bí mật làm nên món cà ri dê Musa ngon nức tiếng là nhờ một phần nguyên liệu cà ri tươi chở lên từ An Giang mỗi ngày, phối với cà ri khô nhập về từ Malaysia.
|
Anh Thọ cho biết, quê anh ở gần xóm người Chăm Châu Giang, xã Châu Phong, thị trấn Tân Châu. Trước đây cả xóm đều cà cà ri để ăn và bán, nhưng giờ còn lại rất ít. Người Chăm chỉ ăn cà ri tươi do họ tự cà, đặc biệt vào các dịp lễ Tết quan trọng trong năm. Món cà ri là “quốc hồn quốc túy” của họ. Cà ri tươi có đặc điểm là rất dễ hư nếu không biết cách bảo quản nên khi làm xong phải cấp đông và nấu sớm sẽ cho ra vị ngon tuyệt hảo.
|
Báo Phụ nữ Tân Văn năm 1929, mục Gia Chánh có đoạn: Muốn nấu cho chánh mùi cari Chà thì hơi khó một chút, vì những đồ gia vị để nấu rất khó làm. Người Chà ăn cari không bao giờ chịu nấu cari bột, là thứ bột cari bán ngoài chợ. Họ sắm bàn cà bằng đá xanh, thì cà những món gia vị mới nhuyễn, nấu mới đặng ngon. Nhưng mà chúng ta có dùng cari thường như họ đâu mà phải sắm cho tốn kém. Những món có biên dưới đây, món nào phải cà mà mình không có bàn cà, thì phải rang hết rồi bỏ vào cối xay cafe mà xay vài bận cho nhuyễn thì được…
|
Quảng cáo
Như vậy, từ năm 1929, tờ báo đã nhắc tới món cà ri và cách nấu cà ri của người Chà và người Việt. Có lẽ, nhờ những bài báo như thế này cùng với sự giao hòa văn hóa giữa các nhóm người ở Sài Gòn mà món cà ri đã trở nên phổ biến từ quán bình dân tới tiệm ăn, nhà hàng cho tới hầu hết mọi gia đình.
Nếu bạn vào Chợ Lớn, bạn cũng sẽ thấy nhiều quán bán cà ri từ rất lâu đời của người Hoa. Người Hoa cũng “định nghĩa” lại món cà ri của người Ấn và phối nguyên liệu theo khẩu vị của họ, cũng được người ăn đông đảo. Một chủ quán cho biết, nếu ăn đúng kiểu cà ri Ấn hay của người Chăm thì vị cà ri rất cay, người Việt chỉ ăn cay vừa, và thứ nữa là cà ri của họ nấu rất đặc, sền sệt nhưng người Việt thì thích phải có nước, lỏng, để ăn cùng cơm, bún, chấm bánh mì.
Muốn ăn cà ri gà kiểu người Hoa thì ghé Sinh Ký cà ri gà (129 Triệu Quang Phục, Q.5) hoặc cà ri vịt chợ Xã Tây (Nguyễn Trãi, Q.5)…
|
Cà ri dê ngon mà mang dấu ấn khá đậm đặc của văn hóa cà ri có thể kể đến cà ri dê Văn Giàu (89 Tân Hải, quận Tân Bình), cà ri dê Musa (001 Chung cư Lô B, Sư Vạn Hạnh, Q.5), cà ri Bảy Hồng (hẻm 149F Trần Quang Khải, Q.1).
Muốn ăn cà ri cua, cà ri gà, cà ri cá bớp… nấu từ cà ri tươi của người Chăm An Giang thì ghé (Cà ri Lữ Gia, 96 đường số 1, cư xá Lữ Gia, Q.11)…
|
Cà ri là một món ngon cần phải thử khi đến Sài Gòn, như bạn cần phải thử món mì vịt tiềm vô cùng độc đáo vậy.
Những lý giải về văn hóa ẩm thực chỉ nhìn ở một vài khía cạnh là chưa bao quát. Rất mong quý độc giả Thanh Niên có thêm nhận xét về chủ đề này ở phần bình luận cuối bài. |
Tin liên quan
- Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm?
- Vì sao chỉ Sài Gòn mới có mì vịt tiềm ngon nhất hạng?
- Vì sao ăn phở Sài Gòn kèm giá và rau thơm, khác hẳn phở Hà Nội?
Nguồn: Thanhnien.vn