Trong 5 năm, lượng khách sạn 3-5 sao của du lịch Việt Nam đã tăng gấp đôi nhưng ở Hà Nội, lượng khách sạn cao cấp tăng trưởng vẫn chậm.
Đó là nhận xét của Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn tại Hội nghị “Gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch” do UBND TP Hà Nội tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng du lịch Hà Nội đã có bước phát triển trong những năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, kết quả này chưa xứng đáng với tiềm năng, vị thế của du lịch Hà Nội bởi tăng trưởng chung của du lịch cả nước là trên 20% cả về lượng khách và doanh thu. Theo đó, ông Tuấn đã chỉ ra 5 vấn đề nội tại du lịch Hà Nội cần tập trung giải quyết.
Một số khách sạn 5 sao mới của Hà Nội được xây dựng ở khu vực ngoài trung tâm. |
Một trong số đó là phát triển cơ sở vật chất và lưu trú. Trong khi lượng khách sạn 3-5 sao và số phòng của du lịch Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2011 đến 2016, thì Hà Nội chỉ thêm vài khách sạn với tổng số 1.200 phòng”. Tổng cục trưởng Du lịch chỉ ra rằng tốc độ này là “rất chậm” bởi một số nơi đã xuất hiện những khách sạn trên dưới 1.000 phòng, và đang hình thành những tổ hợp lên tới 4.000 – 6.000 phòng ở Nha Trang và Phú Quốc.
“Với mức tăng trưởng trên dưới 10% thì Hà Nội đã thấy thiếu khách sạn phân khúc 3-5 sao. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng 30% thì vấn đề gì sẽ xảy ra?”, ông Tuấn chia sẻ. Theo UBND Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 20 khách sạn 5 sao, với tổng số 15.000 – 20.000 phòng.
30 giây Hà Nội lên sóng CNN
30 giây quảng bá Hà Nội trên CNN.
Bốn vấn đề khác mà ông Tuấn chỉ ra là định vị sản phẩm, quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến để đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường và thu hút đầu tư.
Tổng cục trưởng cũng đề cập đến câu chuyện kết nối du lịch thủ đô với các địa phương trong cả nước, hay hình thành tuyến du lịch theo trục giao thông về đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Phía bắc sẽ có tuyến theo quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hoà Bình, Sơn La, Mộc Châu, Điện Biên; tuyến theo quốc lộ 2 từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai; tuyến theo cửa khẩu Hữu Nghị từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và Trung Quốc…
Ngoài ra, hội nghi cũng lắng nghe một số ý kiến đóng góp từ các đại diện khác trong ngành du lịch.
Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội đề xuất thành phố cần tập trung xây dựng một đến hai khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, tập trung quỹ đất để xây dựng các khách sạn trung, cao cấp, nâng số cơ sở lưu trú lên gấp 2 lần hiện tại để có sức chứa 5-7 triệu khách quốc tế trong thời gian tới.
Tạo không gian áo dài trên phố đi bộ Hoàn Kiếm là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet. Bởi ông Đạt cho rằng, hiện nay nhiều du khách đến không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có chung cảm giác các hoạt động ở đây nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần tạo thêm các hoạt động văn hóa tại khu vực này để tăng tính hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: Vnexpress.net