Gặp gỡ nhau là nhu cầu, thói quen chính đáng, song, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính hành động này đang làm tình hình dịch trở nên tồi tệ, khó kiểm soát.
“Xin mọi người thứ lỗi cho hành vi gây khó chịu của tôi trong thời gian dịch bệnh khó khăn này. Đúng là tôi đã đến một nhà hàng và quán bar ở Itaewon (Hàn Quốc) trong thời kỳ giãn cách xã hội. Tôi đang thật sự hối hận và kiểm điểm sâu sắc về hành động của mình”.
Hồi tháng 5, thành viên Jae Hyun của nhóm nhạc NCT chia sẻ ảnh chụp bức thư tay lên trang cá nhân sau khi trang tin Dispatch khui tin nhóm idol tụ tập trong lúc Hàn Quốc căng mình chống dịch Covid-19. Ngoài Jae Hyun, ca sĩ Cha Eun Woo cũng phải lên tiếng xin lỗi khi lộ ảnh tiệc tùng, đến chỗ đông người.
Nguyên nhân quen thuộc biến các đại học ở Mỹ thành ổ dịch: sinh viên rủ nhau tiệc tùng, phớt lờ mọi cảnh báo. Ảnh: Insider. |
Điều đáng nói, Cha Eun Woo từng góp mặt trong một chiến dịch cám ơn tuyến đầu chống dịch ở Hàn Quốc. Chính vì vậy, hành động trái ngược này càng gây phẫn nộ.
Trong lúc hệ thống y tế gồng mình chữa trị cho số lượng lớn bệnh nhân lẫn nỗ lực ngăn chặn tốc độ virus lây lan ra cộng đồng, không thiếu những đám đông vẫn tụ tập với cái tặc lưỡi chủ quan “không sao đâu” mà không hề ý thức hệ lụy kéo dài về sau.
Mạng sống bị coi nhẹ hơn chuyện tụ tập
Tình trạng vỡ trận Covid-19 ở Ấn Độ hiện tại có một phần nguyên nhân đến từ lễ hội hành hương Kumbh Mela kéo dài một tháng ròng, thu hút hàng triệu người đến cùng tắm nước sông Hằng.
Nguy cơ dịch bùng phát cũng phải nhường chỗ cho niềm tin tôn giáo, khi hiếm ai chịu đeo khẩu trang hay chịu giãn cách.
Ngay từ buổi đầu, khuyến cáo và cả lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc nhau ở khoảng cách gần là biện pháp quan trọng được áp dụng triệt để. Song, chừng đó thời gian đại dịch hoành hành, những tin tức về tụ tập đông người vẫn xuất hiện đều đặn.
Trong đó, giới trẻ ở nhiều quốc gia là nhóm đối tượng dễ phớt lờ mọi cảnh báo an toàn, mạo hiểm mạng sống nhất. Và sau cuộc vui như thể Covid-19 không tồn tại, các ca nhiễm mới xuất hiện nhanh chóng, còn người nhiễm bệnh không ai khác chính là những gương mặt mới hôm trước còn khỏe mạnh, “quẩy sung”.
Tình cảnh chết chóc ở Ấn Độ kéo dài từ sự chủ quan, để mặc cho những đám đông tụ tập. Ảnh: Reuters. |
Tháng 3 năm ngoái, Đại học Vanderbilt nằm ở bang Nashiville (Mỹ) trở thành ổ lây nhiễm sau kỳ nghỉ xuân. Bất chấp các cảnh báo an toàn của nhà trường, các sinh viên vẫn du lịch nước ngoài.
Điều đáng nói, trong khi các ca nhiễm mới dần nhiều lên trong khuôn viên trường, những người còn lại không thấy lo sợ. Một sinh viên chụp lại thông báo của nhà trường và đăng tải lên mạng: “Hãy bắt đầu kỳ nghỉ xuân thứ hai nào. Sẵn sàng bùng cháy lần cuối trước khi nhà trường đóng cửa ký túc xá”.
Vào buổi tối, hơn 100 sinh viên bắt đầu chen chúc trong khu nhà sinh hoạt chung.
Những người trẻ vui vẻ diện trang phục bảo hộ y tế, đeo khẩu trang đen. Một bức ảnh được chia sẻ lên mạng cùng dòng chú thích “I dare you to give me corona” (Tạm dịch: Thách bạn lây virus corona cho tôi đó) và check-in địa điểm tại Vũ Hán.
Những cuộc tụ tập bất chấp mọi lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2 ban đầu có thể do thái độ coi thường, nghĩ virus chỉ tấn công người già và người trẻ “bất khả xâm phạm”.
Sau những buổi tụ tập, tiệc tùng đông người, ca nhiễm mới xuất hiện, tiếp tục đè nặng lên hệ thống y tế. Ảnh: AP. |
Song, thực tế đã cho thấy ngay cả khi mọi người nắm rõ tình hình nghiêm trọng hay sức công phá của virus lên cơ thể, nhiều người vẫn không thể từ bỏ thói quen tụ tập.
Tháng 4 năm ngoái, dù Tokyo (Nhật Bản) ở trong tình trạng khẩn cấp vì dịch, cảnh tượng người dân ngồi chật kín các quán bar, nhà hàng ở khu phố đêm Roppongi vẫn tiếp diễn. Các nhân viên nhốt mình trong văn phòng cả ngày vẫn cần một nơi giải tỏa sau nhiều giờ làm việc căng thẳng.
Đến đầu năm nay, chính quyền xứ hoa anh đào lại lộ rõ sự bất lực trong việc thuyết phục người dân ở nhà. Sau một thời gian chấp hành, giới trẻ dần cảm thấy mệt mỏi và lại xuống đường tụ tập, vui chơi.
Không chỉ giới trẻ, những người có ý thức về tình hình dịch bệnh cũng trở nên chủ quan.
Hồi tháng 4, 18 bác sĩ thực tập tại Bệnh viện Đại học Keio (Nhật Bản) xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới sau khi tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt cùng nhau để ăn mừng kỳ thực tập kết thúc.
Hành động này khiến giám đốc bệnh viện phải lên tiếng xin lỗi, gọi đây là điều “không thể chấp nhận được từ những người có trách nhiệm bảo vệ bệnh nhân”.
Hình phạt
Mùa hè năm ngoái, 10 du khách nước ngoài ra ngoài trong lúc Ấn Độ phong tỏa bị chép phạt 500 lần dòng chữ “Tôi xin lỗi vì đã vi phạm quy định giãn cách xã hội”.
Theo Hindustan Times, nhóm du khách đến từ nhiều quốc gia như Israel, Australia, Mexico bị phát hiện đi chơi gần bờ sông Hằng, ở thành phố Rishikesh (bang Uttarakhand). Sau khi bị cảnh sát giữ lại, 10 người chia nhau giấy, ngồi chép phạt ngay tại bờ sông và nộp lại.
Nhóm du khách chép phạt 500 lần ngoài bờ sông. Ảnh: Hindustan Times. |
“Tôi đã cảnh báo họ đây mới chỉ là hình thức xử phạt nhẹ. Nếu từ chối, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen và bị từ chối nhập cảnh vào Ấn Độ trong tương lai”, Kumar, viên cảnh sát phụ trách xử lý, cho biết.
Tuy nhiên, không phải ai vi phạm lệnh tụ tập đông người cũng được châm trước như nhóm du khách nói trên. Những người cố tình phớt lờ các quy định ở yên trong nhà đối mặt với xử phạt hành chính, hoặc nặng hơn là nhận án hình sự, chịu bóc lịch vì thái độ ngoan cố của bản thân.
Ngày 21/1, cảnh sát London (Anh) giải tán một đám cưới có quy mô 150 người tổ chức tại trường nữ sinh Do Thái Yesodey Hatorah ở phía bắc thủ đô London. Để che mắt lực lượng chức năng, những người bên trong đã che kín toàn bộ cửa sổ.
Sau khi bị phát hiện, cô dâu và chú rể phải nộp phạt 13.000 USD.
Trước đó, vào tháng 4/2020, cô dâu, chú rể cùng 50 vị khách mời ở Nam Phi đối mặt với phiên xét xử tại tòa khi cố tình tổ chức sự kiện đông người. Cảnh sát tiến hành bắt giữ hai nhân vật chính ngay giữa hôn lễ.
Tháng 9/2020, Shawn Marshall Myers (42 tuổi) ở bang Maryland (Mỹ) lĩnh án một năm tù và sẽ bị quản chế không giám sát trong 3 năm sau khi mãn hạn với tội danh chống đối lệnh giãn cách xã hội.
Người này tổ chức 2 bữa tiệc lớn trong vòng một tuần. Khi cảnh sát tới nhà, Myers lớn tiếng tranh cãi với các sĩ quan, nhưng cuối cùng chịu giải tán đám đông. Song, chỉ 5 ngày sau, người đàn ông này tiếp tục tái phạm và còn xúi giục khách mời ở lại thêm khi cảnh sát yêu cầu dừng lại.
Ấn Độ ngày 5/5 ghi nhận 3.780 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ. Đây là con số cao kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch ở nước này lên 226.188 người. Ảnh: Reuters. |
Đẩy chính mình vào cửa tử
Tháng 3/2020, khi dịch bệnh diễn tiến xấu đi ở Mỹ, Brady Sluder (22 tuổi, sống ở Ohio) vẫn đang tận hưởng kỳ nghỉ ở bãi biển Miami. Chàng trai mạnh miệng tuyên bố trên sóng truyền hình: “Mắc virus thì mắc virus. Dù thế nào tôi cũng không để chuyện này ngăn cản mình tiệc tùng”.
Chưa đầy 1 tuần sau, thanh niên này bất ngờ đăng tâm thư kèm theo lời xin lỗi vì phát ngôn của mình.
“Tôi xin chân thành xin lỗi vì nhận xét vô cảm mà mình đã đưa ra liên quan đến Covid-19. Tôi đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành động và bình luận của mình. Cuộc sống rất quý giá. Đừng kiêu ngạo và nghĩ rằng bạn bất khả chiến bại như tôi”, Brady Sluder viết.
Song, không phải ai cũng nhận ra kịp thời và tránh xa các chỗ tụ tập đông người để bảo vệ bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh. Không ít người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình hay người thân.
Tháng 4, một thanh niên ở Texas, Mỹ trong lúc hấp hối bày tỏ sự hối tiếc muộn màng vì đã tham gia “tiệc Covid-19” do nghĩ đại dịch chỉ là tin đồn thất thiệt.
Bác sĩ Jane Appleby tại bệnh viện Methodist Healthcare ở bang này thuật lại lời cuối của một bệnh nhân 30 tuổi thừa nhận “mình đã sai” khi tin rằng dịch bệnh chỉ là trò lừa gạt của chính quyền và truyền thông.
Nguồn: News.zing.vn