– Sự phát triển nhanh chóng mặt của ngành du lịch đặt ra những thách thức cho các trường đại học của Việt Nam đang đào tạo ngành học này.
Ngày 2/11, Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững ở khu vực Đông Nam Á – Những vấn đề đặt ra” đã diễn ra tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn với sự tham gia của đại diện các trường đại học: ĐH Greifswald (Đức), ĐH Ứng dụng Khoa học (Đức), ĐH Rikkyo (Nhật Bản), và các nhà khoa học đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trình bày báo cáo tại hội thảo, TS. Trần Đức Thanh – giảng viên Khoa Du lịch học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, khẳng định, trong 6 thập kỷ qua, ngành du lịch đang tiếp tục phát triển và đa dạng hóa để trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới.
Hội thảo diễn ra ngày 2/11 |
Ông đưa ra con số từ UNWTO 2017: Lượng khách du lịch quốc tế tăng từ 25 triệu vào năm 1950 lên 278 triệu khách vào năm 1980, 674 triệu khách vào năm 2000 và 1.235 triệu khách vào năm 2016. Doanh thu từ ngành du lịch trên toàn thế giới cũng tăng từ 2 tỷ USD vào năm 1950 lên 1.220 tỷ USD vào năm 2016.
Sự phát triển nhanh chóng mặt của ngành du lịch đặt ra những thách thức cho các trường đại học của Việt Nam đang đào tạo ngành học này.
Theo báo cáo từ Hội thảo Tăng cường nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam diễn ra tháng 12/2016, tính tới năm này, đã có 346 cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo nhân sự cho ngành du lịch, nhà hàng – khách sạn từ sơ cấp cho tới Thạc sĩ, và xu hướng này vẫn còn tăng lên.
GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – phát biểu tại hội thảo. |
Do có nhiều sự lựa chọn nên số lượng học sinh đăng ký vào mỗi trường sẽ giảm xuống đáng kể, TS.Thanh cho biết. Đồng thời, như một kết quả của quá trình quốc tế hóa, các trường đại học quốc tế đã mở thêm nhiều chi nhánh ở Việt Nam. Họ đưa ra các chương trình liên kết hấp dẫn với sinh viên trong nước.
“Đối mặt với những thách thức này, nhiều trường đào tạo ngành du lịch, đặc biệt là các trường tư thục đang phải đối mặt với nguy cơ giảm số lượng sinh viên trong nhiều năm. Ngay cả ở các trường công lập, số ứng viên đăng ký vào khoa du lịch cũng không ổn định”.
Theo TS.Thanh, một trong những vấn đề quan trọng nhất với nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành du lịch hiện này là tìm được giải pháp để ổn định hoặc tăng số lượng sinh viên. Vì thế, việc hiểu và thay đổi để các trường phát triển bền vững trong đào tạo ngành du lịch là một yêu cầu cần thiết.
Đại diện ĐH Utara Malaysia, Malaysia, TS. Kalsom Kayat có bài phát biểu về chủ đề “Chiến lược và cách tiếp cận du lịch bền vững: Các sáng kiến du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng”.
Nội dung chính của báo cáo là thảo luận những kiến thức đã được tích lũy về du lịch bền vững và du lịch cộng đồng nhằm đề xuất một nền tảng cho các sáng kiến du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng.
Trong khi đó, TS.Symonekeo Sensathith tới từ Khoa Khoa học xã hội, ĐH Quốc gia Lào trình bày nghiên cứu của bà nhằm so sánh quan niệm về “giá trị di sản” của Luang Prahang và Hội An trên trang World Heritage để cho thấy mối quan hệ giữa phương thức bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa cho du lịch bền vững.
Phân tích của bà cho thấy người dân địa phương ở cả Luang Prabang và Hội An đều sử dụng khái niệm “giá trị di sản” để thu hút du khách. Phương pháp này cho thấy người dân địa phương đã sử dụng rất nhiều mô hình để bảo tồn và tận dụng những di sản hữu hình và vô hình cho du lịch bền vững.
Nguyễn Thảo
Nguồn: Vietnamnet.vn