Các công ty có đối tượng khách chính là người nước ngoài đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán kinh tế vì những khó khăn liên quan đến dịch bệnh.
So với các công ty chuyên mảng khách nội địa, những đơn vị inbound (đón khách nước ngoài đến Việt Nam) có phần chịu nhiều thiệt hại hơn. Thị trường khách “đóng băng” khiến họ phải tìm con đường khác để tiếp tục công việc kinh doanh. Tuy nhiên, khi cánh cửa mới bắt đầu le lói, hy vọng của họ lại bị dập tắt bởi đợt dịch thứ hai.
Thị trường khách Tây khó thay thế
Từ khoảng giữa tháng 3, các hãng hàng không bắt đầu tạm dừng khai thác đường bay quốc tế đến Việt Nam để đề phòng dịch bệnh Covid-19. Ngành Du lịch Việt Nam coi như “ngủ đông” lần đầu cho tới khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Du lịch nội địa lên ngôi, được xem như phao cứu sinh cho ngành.
Nhiều công ty với loại hình kinh doanh đặc thù khó thay thế thị trường khách Tây. Ảnh: Trần Hòa. |
Tuy nhiên, việc đổi đối tượng khách không phải vấn đề đơn giản với mọi công ty. Anh Trần Hòa, giám đốc một công ty chuyên tour khám phá bằng xe máy cho người nước ngoài, thừa nhận thất bại khi chuyển hướng kinh doanh vì có thị trường khách đặc thù.
“Nhiều anh em trong giới cũng chuyển thử bán tour nội địa nhưng không ổn. Chúng tôi phải tìm đủ cách để xoay sở vì dịch chắc sẽ còn lâu. Đa số đều xác định ít nhất đến đầu năm sau mới có khách. Đó là trong trường hợp dịch được kiểm soát”, anh cho biết.
Trả lời Zing, đại diện công ty này chia sẻ khách của họ chủ yếu đến từ châu Âu, Australia và một số nước châu Á như Singapore, Malaysia. Anh bắt đầu thành lập công ty từ năm 2017 và đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua xe cho khách thuê. “Thỉnh thoảng, tôi lại lôi xe ra lau chùi rồi ngồi ngắm”, anh Hòa chia sẻ về cuộc sống những ngày vắng khách Tây.
Trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh vì dịch, anh có lên kế hoạch tìm những cung đường mới. Dù vậy, dự định này vẫn còn dở dang vì thời tiết không ủng hộ và dịch trở lại.
“Những công ty đầu tư lớn sẽ khó khăn hơn chúng tôi. Thị trường đổi từ khách châu Âu sang khách Việt cũng không phải dễ. Khách nội thường đã có những công ty ruột của mình.
Trong thời gian tới, tôi và một số anh em trong giới dự định mở quán cà phê hoặc trung tâm tiếng Anh để khả năng nói không mai một. Tôi nghĩ lo lắng không giải quyết được gì. Thay vào đó, mình nên cải thiện, tìm hướng đi khác cho bản thân”, anh nói.
Nhiều công ty chưa kịp thích nghi với thị trường khách mới đã gặp cú sốc Covid-19 lần thứ hai. Ảnh: Images Travel. |
Images Travel, một doanh nghiệp inbound có tiếng, thường tập trung vào thị trường khách châu Âu và những nước xung quanh Việt Nam như Cambodia, Lào, Thái Lan, Myanmar, không nằm ngoài vòng quay này.
Từ những gói tour trung cấp đến sang trọng cho đoàn khách nước ngoài, họ phải xây dựng các chương trình dành cho khách nội địa. Sau đợt dịch đầu tiên, công ty đã chốt được 15 đoàn khách trong nước. Dù vậy, những tín hiệu tích cực le lói đã bị dập tắt vì ca mắc Covid-19 xuất hiện trở lại.
“Đợt dịch thứ hai thực sự là một cú sốc lớn. Tính tới cuối tháng 7, Images Travel chốt được 15 đoàn nhưng phải hủy hết 13 đoàn. Trong đợt dịch đầu, chúng tôi đã phải cắt giảm 30% nhân viên công ty. Nếu tình hình sắp tới không khả quan, chúng tôi sẽ phải cắt giảm thêm 40% nữa”, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty chia sẻ.
Đại diện đơn vị này thừa nhận khả năng đóng cửa toàn bộ, ngừng kinh doanh để giảm chi phí nếu ngành Du lịch tiếp tục “đóng băng”. Hiện tại, quỹ lương cho nhân viên của công ty không còn đủ duy trì trong 2 tháng tới. Công ty phải chịu tổn thất lớn từ đợt dịch đầu khi các đoàn bay tháng 3 vẫn bị hãng hàng không phạt phí hủy như trong điều kiện bình thường.
Khách sạn lao đao, nhân sự “ra đường”
Theo ghi nhận của Zing, các khách sạn khu vực phố cổ Hà Nội, nơi chủ yếu phục vụ khách Tây cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) dài chưa đầy 200 m nhưng có đến hàng chục cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng.
Nhiều trường hợp phải rao bán khách sạn vì thua lỗ nặng. Một khách sạn trên phố Hàng Bè đã đóng cửa từ tháng 2 hiện rao bán với giá 69 tỷ đồng. Trước đó, chủ sở hữu cho thuê bán hàng dưới tầng 1 giá 3.000 USD/tháng và cho thuê làm khách sạn từ tầng 2 đến tầng 5 với giá 4.000 USD/tháng.
Khách sạn gặp khó trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, phải cắt giảm nhiều nhân sự. Ảnh: Việt Hùng. |
Tại Hội An (Quảng Nam), một điểm du lịch ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt dịch thứ hai, tình cảnh của các khách sạn cũng không khả quan hơn. Trước dịch, Santa Sea Villa Hội An (3 sao) chủ yếu đón khách châu Âu (80%) và khách châu Á, nội địa. Sau 2 đợt dịch, đại diện cơ sở cho biết gần như đã cắt giảm toàn bộ nhân sự, chỉ duy trì một số nhân viên với trợ cấp nhỏ để làm việc vặt.
“Doanh thu tới hết tháng 3 vẫn tương đối ổn. Khoảng tháng 4-7 vào chừng 20% so với mục tiêu đặt ra đầu năm. Hiện tại, chúng tôi chưa nói trước được tình hình vì vẫn đóng cửa, không nhận khách theo chỉ đạo của nhà nước”, đại diện khách sạn nói.
Tình hình dịch bệnh cũng khiến nhân sự trong ngành khách sạn lao đao. Theo đại diện Hoteljob, website chuyên tuyển dụng nhân sự khách sạn, lượng tin tuyển dụng trên toàn quốc đã giảm tới 70% so với cùng kỳ. Tính riêng Hà Nội, con số này là 90%. Các khách sạn còn tuyển chủ yếu là những bên sắp khai trương hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động nhà hàng, bar.
“Hầu hết khách sạn lớn đang hoạt động đều không tuyển thêm. So với cùng kỳ năm ngoái, có lúc, một khách sạn 5 sao còn tuyển liền hàng trăm nhân viên. Tôi nhận được thông tin nhiều bên cắt giảm mạnh nhân sự. Lương thưởng chắc chắn cũng thấp đi.
Quản lý, trưởng bộ phận sẽ phải làm việc nhiều hơn. Lương hiện tại chỉ đủ giúp họ duy trì cuộc sống. Nhiều khách sạn đánh đồng tất cả về một mức lương, từ quản lý đến nhân viên”, Phạm Anh Tú, Giám đốc Phát triển Dự án của Hoteljob, chia sẻ.
Đại diện Hoteljob cho biết nhiều nhân viên trong ngành Khách sạn đã phải đổi hẳn nghề hoặc tạm thời để duy trì cuộc sống. “Nhiều GM, trưởng bộ phận cũng phải bán hàng online, bán hải sản, hoa quả và các loại dịch vụ khác. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng chảy máu nhân sự chất lượng cao đáng báo động”, anh Tú nói thêm.
Nguồn: News.zing.vn