3 tháng sau khi bị rơi xuống hang Cống Nước (Lai Châu), Tạ Nam Long kể lại giây phút nằm bất động dưới hố sâu 50 m, bị chấn thương cột sống, gãy xương đùi và chờ đội cứu hộ.
19h ngày 7/1, chúng tôi bắt đầu khởi hành tại bến xe Mỹ Đình lên tỉnh Lai Châu. 6h hôm sau, chúng tôi có mặt tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), tiếp tục đi xe xuống bản Chu Pai Phìn, nơi sinh sống của dân tộc Dao.
20h30, cả đoàn bắt đầu cuộc thám hiểm.
Cửa hang bé, chỉ một người chui lọt, nhưng càng đi vào sâu sẽ càng rộng. Đi được khoảng 20 m, chúng tôi gặp hố đầu tiên sâu 35 m. Do đã nghiên cứu bản đồ hang, chúng tôi quyết định bỏ qua hố này và tiếp tục di chuyển. Mọi người băng qua miệng hố 35 m, khá nguy hiểm, chỉ cần sẩy chân là có thể rơi bất cứ lúc nào.
Đi tiếp 20 m nữa, chúng tôi gặp hố sâu 10 m và dừng lại để chuẩn bị xuống hang bằng hố này. Anh Thành Công là người xuống đầu tiên, tiếp đến là Đoàn Tuấn. Tôi chụp ảnh và sắp xếp đồ nên xuống sau cùng. Đây là sai lầm của chúng tôi, bởi theo nguyên tắc, trưởng đoàn sẽ xuống đầu tiên và lên sau cùng. Sau khi xuống hố 10 m, tôi xuống hố ngay bên cạnh sâu 50 m.
Đu dây xuống 10 m, tôi thấy phía dưới là khoảng không tự do. Nguyên tắc trước khi hết mép đá, phải neo dây. Nếu theo đúng quy trình, tôi là người xuống trước và sẽ phải đóng neo này. 3 người đi trước đã sơ ý quên neo dây tại đây. Điều này khá nguy hiểm, vì khi đu dây, đoạn dây ở mép sẽ cưa vào đá và có thể bị đứt.
Mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và đi sai quy trình, tôi tiếp tục dùng dây bảo hiểm buộc hành lý mà không hề có dây cứu hộ dự phòng. Trong chớp mắt, tôi rơi xuống hố sâu khoảng 40 m, chỉ kịp “a” lên một tiếng, đầu óc choáng váng, quay cuồng. Tôi đau đớn nhưng không ngất đi, chỉ nhớ hỏi đồng đội vì sao bị ngã.
Nằm một lúc, tôi tỉnh dần.Từng tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tôi đánh giá sơ bộ mình bị chấn thương cột sống, gãy kín xương đùi, nứt hoặc gãy 2 gót chân, rách đầu chảy máu và trầy xước hai bàn tay do dây và đá.
Đồng đội lấy băng, cầm máu, và cho tôi uống thuốc giảm đau. Tôi ngủ thiếp đi tới chiều ngày 9/1. Khi tỉnh, tôi nghe được tiếng lao xao trên cửa hang và được biết đã có 30 công an, cảnh sát PCCC tỉnh Lai Châu đến cứu hộ.
Mọi việc bắt đầu trở nên phức tạp hơn khi phải đưa tôi lên khỏi hố sâu 50 m. Khi bị chấn thương cột sống, bệnh nhân phải được nằm yên trên cáng cứng và cố định cột sống.
1h ngày 10/1, tôi đã nằm bất động tại đây một ngày một đêm. Phía trên miệng hố, các chiến sĩ công an, cảnh sát vẫn đang tìm cách đưa tôi lên. Với tôi, lúc này chỉ biết hy vọng sẽ sống sót trở về. 9h, một thành viên trong đoàn chúng tôi mượn được pa lăng xích (giống ròng rọc để kéo các vật nặng nhưng phải kéo lâu, vật sẽ nhích lên từng chút một). Tôi quyết định sẽ buộc người vào dây để đồng đội kéo lên. Đồng đội buộc dây vào thắt lưng tôi. Sợi dây nhích lên dần dần.
Tôi nhổm người dậy, ôm lấy sợi dây, vết thương đau nhói như có ai đâm thẳng vào sống lưng. Dây nhích lên từng ít một, cũng là lúc cảm giác đau đớn tăng lên gấp nhiều lần. Sau khi lên được hố 50 m, tôi tiếp tục “hành trình” với hố 10 m tiếp theo.
Lúc này, công an và cảnh sát mới để tôi vào cáng và kéo lên. Được nhìn thấy mặt trời, tôi biết mình còn sống và chưa bao giờ thấy biết ơn các anh chiến sĩ công an, cảnh sát PCCC đến vậy. Tôi bất động nhưng vẫn cảm nhận rõ tiếng gió, tiếng tim đập, tiếng sột soạt và cả tiếng thở của những người khiêng cáng. Sau hơn 60 phút đi đường rừng, tôi ra đến bản và được xe cứu thương Bệnh viện tỉnh Lai Châu đưa đi cấp cứu.