(VTC News) – Tọa đàm “Họ Khúc trong lịch sử dân tộc” đưa ra những nghiên cứu để đánh giá khách quan vai trò, công lao và những đóng góp của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam.
Sáng 19/4, tại Hà Nội, Hội Giáo dục Lịch sử – Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng gia tộc họ Khúc Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Họ Khúc trong lịch sử dân tộc: vai trò họ Khúc trong công cuộc giải phóng đất nước và Quỳnh Hoa thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ mẫu của dân tộc”.
Tham dự buổi tọa đàm có các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện Sử học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Giáo dục Lịch sử – Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng đại diện gia tộc họ Khúc.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – Chủ tịch Hội Giáo dục lịch sử, Chủ trì buổi tọa đàm cho biết, mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm công bố những nghiên cứu mới nhất về họ Khúc về tư liệu và nội dung khoa học để trên nền tư liệu đó sẽ đánh giá một cách khách quan vai trò, công lao và những đóng góp của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam.
Tọa đàm hướng đến các nội dung như vai trò của dòng họ Khúc ở thế kỷ thứ X, những tư liệu nghiên cứu mới nhất về họ Khúc, vấn đề giảng dạy về họ Khúc trong chương trình Đại học và chương trình giáo dục phổ thông, việc phát huy truyền thống của họ Khúc trong thời kỳ hiện nay và những đóng góp về nghệ thuật quân sư của dòng họ Khúc trong lịch sử dân tộc.
PGS. TS Đào Thuấn Thành – Chủ nhiệm Khoa lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu, việc tiếp tục nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, vị trí của một dòng họ trong lịch sử dân tộc luôn luôn là một vấn đề cần thiết vì mỗi một dòng họ có vai trò nhất định trong lịch sử, trải qua hàng ngàn năm lịch sử để góp phần xây dựng đất nước.
“Tôi nghĩ từ việc nghiên cứu, nhận thức đầy đủ hơn và quan trọng hơn là việc đưa vào việc giảng dạy, giới thiệu trong các cấp học để làm rõ hơn nhưng đóng góp vai trò của họ Khúc trong lịch sử dân tộc.
Để người dân biết được vai trò của họ Khúc là dòng họ đặt nền móng, đặt những viên gạch đầu tiên để chấm dứt hàng ngàn năm thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng nền độc lập tự chủ để có vị thế như ngày hôm nay”, PGS. TS Đào Thuấn Thành nói.
Đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, PGS. TS Trần Thuận (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho rằng nghiên cứu về dòng họ Khúc cần đánh giá rõ cuộc đấu tranh giành độc lập tự chủ của họ Khúc ở thế kỷ thứ X và phải khẳng định được họ Khúc có vai trò rất lớn trong việc định hình nền độc lập tự chủ của Việt Nam ở thế kỷ thứ X.
“Một vấn đề nữa cần được làm rõ đó là những đóng góp về nghệ thuật quân sự của họ Khúc ở thế kỷ thứ X với cuộc đấu tranh của Khúc Thừa Dụ năm 905.
Khi nói rằng cuộc đấu tranh quân sự và chính trị, từ cuộc đấu tranh quân sự để có được thành quả. Vậy thì hoạt động quân sự này được tổ chức và diễn ra như thế nào cần được đề cập, nghiên cứu và làm rõ, để hình dung ra Khúc Thừa Dụ đã hoạt động như thế nào để có được thành quả năm 905”, PGS. TS Trần Thuận phát biểu.
Tại buổi tọa đàm, TS. Lê Văn Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và Học liệu giáo dục chia sẻ, buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động nhằm nhìn nhận, đánh giá lại công lao, đóng góp của họ Khúc trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là ở thế kỷ thứ X.
Sau khi nghiên cứu, làm rõ các nội dung Viện Nghiên cứu sách và Học liệu giáo dục phối hợp với các đơn vị có thể kịch bản hóa các nội dung nhưng vẫn đi theo hướng chính sử để đưa vào phổ biến và phục vụ hoạt động giảng dạy. Góp phần phổ biến, để người dân biết đến nhiều hơn những công lao, đóng góp của dòng họ Khúc trong lịch sử dân tộc.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ: Nguyễn Cảnh – dòng họ văn võ song toàn, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, dòng họ Nguyễn Cảnh là một trong số các dòng họ tiêu biểu, văn võ song toàn, góp phần tạo dựng nên lịch sử hào…
Dòng họ người dân tộc thiểu số duy nhất có 3 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ
Có 3 đời liên tiếp với 4 người đỗ tiến sĩ, đây là dòng họ người dân tộc thiểu số duy nhất trong suốt nghìn năm lịch sử nước nhà có được vinh quang tột đỉnh.
Nguồn: Vtc.vn