Biển đảo vẫn đang là lựa chọn số một của nhiều gia đình trong mùa hè – Ảnh: V.N.A. |
Lựa chọn điểm đến:
– Các gia đình có con nhỏ thường chọn những khu biển, đảo đã phát triển về mặt dịch vụ, đường sá thuận lợi, điều kiện ăn ở phù hợp, tất nhiên phải lựa chọn điểm đến có chi phí phù hợp với tình trạng kinh tế của gia đình.
Các bãi biển đã thành danh từ Nam chí Bắc: Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Đồ Sơn, Sầm Sơn, đảo Phú Quốc, Côn Đảo hay Cô Tô, Quan Lạn, Cát Bà…
– Với các nhóm đi thì điểm đến có thêm nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là các vùng biển đảo mới được biết đến và còn hoang sơ, các dịch vụ mới chỉ ở mức tương đối hoặc thậm chí chưa hề có.
Miền Nam có Nam Du (Kiên Giang), Nam Trung bộ có đảo Phú Quý (Bình Thuận), Bình Ba (Khánh Hòa). Miền Bắc, Bắc Trung bộ có thể nghĩ đến Trà Cổ, Vĩnh Thực, Ngọc Vừng (Quảng Ninh), biển Hải Tiến (Thanh Hóa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh).
Chuẩn bị những gì:
Một số vật dụng nhất thiết cần mang theo khi ra biển:
Mũ/nón che nắng (hoặc ô/dù), kính râm, kem chống nắng, phao bơi (áo phao) cho trẻ em, khăn tắm và nước uống.
Nên cho trẻ em đội mũ có vành, bôi kem chống nắng cẩn thận để bảo vệ da, sau hai giờ phải bôi lại một lần để đảm bảo tác dụng bảo vệ. Trẻ em phải luôn được đặt trong tầm kiểm soát của người lớn và nếu không biết bơi thì nhất định phải dùng phao khi ở dưới nước.
Mọi người nên tích cực uống nước trong thời tiết nắng nóng để bù vào lượng nước tiêu hao do nhiệt độ cao và quá trình vận động, chạy nhảy hay bơi lội.
Cần lưu ý những gì khi tắm biển:
Dòng nước cuốn xa bờ: Là cụm từ nói về dòng chảy ngược hướng từ bờ ra biển. Dòng chảy này rất nguy hiểm, thường xuất hiện ở vùng nước trông có vẻ lặng (không có sóng) nhưng thật ra lại cuốn trôi tất cả những gì trên đường đi của nó. Hãy luôn chú ý để chọn vùng bơi an toàn và tránh xa dòng chảy xa bờ dựa vào sự hiểu biết: quan sát nơi có dòng chảy xa bờ màu nước sẽ đậm hơn và sóng nhỏ, thậm chí nước lặng không có sóng. Trong trường hợp bị rơi vào dòng chảy xa bờ, bạn cần bình tĩnh, không nên bơi ngược dòng chảy mà tìm cách bơi song song với bờ biển để tới vùng sóng lớn, dựa vào sóng để bơi vào, hoặc nếu không đủ sức hãy thả nổi và tìm cách phát tín hiệu cấp cứu để được trợ giúp. Điều quan trọng nhất là hãy bơi ở vùng an toàn. |
– Khởi động và nên tắm tráng trước khi xuống nước để cơ thể kịp thích nghi, không xuống nước ngay khi mới hoạt động ở ngoài nắng, tránh bị sốc nhiệt. Không ăn no và không nên uống rượu trước khi xuống nước.
– Thời gian xuống nước: nên bơi, tắm biển vào buổi sáng và sau 4 giờ chiều. Tuyệt đối tránh tắm vào giữa trưa, đầu chiều là khoảng thời gian nắng gắt, dễ bị cảm nắng, đột quỵ gây nguy hiểm cho tính mạng.
– Không cho trẻ em ngâm mình dưới nước quá lâu, thường chỉ nên ở 30-60 phút tùy theo thể lực các cháu. Có thể động viên các con lên bờ tham gia các hoạt động khác như chơi bóng, đọc sách, nghe nhạc giữa các lần bơi lội, tắm biển.
– Không tùy tiện bơi một mình ở nơi hoang vắng, không có bạn bè, nhân viên cứu hộ hoặc người hỗ trợ, tránh sự cố bất ngờ.
– Nên tự trang bị kỹ năng sơ cứu cho người đuối nước, nhất là kỹ năng CPR (hô hấp tim ngoài lồng ngực) đặc biệt quan trọng trong các tai nạn nói chung. Nạn nhân sẽ có một khoảng thời gian vàng từ 1-4 phút để sơ cứu, nếu không sẽ để lại các di chứng xấu.
Do đó, khi gặp nạn nhân đuối nước cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu tại chỗ, đặt nằm ngửa trên mặt phẳng và ép tim ngoài lồng ngực với tốc độ 100 lần/phút, đồng thời giải phóng dị vật đường thở (nếu có), hô hấp nhân tạo.
Muốn có kỹ thuật CPR đúng, bạn cần phải tự mình học tập hoặc tham gia các khóa học cơ bản và thậm chí phải thực hành thuần thục, điều đó sẽ có ích khi gặp trường hợp cần trợ giúp.
Hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực liên tục cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu hồi phục hoặc được đưa đến cơ sở y tế gần nhất là một trong những giải pháp vô cùng giá trị trong nhiều trường hợp.
Chúc các bạn có một kỳ nghỉ hè vui vẻ và an toàn.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn