12h trưa là thời gian thăm quan lý tưởng cho khách đến với tòa thánh nổi tiếng trong địa phận tỉnh Tây Ninh, cách TP HCM khoảng 100 km.
Tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam, tòa thánh Tây Ninh nổi bật trong khuôn viên với nét kiến trúc riêng.
Tòa thánh được khởi công xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Khuôn viên tòa thánh rộng 1,2 km, với đền thờ Phật mẫu, vườn cây cảnh, rừng thiên nhiên. Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m.
Để giày dép bên ngoài trước khi vào tòa thánh. |
Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu). Nền Tòa Thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp là một phẩm cấp. Phía trước gian chánh điện có 7 ghế chia làm tam cấp: cao nhất là ghế của Giáo Tông, tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp, cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu Sư. Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn.
Nét chạm khắc lộng lẫy bên trong tòa thánh. |
Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 tại Tây Ninh do một số người đứng ra thành lập. Biểu tượng của đạo Cao Đài là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm… Tòa thánh Tây Ninh là nơi thờ đạo chính của đạo này. Trong Tòa Thánh có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Mỗi người, tùy theo dân tộc, trình độ văn hóa, trình độ tâm linh, khi quan sát Tòa Thánh sẽ tự mình khám phá ra những ý nghĩa này. Một số biểu tượng dễ nhìn thấy nhất và cũng dễ hiểu nhất như: tượng Ông Thiện và Ông Ác, tượng Hộ Pháp…
Du khách đến tham quan tòa thánh thường chọn giờ tòa thánh có hành lễ (khoảng 12h trưa) để thấy cách hành lễ rất trang trọng, đẹp mắt của đạo hữu Cao Đài. Lưu ý nhỏ vào bên trong tòa thánh, bạn phải bỏ giày dép bên ngoài (có người trông coi) và không được chụp hình người lấy phông nền là Thánh nhãn, chỉ chụp cảnh vật. Bạn cũng có thể xin phép để được lên tầng trên chụp toàn cảnh của tòa thánh.
Giờ hành lễ khoảng 12h trưa hàng ngày. |
Mùng 9 tháng Giêng và rằm tháng Tám âm lịch hàng năm là hai lễ hội lớn nhất của tòa thánh. Không chỉ những người theo đạo Cao Đài mà rất đông du khách thập phương cũng về tòa thánh để sống trong không khí lễ hội cây trái và lễ hội rằm to nhất Tây Ninh dịp xuân về.
Lam Linh
Nguồn: Vnexpress.net