Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới

0
10

Tối 5/12/2015, tại TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và Bộ VHTTDL long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới (1765 – 2015).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng; Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương; các vị khách quốc tế, nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu và khoảng 10 nghìn khán giả là bà con nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, du khách trong nước và quốc tế.

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du là sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng xuất hiện những bậc hiền tài, anh hùng, hào kiệt, danh nhân làm rạng danh đất nước. Trong đó, tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du với di sản thi ca đồ sộ, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng không chỉ trong nước mà khắp thế giới.

Đại thi hào Nguyễn Du là một nghệ sĩ thiên tài, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một tài năng – Danh nhân văn hóa thế giới. Tên tuổi và di sản của ông để lại với giá trị xuyên thời đại, mãi là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh bằng. Vượt qua thăng trầm lịch sử, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã sống một đời sống đích thực trong lòng nhân dân. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi, di sản của ông không chỉ được ngư­ời Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào mà còn được bạn bè năm châu biết đến và ngưỡng mộ.

Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian nguy, thử thách, viết nên những trang sử vàng dựng nước và giữ nước vĩ đại. Sau gần ba mươi năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn; nền văn hiến giàu bản sắc hàng nghìn năm tiếp tục được gìn giữ, hun đúc thành sức mạnh để dân tộc ta trường tồn và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau; tích cực giới thiệu, quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài, làm rạng danh văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Katherine Muller Marin – Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam: Tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên hệ với bình đẳng giới – lĩnh vực hoạt động của UNESCO. Và tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật hoành tráng có tên “Tiếng thơ ai động đất trời” với sự tham gia của 650 nghệ sĩ và nghệ nhân dân gian. Chương trình gồm năm chương: Vùng đất địa linh nhân kiệt – Áo gấm về làng; Quê mẹ Kinh Bắc; Tiếng thương như tiếng mẹ ru; Nguyễn Du viết Kiều – đất nước hóa thành văn và Khúc vui xin lại so dây cùng người. Cuộc đời tài hoa nhưng đầy thăng trầm, bể dâu của thời cuộc, truyền thống gia đình và dòng họ, sự hội tụ và kết tinh văn hóa để hun đúc nên một Đại thi hào dân tộc đã được tái hiện qua những lát cắt văn hóa và nghệ thuật; hình ảnh quê hương, đất nước liên quan đến cuộc đời của Nguyễn Du cũng hiện lên thật lung linh. Đáng chú ý nhất là chương bốn: Nguyễn Du viết Kiều – đất nước hóa thành văn, gồm sáu phân cảnh, tóm tắt cuộc đời 15 năm “đoạn trường” của Thúy Kiều.

* Trước đó, chiều 5/12, tại Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Thanh Hải cùng các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng và Đoàn đại biểu T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo: tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân và bà con trong vùng đã đến dâng hương, dâng hoa tại nhà thờ Nguyễn Du, tượng đài Nguyễn Du (ở Khu di tích Nguyễn Du) và khu mộ Nguyễn Du, tưởng nhớ, tri ân những đóng góp kiệt xuất của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà và văn hóa nhân loại.

Theo Tổng cục Du lịch

Nguồn: Dulich.vtv.vn