Với nền kinh tế đang phát triển, bắt kịp xu hướng thời đại, người Việt bây giờ mua và đua hàng hiệu (thời trang cao cấp) có thể còn nhanh hơn cả dân ở các nước phát triển.
Người Việt có đủ tiền để mua hàng hiệu?
Năm 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài. Trong bối cảnh đó, kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 7%, lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu mua sắm của người Việt nhảy vọt, trong đó phải nói đến chuyển dịch thói quen mua sắm từ các chợ nhỏ sang trung tâm thương mại (TTTM) tăng gấp 4 lần so với những năm trước.
Nhờ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ở mỗi TTTM giờ đây đều có sự hiện diện của các nhãn hàng nổi tiếng trong nước và thế giới. Ảnh: Saigon Centre. |
Theo báo cáo 2019 của Knight Frank Wealth, trong năm 2018, Việt Nam hiện có khoảng 12,327 triệu phú. Con số này sẽ tăng lên 15,776 trong năm 2023. Tính riêng về tầng lớp siêu giàu, tuy mới chỉ là một cộng đồng nhỏ, nhưng Knight Frank dự đoán sẽ tăng 170% trong 10 năm tới, đạt 540 người. Tỷ lệ này ở Trung Quốc và Ấn Độ là 140% và 150%.
Nhìn vào biểu đồ so sánh chỉ số niềm tin tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối 2017 – đầu 2018, người Việt mua sắm còn “bạo” hơn cả dân Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ảnh: Nielsen. |
Khoảng thời gian 2015-2016 là giai đoạn chuyển mình của thị trường thời trang Việt Nam khi chịu nhiều ảnh hưởng từ những thương hiệu ngoại quốc như Banana Republic, Zara, Mango, Levis… Trong giai đoạn này, theo số liệu điều tra mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt đã đứng thứ 3 chiếm 13,9% chỉ sau thực phẩm (32,9%) và tiết kiệm (14,9%).
Đầu năm 2019, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố báo cáo chỉ ra có đến 23% người du lịch Việt Nam ra nước ngoài để mua sắm thời trang cao cấp. Có 5 nhóm sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng mạnh tay chi tiền để mua: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử cá nhân, sản phẩm chăm sóc cơ thể và thịt, hải sản.
Quần áo vẫn là mặt hàng đứng thứ 3 trong danh sách chi tiêu của người Việt trong năm 2018. Ảnh: Nielsen. |
“Sự thay đổi về mức độ giàu có của người Việt giúp họ có khả năng mua sắm những sản phẩm và dịch vụ chuẩn quốc tế. Ngày càng có nhiều người Việt chọn mua những mặt hàng cao cấp hay sản phẩm độc quyền”, bà Laura McCullough, đại diện bộ phận Đo lường và Tiếp thị của công ty Nielsen, cho biết.
Tâm lý dùng hàng hiệu của người Việt từ đâu mà ra?
Không cần có những báo cáo cụ thể, chỉ cần quan sát các giao dịch mua bán online và trang web bán hàng, bạn đủ nhận ra người Việt đã bắt đầu thích xài đồ hiệu hơn. Nếu trước năm 2010 chỉ có người giàu mới biết về Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Dior… thì bây giờ tầng lớp trung lưu cũng có thể đọc tên rành mạch những thương hiệu này.
Đi đôi với tốc độ phát triển của kinh tế và thông tin mạng, cuộc sống càng khấm khá thì người dân lại càng quan tâm tới ngoại hình để thỏa mãn cái tôi và phục vụ mục đích cá nhân.
Nhiều người dần hiểu ra những món đồ rẻ tiền sẽ nhanh chóng bị giảm chất lượng và không thể nâng tầm đẳng cấp cho bản thân. Nó dẫn đến việc một đại bộ phận người Việt không tiếc tiền mua đồ tốt, đồ hiệu và đồ đắt để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cửa hàng thời trang cao cấp Dior dù chỉ nằm ở trung tâm. nhưng người tiêu dùng Việt đã ít nhiều “quen mặt” nhãn hàng này từ vài năm trở lại đây. Ảnh: Pinterest. |
“Tiền nào của nấy” – những sản phẩm hàng hiệu xa xỉ chuẩn mực đến từng milimet được đăng ký mẫu mã độc quyền luôn có kiểu dáng sang trọng, chất liệu cao cấp, góp phần đưa hình ảnh chủ nhân lên tầm vóc mới. Chính cái giá tiền cao vời vợi của nó cũng khẳng định được vị thế, độ chịu chơi và sự sành sỏi của người sử dụng. Do vậy, hàng hiệu luôn có sức thu hút đối với những ai đang muốn xây dựng một cuộc sống ấm no, “sang chảnh” và giàu có.
Người Việt đang mua hay đua đồ hiệu?
Dạo một vòng trên các trang báo, không hề khó khăn để bắt gặp mô tuýp bài viết kiểu: cô A xuống phố với set đồ hiệu trăm triệu, túi hàng hiệu của cô B đựng những gì, anh C lên tiếng về chiếc đồng hồ chục tỉ mới sắm của mình… Những bài viết này luôn thu hút một lượng view “khủng” – minh chứng cho thấy người Việt không những tò mò xem sao đang dùng gì mà họ cũng đang học hỏi về các món đồ hiệu của thế giới trông ra sao, xài như thế nào, mua ở đâu…
Sức hút của hàng hiệu cộng hưởng với tốc độ sáng tạo xu hướng nhanh chóng mặt của các nhãn hàng thời trang đã vô tình tạo ra một “cuộc đua” hàng hiệu giữa những người muốn chứng tỏ bản thân.
Đối với các sao Việt, hàng hiệu giống như một “cuộc đua” để khẳng định vị thế, sức ảnh hưởng cá nhân. Ảnh: @phamthanhhang_ , @Klinhnd , @toctien1305. |
Nói riêng về khoản đua đòi và chơi sang, chắc khó ai có thể vượt mặt được người dân Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào thực trạng mua và đổi điện thoại mới ở Việt Nam, người nước ngoài còn phải bất ngờ khi biết mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người của dân Việt không ở mức dư giả nhưng đa số vẫn dũng cảm sắm điện thoại iPhone hay Samsung “mới ra lò”.
Trong khi doanh số iPhone toàn cầu đang giảm, lượng người sử dụng iPhone tại Việt Nam vẫn tăng. Theo Reuters, khoảng thời gian 3 tháng cuối năm 2018, doanh số của Apple tại thị trường Việt Nam đã tăng lên gấp 3 lần – con số này gấp 5 lần so với Ấn Độ.
Ngoài iPhone, những chiếc túi hiệu hàng hiếm như Hermès Birkin Crocodile trị giá cả tỷ đồng cũng được nhìn thấy nhan nhản ở Việt Nam.
Túi Birkin và Kelly của Hermès là hai trong số những dòng túi hiệu khó mua nhất thế giới. Người muốn sở hữu túi Birkin hay Kelly không những phải là khách hàng trung thành của hãng, giàu có mà còn phải chứng tỏ niềm đam mê và sự hiểu biết về thời trang. Ảnh: FBNV. |
Đặc quyền sử dụng hàng hiệu không chỉ còn bó gọn ở giới showbiz, thời trang cao cấp đã chạm đến trái tim của rich kid và tín đồ thời trang Việt Nam. Đối với rich kid, chỉ cần thích là các bạn có thể tậu cho mình những món đồ đẳng cấp còn hơn cả sao.
Xem Instagram hay dạo phố đi bộ, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ sành điệu khoác lên mình những chiếc túi, giày, thắt lưng, ví, mũ… có logo hàng hiệu.
Các bạn trẻ sành điệu liên tục đăng tải hình ảnh trang phục streetstyle của mình được mix&match như thế nào với các món đồ thời trang cao cấp. Ảnh: @_trinniebabi_, @thaonhile, @bychloenguyen, @s.sunph. |
Sử dụng thời trang cao cấp đúng đẳng cấp
Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế và ngành thời trang tại Việt Nam là một dấu hiệu đáng mừng cho đất nước. Người dân đã có ý thức hơn về chuyện ăn mặc cũng như sẵn sàng đầu tư tiền cho bản thân “tỏa sáng”. Tuy nhiên, có một điều bất cập dễ dàng nhận ra là người Việt xài hàng hiệu nhưng không hiểu gì về hàng hiệu.
Nếu để kể tên ra các thương hiệu nổi tiếng, một tín đồ thời trang Việt có thể liệt kê cả một danh sách dài mấy trang A4. Nếu hỏi về lịch sử của một thương hiệu họ yêu thích, không phải ai cũng có thể trả lời được. Với kiến thức thời trang còn nông và công thức phối đồ hạn hẹp, vẫn còn đó rất nhiều trường hợp diện đồ hiệu như đồ chợ.
Bên cạnh đó, ý thức về việc sử dụng đồ fake hay đạo nhái gần như chưa được nhấn mạnh ở thị trường Việt Nam. Tại những buổi chụp hình streetstyle trong khuôn khổ Vietnam International Fashion Week (VIFW) 2019 tổ chức tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ Việt mặc sành điệu vẫn còn “vô tình” khoác lên người những item thời trang nhái thương hiệu nước ngoài.
Một bạn trẻ xuất hiện tại buổi chụp hình streetstyle ngày 2 của VIFW 2019 với một chiếc túi Moschino giả. Ảnh: Bá Ngọc. |
Thiết nghĩ, trước khi quan tâm đến đẳng cấp, mỗi người nên tự xây dựng thương hiệu cho bản thân. Bởi vì, cho dù xài hàng hiệu đắt đến mấy nhưng hành xử thô lỗ, thiếu chuẩn mực, ăn mặc không chỉn chu và không có kiến thức cơ bản về thời trang… bạn cũng khó lòng nâng cấp được vị thế bản thân trong mắt người khác.
Nguồn: News.zing.vn