Cây thị lão trên đường Tân Kỳ Tân Quý (TP.HCM) – Ký họa: AMANDA HUỲNH
Những trái thị bé xíu, vỏ vàng hơi xanh, thoang thoảng hương thơm trong nắng sớm Sài Gòn làm tôi cũng chợt nhớ đến con đường Tân Kỳ Tân Quý có một cây thị lão 67 tuổi đời. Đến mùa trái rộ, chủ nhà thường bày một chiếc mẹt tre đầy thị chín vàng ươm, bán cho khách qua đường. Giá trung bình 50.000 đồng/kg.
Gia chủ trạc tuổi trung niên, ngồi bán thị dưới tán cây, cho biết hồi xưa, cây thị lão này do ông ngoại Phan Đạt Sơn trồng năm 1950. Khi đó, xung quanh đây còn là vườn ruộng, dân chúng thưa thớt nên ông trồng thị trước lấy mốc ranh giới, sau cho bóng mát. Mà chọn cây thị cũng vì con cháu, con gái ngày xưa hay bỏ trái thị trong túi, cho thơm.
Rồi ông cười, mắt in bóng thời gian: “Cô cậu phân biệt nhe: có loại thị trái to nhưng không thơm, nhất là những trái thị bị bẻ non, đóng thùng rồi chở đi bán khắp nơi. Chúng mất luôn mùi hương của trái chín. Thị là phải để chín từ từ trên cây mới thơm lâu”.
Quay về cây thị của gia đình, ông nói đầy tự hào: “Nhờ gia đình chăm bón tốt. cây thị nầy ra trái quanh năm. Những năm mưa thuận gió hòa, không khí ít ô nhiễm như bây giờ, có ngày tôi hái cả ký xuống bán. Giờ mùa thị chậm hơn, chứ xưa chừng tháng 6, tháng 7 là thị đã chín”.
Con nít thị thành bây giờ ít biết về hương thơm thị chín dù đều đọc truyện cổ tích Tấm Cám và thuộc lòng câu:
“Thị ơi thị rơi bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.
Trái thị – Ký họa: AMANDA HUỲNH
Có lẽ vì trái thị không phải là loại trái ăn ngon, dù ăn vẫn được. Các gia đình nào thích, chỉ mua về chưng chơi trong một đôi ngày. Giới nhân viên văn phòng mua đôi ba trái bỏ trên bàn làm việc cho thơm. Hương thị bình dân, dịu nhẹ, có khi bị chìm lẫn trong mùi nước hoa xịt phòng, mùi chất khử mùi, mùi máy lạnh và cả trăm thứ mùi của phố xá ồn ả khác.
Cha mẹ tôi cũng thuộc vào thế hệ 1950. Thế hệ của hương ngọc lan dấu trong tóc, của trái thị chín bỏ trong túi, thỉnh thoảng lại lấy ra đưa lên mũi ngửi. Thế hệ quen nhau là đến nhà chào ra mắt người lớn, yêu là lặng lẽ quan tâm, chăm sóc, bẽn lẽn cầm tay đi dạo trong Sở Thú (Thảo Cầm Viên ngày nay).
Ba mẹ tôi thường chọn lối đi gần mé bờ sông với những cây thị già. Ngày ấy, thị được những cơn mưa đầu hạ gội rửa xanh mát. Sau đó thị rung rinh nở hoa rồi kết trái. Những trái thị lấp ló trong lá, trong nắng. Tỏa hương thơm dịu nhẹ khi ửng chín.
Mẹ tôi ví màu vỏ thị vàng, trơn nhẵn mịn màng như má phấn thơm lừng của những đứa con được sinh ra từ tình yêu thương của ba mẹ.
Ba tôi từng làm việc tại Sở Thú một thời gian. Ông từng ấp ủ ý muốn biến những mùa thị chín ở Sài Gòn thành một mùa đặc trưng, mùa của mùi hương mang sắc màu du lịch.
Ông từng nói: “Người Thái Lan họ kết hoa vạn thọ, hoa lài thành những vòng đeo cổ, đeo tay, vòng trang trí, tạo nét thân thiện cho du khách ngay từ khi đặt chân đến vương quốc họ. Ba mơ một ngày nào đó, mùa hè thành phố mình cũng ngát hương thị chín”.
Ừ nhỉ, thị thơm dịu trên bàn các công ty du lịch, xuất nhập cảnh. Thị vàng trên dĩa cúng thần tài, ông địa. Thị được công sở, nhà ở dùng để tạo mùi không gian nhè nhẹ tương tự công dụng bó lá dứa thơm, dĩa nước rải hoa lài, ngọc lan, nến thắp trong ruột rỗng trái thơm…
Các loại hoa trái tự nhiên hẳn là vẫn tốt hơn bình xịt phòng, chai xịt khử mùi, phải không nhỉ?
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn