‘Thế hệ nhảy dù’ của Trung Quốc lạc lõng trên đất Mỹ

0
12

Sự khác biệt lớn về văn hoá, lối sống giữa hai quốc gia khiến những du học sinh Trung Quốc cảm thấy lạc lõng, bị cô lập tại Mỹ.

Năm 14 tuổi, Zhang Lingli rời gia đình ở Quảng Châu (Trung Quốc) để bắt đầu cuộc sống mới tại một trường trung học tư thục ở bang Virginia (Mỹ). Nhưng sự háo hức của cô gái chẳng kéo dài được bao lâu.

Zhang sớm nhận ra việc kết bạn mới ở xứ cờ hoa không hề dễ dàng vì cô không thích tiệc tùng và môn bóng bầu dục. Cuộc sống của nữ sinh châu Á chỉ loanh quanh trong phòng ký túc xá, căn tin và lớp học. Thỉnh thoảng, vài người bạn Trung Quốc đưa Zhang tới thành phố New York để thưởng thức trà sữa và làm móng.

vo mong khi sang My anh 1

Nhiều học sinh, sinh viên Trung Quốc “vỡ mộng” khi việc kết bạn mới không dễ dàng như trên phim ảnh. Ảnh: China File.

Những người như Zhang còn được gọi là “đứa trẻ nhảy dù”. Họ sớm bị tách khỏi gia đình và “được thả” từ máy bay xuống một vùng đất xa lạ. Từ năm 2005 đến năm 2015, số lượng thanh thiếu niên Trung Quốc theo học trung học ở Mỹ tăng vọt, từ 637 lên tới 46.000 người/năm.

Hầu hết “đứa trẻ nhảy dù” xuất thân từ tầng lớp thượng lưu thành thị của Trung Quốc và được nuôi dạy trong môi trường quốc tế. Họ đã quen với việc đi du lịch nước ngoài và nắm bắt xu hướng mua sắm, tiêu dùng toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng những bạn trẻ này có khả năng thích nghi dễ dàng với các nền văn hóa khác nhau.

Bị cô lập, xa lánh, không thể kết bạn

Khi bước chân sang xứ cờ hoa, ngay lập tức những “đứa trẻ nhảy dù” phải đối mặt với khung cảnh tiệc tùng thâu đêm của giới trẻ Mỹ, bao gồm việc sử dụng rượu bia và ma túy ở độ tuổi vị thành niên.

Còn tại trường học, họ trở thành nhóm thiểu số. Những đặc quyền và lợi thế họ có được hồi còn ở Trung Quốc trở nên vô tác dụng trong môi trường mới này.

Về phần mình, các trường trung học tư thục Mỹ thường cố gắng giúp những “đứa trẻ nhảy dù” hòa nhập. Qua đó, họ muốn nhấn mạnh và tôn vinh “sự đa dạng” trong môi trường giáo dục của mình, một phần là để thu hút sự quan tâm và lợi nhuận từ nhóm du học sinh quốc tế.

Tuy nhiên, không phải biện pháp nào cũng đạt được hiệu quả cao, ví dụ như luật cấm sử dụng những ngôn ngữ không phải tiếng Anh trong lớp học hoặc tại căn tin.

vo mong khi sang My anh 2

Các học sinh bản địa chỉ tỏ ra thân thiết, hòa nhập với người Trung Quốc ở trong lớp học. Ảnh: AP.

“Mặc dù nhà trường không ngừng nói về đa dạng nọ, đa dạng kia, vẫn còn đó những khoảng cách và sự chia rẽ giữa các học sinh”, Dylan Fang, một du học sinh lớp 11 ở Seattle (Mỹ), cho biết.

“Trong giờ học, chúng tôi ngồi cùng nhau làm bài tập và thực hiện các dự án, thậm chí đôi lúc còn trêu chọc nhau. Không khí rất vui vẻ và tuyệt vời. Nhưng một khi bạn bước ra khỏi cửa lớp, những học sinh bản địa sẽ chẳng chơi với bạn đâu”.

Khi mới đến Mỹ, Fang phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập. Chàng trai trở thành du học sinh đầu tiên góp mặt trong đội bóng bầu dục của nhà trường. Trong vòng 7 năm trở lại đây, chưa từng có người Trung Quốc hay bất kỳ học sinh quốc tế nào làm được điều này.

Tuy nhiên, sự phấn khích ban đầu của Fang nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Anh cảm thấy không được đồng đội chào đón vì là cầu thủ gốc Á duy nhất. Không ai trò chuyện hay ngồi cùng Fang trên xe buýt đội bóng. Không những vậy, chàng trai 17 tuổi còn cảm thấy áp lực nặng nề khi phải “đại diện” cho cộng đồng Trung Quốc trong trường, thậm chí là toàn bộ du học sinh.

“Phần lớn đồng đội của tôi quen biết nhau từ hồi học tiểu học và chơi cùng nhóm. Mặc dù những người đó không có kỹ năng đỉnh cao, họ có mối gắn kết chặt chẽ và được phép mắc lỗi. Còn tôi thì không”, Fang nói.

“Mọi học sinh Trung Quốc khi mới sang đây đều nghĩ rằng họ sẽ có nhiều bạn bè người Mỹ. Họ đã cố gắng rất nhiều để kết bạn. Nhưng chỉ sau một năm, hầu hết đều thất bại”.

vo mong khi sang My anh 3

Nhiều học sinh Trung Quốc thất bại trong việc kết bạn, hòa nhập. Ảnh: China Daily.

Một số người khác chọn cách “Mỹ hóa” bản thân để thích nghi. Frank Wu (16 tuổi), một học sinh trường nội trú ở Maryland, từ bỏ sở thích chơi bóng đá để làm quen với bóng bầu dục, môn thể thao vua tại xứ cờ hoa.

Ngoài ra, Wu chú trọng việc kết bạn với những người không cùng sắc tộc với anh ấy. Danh sách bạn bè của chàng trai trẻ rất đa dạng, đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Trái lại, không ít bạn trẻ lựa chọn giữ nguyên bản sắc của mình. Đối với những học sinh có điều kiện khá giả, họ cảm thấy không có động lực hòa nhập xã hội Mỹ, nhất là khi nền kinh tế và văn hóa toàn cầu giữa xứ cờ hoa và Trung Quốc không chênh nhau mấy.

“Mỹ hoàn toàn là một nền văn hóa khác. Cuộc sống của tôi khác với họ vì tôi không lớn lên ở xứ cờ hoa. Vì vậy, tôi không nghĩ mình có nhiều điều để nói chuyện với người bản địa”, Chen Shuang, một nữ sinh 18 tuổi đến từ Bắc Kinh, khẳng định.

Covid-19 lại càng khiến khoảng cách giữa hai nền văn hóa xa hơn nữa. Từ khi đại dịch bùng phát, vấn nạn phân biệt chủng tộc đối với học sinh, sinh viên người châu Á hoặc gốc Á ở nước ngoài trở nên nghiêm trọng hơn. Không chỉ bị xa lánh ở khu vực công cộng chỉ vì đeo khẩu trang, một số còn bị lôi ra làm trò đùa cợt liên quan đến dịch bệnh, thậm chí là bị hành hung.

Trước tình hình đó, nhiều bạn trẻ lựa chọn trở về nhà nhưng cũng có người ở lại Mỹ như cậu học sinh Frank Wu. Họ không muốn đánh mất những mối quan hệ mất công gây dựng được ở xứ cờ hoa.

Nguồn: News.zing.vn