Ăn cá sống, uống bia tươi lúc 6:30 sáng, thật là chuyện chưa từng mơ cho đến khi rong chơi ở Tokyo.
Trời nhá nhem, cả Tokyo còn say giấc nồng, đường xá vắng tanh vắng ngắt, anh bạn Kuroda Hideki thức giấc bằng cú điện thoại như đùa: “Dậy đi chơi, uống bia, ăn sáng!”.
Nhìn lại đồng hồ mới chỉ 5:30 sáng. Hình như có gì đó… sai sai, định bụng rằng Hideki có nhầm lẫn, say xỉn chăng? Nhưng hắn quả quyết: “Đi chơi sớm giờ này mới thú, cậu sẽ thấy một Tokyo rất khác”.
Chưa đầy nửa tiếng sau, Hideki có mặt, líu ríu hót như chim theo kiểu người Nhật, “chém gió” bằng thổ ngữ bản địa.
Hắn bảo: “9:30 tao đi làm, tranh thủ lang thang, ăn sáng nhé”. Khu tôi ở ngay Ginza, chẳng phải nghĩ lâu, Hideki chọn điểm đến là khu chợ cá Tsukiji cũ với lý do: “Đi bộ đến đó khoảng 15 phút, vừa tập thể dục buổi sáng, vừa có chỗ để thăm thú và lai rai luôn”.
|
Chợ cá lớn nhất Tokyo ngày trước là Tsukiji, mở cửa từ 1935, nhưng nay đã chuyển qua địa điểm mới từ tháng 10.2018 với tên mới là chợ Toyosu, cách chợ cũ Tsukiji khoảng 40 phút đi bộ.
Hideki kể thêm về Tsukiji: “Bạn bè tao đến Tokyo, kiểu gì cũng dắt đến khu chợ này, ở đây có nhiều thứ để xem lắm.”
Chợ có hai khu, jonai – chợ nội và jogai – chợ ngoài. Khu jonai chuyên dành bán sỉ, là đầu mối để hải sản từ khắp Nhật Bản tụ về, bán cho các thương lái khác.
Các phiên đấu giá cá ngừ nổi tiếng cũng diễn ra trong khu jonai này. Khi dời qua Toyosu, chỉ có khu jonai đi, còn jogai vẫn không thay đổi.
|
Nhờ sự vắng vẻ của Tokyo lúc bình minh, chỉ hơn 10 phút tôi đã đứng trước khu chợ cũ Tsukiji, trong cái se lạnh mùa thu, ấn tượng đầu tiên là mùi mực hấp thơm nức từ các hàng quán nhỏ ven đường.
Hideki bảo họ đang hấp để chuẩn bị bán cho người đi chợ sớm, tầm từ 7 giờ sáng trở đi. Từng con mực được tách bỏ phần râu, xiên que tre, xếp ngay ngắn trông đầy hấp dẫn.
Thực tình ở quê nhà, chưa bao giờ có chuyện ăn hải sản, lại là mực hấp từ lúc sáng mơ như thế.
Định bụng mua một xiên nhưng tay thổ địa Hideki cản: “Đừng ăn, món này bèo, không ngon đâu, đi sâu vào mấy ngõ nhỏ đối diện chợ, còn nhiều cái hay lắm, đồ trong đó ngon hơn”.
|
Không còn chợ cá, nhưng những hoạt động buôn bán ở khu vực jogai vẫn diễn ra sôi động từ sáng sớm. Người qua lại tấp nập, hàng quán nhộn nhịp với các cửa hàng rau củ quả, nấm, hương liệu chế biến thực phẩm bày la liệt ra vỉa hè, tạo nên từng khu vực đầy màu sắc.
Chúng tôi cứ len lỏi trong các ngõ nhỏ, thông từ đường này sang đường khác, chuyến tản bộ thong dong, người không quá đông như nội đô Tokyo lúc ngày thường, không khí buổi sớm cũng thật dễ chịu.
Qua đến khu bán dụng cụ, Hideki dắt vào một tiệm toàn mã tấu – gồm đủ loại dao dài ngắn, hắn bảo người nhà chuyên mua ở tiệm này từ thời ông bà nội.
Tiệm này đã đến đời thứ 3 làm nghề nên dao chế tác không thiếu thứ gì, từ các loại nhỏ gọn gọt rau củ quả, đến dùng cơ bản trong nhà, loại mũi nhọn để tỉa tót trái cây, chuyển qua các loại chuyên dụng để xẻ thịt cá ngừ với lưỡi dài cả mét, những loại dao lưỡi mảnh dùng cắt sushi… thứ gì cũng có đủ.
|
Lớp lớp đủ loại dao lớn nhỏ, lưỡi sáng choang, bày san sát, lạnh cả gáy, không dám chạm tay vì cái nào cái nấy lưỡi bén ngót.
Loanh quanh chán chê nơi chợ sớm, chân cũng bắt đầu mỏi, Hideki đưa qua khu quán ăn. Thật ngạc nhiên khi ở giấc sớm vậy mà hàng quán sushi khu jogai cũng đã đầy ắp người, chủ yếu là dân bản xứ, lẻ tẻ khách du lịch.
Ăn sushi buổi sáng là ngon nhất, Hideki bảo thế. Thấy tôi có vẻ không tin, hắn giải thích rằng những tiệm bán sushi buổi sáng, mở cửa từ 5-6 giờ, thường là những tiệm lâu đời, họ tinh tế và kỹ lưỡng trong chuyện chọn nguyên liệu.
Cá vừa vào cảng, họ sẽ ra lựa những thứ ngon nhất, ưng ý nhất để làm món sushi của ngày, đưa về bán đến trưa hết hàng là đóng cửa nghỉ.
|
Nghe kiểu giải thích cũng khá xuôi tai, tôi và Hideki tạt vào một quán vu vơ trong khu jogai của Tsukuji để thưởng thức bữa sáng bằng sushi – sashimi kiểu bản địa.
Cả khu jogai nhẩm sơ có đến hơn 20 quán sushi nằm rải rác, nhỏ xinh, mỗi quán chứa độ hơn chục khách, với hai người vừa bếp chính, bếp phụ, kiêm luôn phục vụ bàn ăn, lau dọn, tính tiền.
Để mặc cho Hideki lựa chọn, sau một quãng líu ríu với ông chủ, hắn quay sang bảo món ngon của quán hôm nay là lươn, cồi sò điệp Hokkaido, nhum… còn lại các thứ khác không gì đặc biệt.
Đĩa sushi được dọn lên, có lươn, có cồi sò điệp, cả nhum, rồi kèm theo những thứ… tầm thường khác như cá hồi, cá ngừ, tôm biển, trứng cua, cá trích, ốc đỏ, cá cam.
Vị giác buổi sớm mơ thực không mặn mòi khi nói về cá sống, nhưng khi đĩa sushi bày ra trước mặt, với kính thưa các loại, đủ màu, đủ vị, cảm giác như tinh túy của biển khơi hội tụ trong cùng một mâm, thật đã.
|
Và thế là từng miếng ngon cứ vơi dần. Hideki gọi ly nước lọc lấy từ vòi, lạnh ngắt, uống ừng ực. Hắn bảo tôi dùng bia cho đã, còn hắn phải đi làm, kiêng bia rượu. Ăn cá sống, lại uống nước lạnh, hỏi Hideki nhỡ bụng dạ óc ách, tính sao?
Hắn cười toe bảo: “Ở Nhật, mày ăn quán mà đau bụng, đấy là phước vì sắp giàu, quán sẽ đền tiền to”. Ngồi nghe hắn lý giải thêm, hóa ra mỗi quán ăn dù nhỏ to ở Nhật, điều quan trọng hàng đầu là vệ sinh an toàn.
Mỗi nguyên liệu trước khi chế biến sẽ được lấy mẫu, trữ trong ba ngày, nấu cho khách ăn khi trở về đau bụng, khách quay lại kiện họ sẽ lấy mẫu ra để kiểm tra, so sánh. Quán nào phục vụ để khách đau bụng do vấn đề vệ sinh, coi như dẹp tiệm.
Tôi an tâm tận hưởng bữa sáng đầu tiên trong đời bằng món sushi ngay giữa lòng Tokyo, lại thêm ly bia tươi tuốt miệt phương bắc Sapporo mát lạnh tráng vị, cảm giác thật đã đời.
Từ hôm ấy, những dấu ấn về Tokyo trong tôi còn có thêm một gạch đầu dòng, lần sau trở lại Tokyo, chắc chắn sẽ hơn một lần đi ăn sushi nơi chợ sớm.
Tin liên quan
- Sững sờ dòng Nho Quế xanh mướt, dịu dàng giữa núi đá
- Đặt chân đến dòng suối nhiều tầng tương truyền nơi Tiên Ông đánh cờ quên lối về
- Cận cảnh thác nước khổng lồ ở sân bay hiện đại bậc nhất thế giới
Nguồn: Thanhnien.vn