Ngay đầu hè oi bức nhưng bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã rơi vào trạng thái “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhiều chủ khách sạn, nhà hàng rơi vào cảnh điêu đứng.
Du lịch hè “ngủ đông”
Còn nhớ tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn tạm dừng đóng cửa. Nhiều khu du lịch trên phạm vi cả nước dừng đón khách tham quan.
Thành phố biển Sầm Sơn vốn huyên náo, nhộn nhịp khi ấy cũng trở nên vắng lặng, đìu hiu. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Đầu tháng 8/2020, chưa kịp thức giấc sau thời gian dài “ngủ đông”, trên địa bàn lại ghi nhận một ca mắc Covid-19, cả thành phố lại rơi vào trạng thái “đóng băng”, kết thúc một năm du lịch buồn.
Nhưng đó mới chỉ là những câu chuyện về “ngành công nghiệp không khói” Sầm Sơn của năm trước.
Năm 2021, sau những sóng gió của dịch Covid-19, du lịch Sầm Sơn như bừng tỉnh với màn bắn pháo hoa rực trời, hàng vạn người dân và du khách đổ về trong ngày khai trương du lịch hè năm 2021.
Đã lâu, mới được chứng kiến một hình ảnh Sầm Sơn ken đặc người trên các bãi tắm. Người dân và du khách đến với thành phố biển như để giải nhiệt sau thời gian bị bó buộc bởi Covid-19.
Với những người làm dịch vụ du lịch Sầm Sơn, họ bước vào hè 2021 với những kỳ vọng để “bù lỗ” cho một năm 2020 khó khăn vì đại dịch. Để chuẩn bị cho mùa du lịch mới, từ đầu hè 2021, các nhà hàng, khách sạn đã tập trung tu sửa, chỉnh trang lại hệ thống phòng ốc, khuôn viên cũng như nhân lực để đón khách.
Thế nhưng, chỉ một tuần sau màn pháo hoa mãn nhãn, những người làm dịch vụ du lịch Sầm Sơn lại “đứng ngồi không yên” vì du khách liên tục hủy phòng, hủy tour ngay trước kỳ nghỉ lễ đầu tiên của mùa du lịch 2021.
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 29/4-2/5/2021, Thanh Hóa đón 374.000 lượt du khách, riêng Sầm Sơn có 215.000 lượt khách (giảm 22 % so với dự kiến và giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái).
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đến nay, mặc dù các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã kiểm soát, không ngừng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách khi về đây nghỉ dưỡng, nhưng biển Sầm Sơn vẫn vắng lặng.
Có mặt tại thành phố Sầm Sơn những ngày này, mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng dọc các bãi tắm, kể cả ngày cuối tuần là khung cảnh đìu hiu, vắng lặng, thi thoảng xuất hiện một vài du khách xuống tắm biển.
Dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương, nhiều khách sạn “cửa đóng, then cài”, các nhà hàng mở cửa nhưng cũng chẳng có khách ghé ăn. Nhiều ông chủ bất đắc dĩ đã cho nhân viên nghỉ việc sớm vì không thể “gồng gánh” qua mùa dịch.
Các dịch vụ du lịch như xe điện, xích lô, taxi, chụp ảnh những ngày này cũng ế ẩm, ra biển chỉ để ngồi chơi tránh nắng.
Nhà hàng, khách sạn ế ẩm, nhiều ông chủ lâm cảnh nợ nần
Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2021, chủ khách sạn Hà Nội 2 tại đường Hồ Xuân Hương đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, tân trang lại cơ sở lưu trú. Nhưng trái với những gì mà ông mong đợi, ngay từ đầu mùa du lịch, khách đìu hiu khiến ông chủ khách sạn 2 sao này cũng chỉ biết thở dài trong ngao ngán.
“Dự kiến với 100 phòng những ngày này phải có 50 nhân viên mới kích hoạt được hoạt động du lịch tại khách sạn. Trung bình lương mỗi nhân viên 6 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian qua không có khách nên hầu hết đã phải cho nghỉ việc vì không có tiền trả lương. Đây là năm thứ hai Sầm Sơn vắng khách do đại dịch”, ông Hoàng Văn Tuấn, khách sạn Hà Nội 2 chia sẻ.
Không chỉ khách sạn Hà Nội 2 mà thời điểm này, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đều chung cảnh vắng khách.
Câu chuyện buồn của những ông chủ làm du lịch chưa dừng lại ở đó. Nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Chung (khách sạn Chung Châu, phường Trung Sơn) đã vay vốn ngân hàng 4 tỷ đồng xây dựng khách sạn với hơn 20 phòng để làm dịch vụ. Hai năm liên tiếp dịch bệnh bùng phát, khách du lịch vắng vẻ đã khiến những người làm dịch vụ như bà lao đao.
“Khách không có, mỗi tháng trả lãi ngân hàng 40 triệu đồng khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Phải nói là hai mùa du lịch gần đây, chẳng để dư ra được đồng nào. Như năm ngoái lác đác một thời gian cũng chỉ đủ để trả nợ ngân hàng, sang năm nay nếu cứ thế này thì cũng rất khó khăn”, bà Chung thở dài.
Không có khách du lịch, khách sạn đìu hiu, hàng loạt dịch vụ “ăn theo” cũng ế ẩm. Dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương, nếu như thời điểm này những năm trước, nhân viên các nhà hàng “vắt chân lên cổ” chạy bàn phục vụ khách thì năm nay, hầu hết rơi vào tình trạng thấp thỏm ngóng khách.
Vắng khách ghé ăn, nhiều nhà hàng đã phải cắt giảm số lượng nhân viên phục vụ, thậm chí cho nghỉ việc toàn bộ.
Không chỉ thế, nhiều nhà hàng còn rơi vào thế đắn đo về việc mua hải sản, nhập hàng. “Nhập hàng về mà không có khách cũng dở, không nhập hàng về nhỡ có khách đến thì không kịp đáp ứng nhu cầu.
Có thời điểm chúng tôi phải bán tháo số hàng mới nhập về vì nếu để quá lâu, hải sản sẽ không còn ngon”, anh Hùng chủ nhà hàng tại Sầm Sơn chia sẻ.
(Theo Dân Trí)
Nguồn: Vietnamnet.vn