Việt Nam đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, nhiều điểm du lịch có nguy cơ biến mất do mưa lũ và thời tiết cực đoan.
Trong diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26) đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Du lịch là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu bởi hầu hết hoạt động khai thác du lịch của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động lữ hành và đặc biệt là tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch.
Nước ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, mang lại thế mạnh về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Ước tính nếu nước biển dâng một mét thì 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động và không ít bãi biển đẹp của Việt Nam sẽ biến mất.
Ngoài ra, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hoá, tài nguyên du lịch đặc biệt cho du lịch. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão lũ cường độ mạnh, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm.
Chùa Cầu, Hội An có nguy cơ ngập sâu trong nước khi lũ về. Ảnh: Đức Đồng. |
Ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu là khu du lịch Khai Long (Cà Mau) đã phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Khu du lịch Ana Mandara (Huế) đang chịu tác động mạnh từ nước biển dâng. Phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị sạt lở và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng sạt lở, mặn xâm nhập ngày càng phức tạp và ảnh hưởng trên diện rộng. Trong vài năm trở lại đây, mùa nước nổi đặc trưng của du lịch miền Tây cũng không còn theo chu kỳ.
Không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến du lịch miền núi. Nhiều thác nước nổi tiếng của khu vực Tây Nguyên liên tục bị khô hạn, cạn nước do thay đổi của thời tiết.
Các di sản văn hoá vật chất và phi vật thể cũng bị ảnh hưởng như: Quần thể di tích kiến trúc Huế, phố cổ Hội An, nhà vườn Huế, hệ thống đền – tháp Chăm ở miền Trung. Những di sản này hàng năm phải đón nhận các trận mưa, bão gây ngập lụt. Nhiều công trình kiến trúc bị mối mọt, nấm mốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do hiện tượng thời tiết cực đoan.
Thực tế, du lịch là ngành bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu trên nhiều phương diện, từ tài nguyên thiên nhiên, đến di sản văn hoá, hạ tầng và cả môi trường du lịch.
Biến đổi khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu
Biến đổi khí hậu không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều điểm đến, công trình kiến trúc nổi tiếng có nguy cơ biến mất do nước biển dâng, trái đất nóng lên.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng, những hòn đảo tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu. Các đảo quốc như Maldives hay Tuvalu sẽ không thể ở được vào năm 2050, đảo Kiribati được dự báo sẽ hoàn toàn biến mất dưới mực nước biển vào năm 2100.
Nghiên cứu từ Viện Địa lý và Khoa học núi lửa quốc gia Italy dự báo mực nước biển tại đây sẽ tăng khoảng 1,5 m vào cuối thế kỷ 21. Với mực nước biển dâng lên nhanh chóng, Venice bị lụt trung bình 100 lần mỗi năm và có nguy cơ chìm hoàn toàn vào thế kỷ tới.
Du khách vác hành lý lội qua dòng nước tại thành phố Venice. Ảnh: AFP. |
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng dự đoán 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập trong vòng 12 năm tới do nước biển dâng cao và mưa lũ thất thường.
Dưới tác động của thời tiết và con người, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc cũng đang dần biến mất. Hiện chưa đầy 10% Tường Thành được coi là còn nguyên vẹn, trong khi 30% đã biến mất. Nhiều phần tường bị xói mòn do thời tiết. Cây mọc bám rễ trên tường thành cũng khiến nhiều đoạn rơi vào cảnh đổ nát.
Để tránh những bi kịch xấu nhất có thể xảy ra với kỳ quan thế giới cổ đại này, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra luật cấm người dân không được cạy gạch trên tường thành để sử dụng hoặc bán. Họ cũng khuyến khích các địa phương đưa trường thành vào khai thác du lịch, từ đó có thêm kinh phí để bảo vệ di sản này trước sự tàn phá của thiên nhiên.
Còn ở Italy, để tránh việc Venice bị phá hủy, chính phủ nước này đã chi 8 tỷ USD để xây dựng đê chắn sóng. Những con đê nổi linh hoạt này chỉ được sử dụng vài giờ khi nước biển dâng cao giúp nước vẫn lưu thông bình thường giữa đầm và biển Adriatic nên hệ sinh thái tại đây gần như không bị ảnh hưởng.
Hà Lan, nơi có 27% diện tích thấp hơn mực nước biển lại thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các dự án “Room for the river”. Các giải pháp của dự án này bao gồm: nạo vét lòng sông, bờ sông, dời đê ra xa bờ sông, mở thêm đường kênh song song sông, gỡ bỏ những vật cản nước chảy, tăng hoặc giảm chiều cao đê, gia cố đê, đặt trạm bơm… Mô hình này từng được truyền thông Anh, Mỹ, Singapore… đánh giá rất cao.
Ở Tokyo, ba con sông Tone, Are và Edo luôn là nỗi khiếp sợ của người Nhật mỗi khi mùa mưa lũ tới. Khu vực này là vùng ngập lụt nổi tiếng của Nhật Bản do tuyết tan và mưa lớn từ nhiều nơi đổ về. Từ năm 1993, Chính phủ Nhật quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị. Dự án mất 13 năm để hoàn thành với kinh phí 3 tỷ USD.
Công trình này không chỉ giải quyết được tình trạng ngập lụt của Tokyo mà còn được du khách khắp nơi trên thế giới biết đến với tên gọi “Điện Pantheon dưới lòng đất”. Ngoài thời gian chống lũ, một vài đoạn trong hệ thống thoát nước này trở thành địa chỉ tham quan du lịch.
Như vậy, mẫu số chung của các nước lớn trên thế giới là thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Du lịch Việt Nam trước làn sóng biến đổi khí hậu
Phát biểu tại “Hội nghị đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu” hồi đầu tháng 10/2018. Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách để mỗi địa phương có thể chủ động trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điển hình như dự án xây kè bảo vệ phố cổ Hội An (Quảng Nam). Công trình nằm trong danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài việc bảo vệ phố cổ trước nguy cơ sạt lở, công trình còn kết hợp nạo vét lòng sông, tạo cảnh quan môi trường sinh thái thân thiện cho phố cổ Hội An.
Để bảo vệ di tích, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế).
Ở các tỉnh miền Tây còn có thêm các tour du lịch biến đổi khí hậu. Du khách sẽ được đưa đến những nơi đã và đang phải chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu như: tình trạng sạt lở, mất rừng phòng hộ ở huyện Thạnh Phú; xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở chợ Lách, các huyện Ba Tri, Bình Đại…
UBND TP Cần Thơ cũng đã ký hết hồi tháng 3 với Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) cùng một số đơn vị để hợp tác tư vấn chiến lược, và triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu” tại đây.
“Kế hoạch phát triển du lịch tổng thể này đảm bảo các khoản đầu tư sẽ được sử dụng nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hỗ trợ người dân địa phương trong thời gian dài”, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Novaland nói.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân là mục tiêu hướng đến của dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”. |
Ước tính ban đầu từ BCG cho thấy có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025. Dự án sẽ sử dụng các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất toàn cầu để đảm bảo tính bền vững, qua đó bảo tồn và nuôi dưỡng các tài nguyên văn hoá then chốt ở đồng bằng sông Cửu Long như chợ nổi, các cộng đồng bên sông và văn hóa sống địa phương.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM việc xây dựng hệ thống cấp thoát nước, kêu gọi người dân chung tay trong việc bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu được coi là ưu tiên hàng đầu.
Ở quy mô quốc gia, “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” trở thành một trong những đề án quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nguồn: Vnexpress.net