Sống chậm nơi thiên đường Bhutan

0
17
Sắc áo đỏ mê hoặc của các nhà sư ở Bhutan

Tim đập chân run, một cảm giác lạ lẫm khi chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến bay thẳng) của Vietravel chao liệng vài vòng, núi sát cửa sổ, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Paro của Bhutan sau hơn 3 giờ bay từ TP.HCM.

Sắc áo đỏ mê hoặc của các nhà sư ở BhutanSắc áo đỏ mê hoặc của các nhà sư ở Bhutan

 Bhutan yên bình, “thiên đường cuối cùng” từ từ mở ra trước mắt.
Trời xanh thẳm, núi trắng mây
Hạ cánh rồi mới biết mình vừa cùng 126 hành khách Việt đáp xuống một trong những sân bay khó đáp và nguy hiểm nhất thế giới. Sân bay Paro nằm ở độ cao 5.500 m ở một thung lũng dốc, bao quanh là các đỉnh núi, thuộc dãy Himalaya. Ở đây thường xuất hiện các luồng gió nghịch hút qua các khe núi, điều này thực sự là thách thức với các phi công. Hiện trên thế giới chỉ có 16 phi công được phép cất và hạ cánh tại sân bay này.
Gọi là sân bay quốc tế nhưng Paro rất nhỏ bé, chỉ duy nhất 1 cửa ra máy bay, duy nhất 1 đường băng ngắn, khai thác máy bay hiện đại nhất là Airbus A319 khoảng hơn 100 hành khách. Sân bay có 4 quầy làm thủ tục đều được thiết kế từ gỗ với các hoa văn đậm sắc màu Bhutan. Khách đến và đi cứ tung tẩy kéo va li từ nhà ga leo thẳng lên tàu bay không cần xe trung chuyển, ống dẫn khách. Một cảm giác thật thanh thản khi bước bộ ra đường băng vừa ngắm trời xanh thẳm và những dãy núi phủ mây bồng bềnh xung quanh sân bay.
Ấn tượng đầu tiên quá sốc và bù lại chúng tôi gặp một nụ cười xinh tươi, đôi mắt sáng của một cô gái trong trang phục kira của người Bhutan ra đón. Khi cô ấy véo von: “Em là Hà, những ngày bên này các anh chị cần gì cứ gọi em”, mới biết cô ấy là người Việt, đại diện Công ty Bhutan Excursions, đối tác duy nhất được chính phủ Bhutan cho phép hoạt động du lịch tại đây.

Sống chậm nơi thiên đường1

Nơi bình yên như cổ tích


Xứ sở gì mà trời mây thăm thẳm, xen giữa sắc xanh bạt ngàn của rừng đại ngàn là những lá cờ nguyện với những câu chú nhà Phật và những sắc áo đỏ thắm của các nhà sư như quyện vào nhau ảo diệu và rực rỡ, bình an và thanh thản như muốn tìm quên.

Bhutan, đất nước nhỏ bé 700.000 dân nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ, kẹp giữa hai ông khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Nghe và đọc nhiều về Bhutan, về sự hạnh phúc, bình yên; về một đất nước Phật giáo coi trọng sự tử tế và thân thiện; về một đất nước cam kết không thải hiệu ứng nhà kính với 72% diện tích đất nước là rừng nguyên sinh… Đến đây mọi cảm nhận thật rõ ràng. Người dân được chăm lo hoàn toàn miễn phí cả y tế và giáo dục. Thủy điện dồi dào, tạo nguồn thu lớn cho đất nước nên người dân được sử dụng miễn phí. Thật có lý như lời ông Thủ tướng Tshering Tobgay, khi được dùng điện miễn phí dân sẽ không khai thác rừng sinh sống, sưởi ấm.
Ở Bhutan cái cây, con chó, con mèo cũng thật sung sướng vì được tôn trọng, được sống cuộc đời tự nhiên như vốn có, không bị ai quấy rầy. Trên đường di chuyển trên những cung đường núi uốn lượn như tranh, anh tài xế Bhutan mặc bộ gho trang phục truyền thống như cái váy, mồm bỏm bẻm nhai trầu đỏ choét thi thoảng lại la to bằng tiếng Anh: Monkey, monkey… Thì ra các bạn khỉ từ trong rừng ra ven đường ngồi chơi phơi nắng, xem ô tô qua lại rất hồn nhiên và dạn dĩ. Chặt cây bắt cá là vi phạm pháp luật, không được nhập và sử dụng bất kỳ một loại phân hóa học hay thuốc trừ sâu cho nông nghiệp và người dân chủ yếu ăn chay niệm Phật.
Vào chợ địa phương toàn thấy quầy rau, củ, quả 100% organic. Bà con vừa bán hàng vừa hát múa, nói cười rổn rảng chả thấy hàng thịt cá. Tìm hiểu thì được biết người Bhutan không trực tiếp giết mổ gia súc mà thuê người Ấn Độ làm và thịt cá chỉ bán trong vài cửa hàng nhất định. Một điều khá là thú vị, Bhutan không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, không giao thương với ông bạn láng giềng này. Thủ đô Thimphu chỉ có 2 cơ quan ngoại giao là Ấn Độ và Bangladesh. Vì lẽ đó mà chuyến hành hương của chúng tôi cũng không hề gặp những vị khách phương bắc ồn ào, dày đặc như các điểm du lịch khác trên thế giới.
Tôi nhớ mãi chuyến leo bộ 8 tiếng với gần 20.000 bước chân, 12 km đường núi hiểm trở để lên thánh địa Bhutan – tu viện Tiger’s Nest, địa điểm check in nổi tiếng của khách du lịch mà vẫn tĩnh lặng, bình yên như từ vài thế kỷ nay nơi này vốn thế.

Sống chậm nơi thiên đường2

Chiêm nghiệm lại mình
Trên đường đến Chimmi Lhakhang, tu viện cổ được ví như “Niềm tin của sự sinh nở”, đi qua một ngôi làng độc đáo mấy anh hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi xem những hình vẽ trên tường nhà dân toàn là của quý của đàn ông được vẽ màu mè rực rỡ và ở tư thế đầy kiêu hãnh.
Thì ra ở đây có truyền thuyết về một vị Phật đã đánh bại con quỷ hùng mạnh và ban phước cho vùng đất bằng thứ vũ khí tối thượng của ông ấy. Có cả ngôi đền thờ vị Phật này, thứ mà vị Phật dùng để đánh quỷ giờ đang được làm biểu tượng khắp làng. Các cửa hàng lưu niệm đầy đủ các thể loại kích cỡ, màu sắc, cái treo, cái đứng, cái làm móc chìa khóa, cái đeo cổ… Đa số du khách Việt giống tôi tần ngần xem, muốn mua về làm kỷ niệm như một dấu ấn văn hóa của một vùng đất nhưng rồi lại đặt xuống.

Ở Bhutan, phụ nữ có thể lấy nhiều chồng nhưng chỉ có ông chồng đầu tiên có giấy tờ hôn thú. Đây là nét rất độc đáo vì vai trò phụ nữ ở đây rất quan trọng trong gia đình. Đàn ông lấy vợ có thể đến ở rể, vì lý do gì chia tay nhau phải đền tiền cho phụ nữ, nghe đến đây mấy chị em Việt đùa nhau hỏi thủ tục để sang Bhutan thế nào. Mặc dù Bhutan chuyện hôn nhân thường không có đám cưới, ưng thì về ở cùng nhau nên cũng không có ly dị, nhưng chính phủ có cả một bộ gọi là Bộ Hạnh phúc để đưa ra những quy tắc đảm bảo hạnh phúc gia đình và người dân hài lòng về điều đó.
Chuyện lập gia đình với người nước ngoài ở Bhutan còn khó khăn hơn nữa. Phải qua phỏng vấn cực kỳ khó khăn vì Bhutan luôn muốn khép kín, đặc biệt không muốn sự pha trộn về văn hóa và tôn giáo. Kể cả đã kết hôn, bạn cũng không được nhập quốc tịch Bhutan mà chỉ cấp visa hằng năm.
Vì lẽ đó mà có lẽ Hà là cô dâu Việt duy nhất ở Bhutan mà tôi gặp. Cô ấy đã yêu và hòa nhập với vùng đất này và hiện đang có một nhà hàng VN, quản lý một công ty du lịch làm cầu nối rất tốt cho việc đón du khách Việt đến với xứ sở kỳ thú.
Cho đến tận khi về đến Hà Nội, liên lạc với Hà vẫn thấy bà chủ đang véo von bận rộn nấu món ăn chay đón các nhà sư đến thưởng thức tại nhà hàng. Món ăn từ nấm phật Masutake và ớt xanh kem bơ tươi với mùi vị đặc trưng cay cay, nồng và ngậy của Bhutan qua bàn tay cô gái Việt trở nên thật hấp dẫn.

Những ngày ở Bhutan, sống chậm giữa mây trời bồng bềnh bay ngang cửa sổ, nghe dòng sông trong vắt ì ầm chảy, nhâm nhi chai bia Red Panda, ngắm những người dân Bhutan tay quay kinh luân, khuôn mặt hiền hòa hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống để thấy cuộc sống mình đang sống cần được sắp xếp lại như thế nào. Hít thở thật sâu để chiêm nghiệm mình đang tìm kiếm điều gì giữa cuộc đời này.
Bhutan, tháng 9.2018

Nguồn: Thanhnien.vn