Nấm tràm được người dân Phú Quốc nâng niu bởi vòng đời của nó quá ngắn, mưa ít khó mọc, mưa nhiều khó sống. Vì điều đặc biệt đó, chúng tôi quyết băng rừng tìm nấm để trải nghiệm cảm giác đi tìm của hiếm.
Chui rừng sâu đi tìm cây nấm
Khách ở xa có dịp đến thăm Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn thường nghe người dân nơi đây tự hào ca ngợi về món ăn đặc sản của vùng này là canh nấm tràm, mà ít ai biết được cái nghề hái nấm tràm lắm công phu.
Tràm thì nhiều nơi có nhưng không phải rừng tràm nào cũng có nấm. Có lẽ thiên nhiên ưu ái cho người dân nơi đây, vì khí hậu và thổ nhưỡng của Phú Quốc rất thích hợp cho nấm tràm sinh sôi. Khi thời tiết đang hanh khô, trời bỗng chuyển mưa liên tục vài ngày đủ thấm ướt vùng đất có cây tràm sinh sống, đặc biệt với kiểu thời tiết đêm mưa ngày nắng, là lúc thuận lợi cho những búp nấm tràm tím thẫm đội lớp lá nhô lên.
Nấm tràm thường mọc ở những khu rừng tràm nước hoặc tràm bông vàng, vùng đất ẩm thấp có lớp lá không quá dày, lá tràm rụng che gần kín mặt đất, chỉ cần cầm một cành cây cào nhẹ lớp lá sẽ phát hiện những búp nấm đang nấp bên dưới.
Có khi chúng mọc rải rác từng búp, lúc lại mọc từng chùm trong gốc cây, trong lùm cỏ um tùm. Nếu không ai phát hiện và nhổ, những búp nấm sẽ bắt đầu bung mũ và nở to ra, màu tím nhạt dần.
Khí hậu và thổ nhưỡng của Phú Quốc rất thích hợp cho nấm tràm sinh sôi |
Từ lúc mới nhú khỏi mặt đất, nấm chỉ sống được 1 – 2 ngày, nên sau đợt mưa là người dân phải tranh thủ đi hái để không phải bỏ lỡ món quà tuyệt vời của thiên nhiên. Gặp dịp nghỉ dài ngày, trong khi thiên hạ đưa nhau đi chơi, nhóm bạn chúng tôi lại rủ nhau đi trải nghiệm chuyến hái nấm tràm đầy gian khổ nhưng vô cùng thú vị.
Mất dấu người săn nấm nên ‘hú’ nhau để khỏi lạc
Dân săn nấm tràm thường đi vào tờ mờ sáng, đến khi mặt trời lên cao thì lần lượt rời khỏi rừng mang theo chiến lợi phẩm là từng giỏ nấm trĩu tay. 5 giờ sáng, cả đội chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn.
Thành quả sau nửa ngày băng rừng tìm nấm |
Buổi sáng mùa này khí trời se lạnh, trên đường hãy còn tối tù mù, chúng tôi chở nhau trên những chiếc xe gắn máy bật đèn pha, áo khoác găng tay phủ kín vẫn còn thấy lạnh nhưng trong lòng ai cũng đầy háo hức. Mỗi người tự mang gói xôi hay ổ bánh mì lót dạ, tay cầm 1 thanh sắt có móc để cào lá khô, tay mang túi giấy, túi ni lông hoặc giỏ nhựa để đựng nấm.
Chạy chừng 10 km thì đến những khu rừng tràm, đường hẹp lại và rất khó đi, băng qua những con đường cát lún, sình lầy xe không thể đi được nữa. Chúng tôi bỏ xe lại, bắt đầu lội bộ vào những vạt rừng gần đường, tìm kiếm dấu hiệu có mặt của nấm. Sau một hồi vạch lá tìm tòi, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì.
Kế hoạch thứ hai được áp dụng: đoán người dân địa phương nào có bộ dạng như người đang đi hái nấm để đi theo. Nhưng dân địa phương cũng không muốn dẫn đường cho chúng tôi nên họ đi rất nhanh. Kết quả là chúng tôi bị mất dấu. Lại phải tự xoay xở, lần theo tiếng hú của người đi rừng, vượt suối, lội sâu vào rừng tràm bạt ngàn, tìm vùng đất ẩm.
Cuối cùng cũng tìm thấy vùng có nấm, cả hội chia nhau ra nhưng thỉnh thoảng lại hú gọi nhau cho khỏi lạc. Mỗi lúc tìm được một chùm nấm đẹp là lại reo lên vui mừng, cảm giác mừng như bắt được vàng, í ới gọi nhau đến xem, lấy điện thoại ra chụp hình rồi nâng niu nhổ cả cụm cho vào giỏ.
Đi một lát thấy im ắng là lại hú đến khi nghe cả nhóm đáp trả đầy đủ mới thôi. Nghĩ cũng thấy vui, dân địa phương họ đi hái nấm rất im lặng sợ người khác nghe tiếng, còn chúng tôi mỗi khi thấy nấm lại reo lên.
Săn nấm tràm, khi phát hiện 1 cây nấm, nên ngồi xuống dùng móc cào lá xung quanh, móc trong các gốc cây gần đó, vì nấm thường mọc gần nhau, có khi cả vạt đất toàn nấm, nấm mọc thành từng chùm, nấm mọc riêng từng cây, nấm nở có, nấm búp có… Gặp được vài vạt nấm là rất mau đầy giỏ.
Nấm tràm sau khi luộc với muối để chuẩn bị chế biến món ăn |
Những cái nấm màu tím thẫm dễ lẫn với màu lá sẫm của cây tràm nên cũng phải tinh mắt lắm mới phát hiện ra. Cảm giác dùng tay chạm vào cây nấm mềm mềm rất mát thật khó diễn tả. Những cây nấm bé tí cũng khiến cho người ta có cảm giác thành tựu…
Hái được kha khá rồi chị em bắt đầu thấm mệt, kiếm chỗ trống ngồi nghỉ và khoe thành tích. Mỗi đứa rút ra kinh nghiệm để tìm thấy nhiều nấm, cũng không quên suy nghĩ về những ý tưởng chưa có trong thực tế như: làm sao chế tạo ra đèn pin phát hiện nấm tràm, rọi đến cây nấm là thấy nấm phát sáng hoặc cách nào để nuôi cấy meo nấm tràm trồng đại trà nhân giống rộng rãi cả Phú Quốc để không cần lặn lội trong rừng sâu hái nữa…
Mưa ít khó mọc, mưa nhiều khó sống
Đến khi mặt trời lên cao thì mỗi đứa cũng được lưng giỏ, cảm thấy phấn khởi quên cái đau bị gai cào tay chân, quên cả đôi chân mỏi mệt vì lội suối băng rừng. Cả đội dẫn nhau về, lại lần mò tìm kiếm đường ra giữa rừng tràm bạt ngàn và những con đường mòn chằng chịt.
Sau khi quay ra khỏi rừng nhìn lại, không rõ liệu khi quay trở lại đây một lần nữa, chúng tôi có còn nhớ hành trình mình đã đi qua hay không.
Nấm hái về xong phải qua thêm một khâu làm sạch hết sức công phu: phải cạo lớp bẩn quanh thân nấm, cắt bỏ phần chân, sau đó rửa lại nhiều lần cho sạch rồi luộc qua với muối. Xong rồi có thể chế biến ăn ngay hoặc trữ trong tủ mát được cả tuần, nếu muốn để lâu thì để đông cũng được. Có mùa nấm nhiều, ăn không hết, người ta vẫn thường đông đá để ăn quanh năm. Thế nhưng nấm sau khi đông đá sẽ bớt giòn ngọt so với nấm mới nhổ.
Canh nấm tràm có thể nấu với gà, nấu với thịt bằm hoặc hải sản, đánh thêm ít trứng làm mặt vừa béo vừa đẹp, múc ra tô thêm hành ngò và ít tiêu xay, ăn kèm với cơm hoặc ăn riêng như món súp. Món ăn vừa thanh nhiệt giải độc, vừa có vị đăng đắng rất đặc trưng. Ai ăn canh xong chớ nên uống nước ngay, vì vị đắng thanh thanh sẽ càng tăng lên rất đậm.
Trước giờ, chúng tôi chỉ quen mua nấm tràm ở chợ, người không có cân thì đong từng chén hoặc tô. Lần đầu tiên đi hái nấm tràm mới biết được để ra cái tô cái chén ấy, bà con phải bỏ ra không ít công sức.
Mỗi cây nấm tràm được người dân Phú Quốc nâng niu trân trọng cũng bởi vì vòng đời của nó quá ngắn, mưa ít khó mọc, mưa nhiều lại khó sống. Nó như một của hiếm mà trời chỉ ban phát cho những người có duyên kỳ ngộ.
Nguồn: Thanhnien.vn