“Phở Dậu nếu chịu được thì thấy ngon ngay, còn không, ăn đến lần thứ mười mà vẫn chẳng thấy ngon thì đừng bao giờ cố ăn nữa”.
Tôi bắt chuyến xe đêm từ Đà Lạt về Sài Gòn, đến cửa ngõ Hàng Xanh khoảng gần 6h sáng, đường phố còn vắng vẻ, vẫy đại một bác xe ôm truyền thống, thì thào cái địa chỉ đã thuộc nằm lòng: “Hẻm 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa”.
Con hẻm nhỏ này chứa đựng một điều tự hào của phở Sài Gòn. Người ta gọi nó là phở cư xá 288 theo tên con hẻm, là phở Cây Trứng Cá vì khi mới mở, trước quán có một cây trứng cá song đơn giản nhất là phở Dậu – tên bà chủ quán xưa.
Quán phở Dậu đã có thâm niên hơn 50 năm. Ảnh: Parsley. |
Đó là địa chỉ mà tôi từng ghé 3 lần trước đó nhưng đành thất vọng ra về vì vô duyên. Lần thì muộn quá vì quán chỉ bán buổi sáng, lần thì nghỉ Tết, lần thì cửa đóng then cài không lý do. Đi ăn phở mà còn khổ hơn Lưu Bị đi cầu Khổng Minh. Lần này, trời quả không phụ người có tâm , quán mở cửa. Mới chỉ hơn 6 giờ đã có khoảng gần 20 thực khách. Đến đây thấy lạ bởi người ta ăn phở yên lặng, nói năng nhỏ nhẹ và thanh nhã, khác hẳn cái không khí quán xá rộn rảng, náo nhiệt ở khắp nơi trong này.
Phở Dậu nằm gọn trong một căn cư xá, không gian quán rất bình dị, sạch sẽ. Bước chân vào quán, đập ngay vào mắt một tấm biển yêu cầu thực khách phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để không làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Quá hay, phở là thứ món ăn cần tập trung vào ăn, không nên tám chuyện, thế mới tận hưởng được cái ngon của phở. Càng im lặng càng tốt.
Một gợi ý cho những người muốn thử phở Dậu là hãy gọi một tô chín nạm hoặc tái vè cho lần ăn đầu tiên. Miếng vè nằm ở phần bụng phía sau con bò, vừa có mỡ, vừa có gân nên ăn giòn giòn, đậm đà sướng miệng. Chỉ khoảng 5 phút sau khi gọi, một tô phở bốc khói nghi ngút, thơm ngào ngạt đã được đặt nhẹ nhàng trước mặt.
Tô phở có nước dùng trong và vàng nhẹ như hổ phách, toả mùi thơm khó cưỡng của chất tuỷ tiết ra từ xương ống bò hầm. Bánh phở bản nhỏ, mềm nhưng có độ dai vừa đủ. Miếng vè thái mỏng, chần vừa đủ độ chín, lớp mỡ viền màu ngà quanh miếng thịt hồng, trông chỉ muốn cắn ngay cho thoả cơn thèm. Một chút dọc hành và cọng mùi xắt ngắn rắc trên cùng, bị nước phở nóng ép cho ra hết những tinh dầu chứa đựng bên trong, tạo nên mùi hương dễ chịu.
Phở Dậu không phục vụ những thứ rau ăn kèm như giá đỗ sống, rau mùi tàu (ngò gai), húng chó như các quán khác, chỉ có một chút hành tây mà thôi. Đây là điều kỳ lạ nhất đối với một thứ phở mang danh Sài Gòn. Ở đây cũng chẳng thấy sự hiện diện của chai tương mà thay vào đó là vịt nước mắm, hơi đặc biệt đối với lối ăn phở của người Sài Gòn.
Đó cũng chính là điều khiến nhiều người không thể cảm nhận được cái ngon của phở Dậu khi ăn lần đầu tiên. Bởi khẩu vị và phong cách ăn phở của họ hoàn toàn khác biệt. Họ muốn bỏ một đống rau thơm đủ loại vào, rưới nước tương, vắt miếng chanh và trộn đều như một món trộn và ngồi ăn ngon lành đúng kiểu chuẩn mực phở. Thế nên, khi gặp phải thứ phở nói không với rau sống thì họ thấy “không hạp”, ăn lần thứ nhất “không hạp”, ăn lần thứ năm cũng “không hạp”, và đến lần thứ mười cũng “không hạp nốt”.
Khám phá bằng mắt, mũi rồi giờ đến phần của miệng lưỡi. Húp thìa nước đầu tiên, cảm nhận ngay là rất ổn. Ngọt, thanh và đậm vị bò tuy nhiên hơi nhạt vì đây là những tô phở sớm nhất của buổi bán. Người đàn ông ngồi bàn bên cạnh còn yêu cầu thêm một chén nước tiết để húp. Cứ tưởng thứ nước đó liên quan gì đến máu bò, hoá ra không phải. Nước tiết chính là nước cốt của xương bò hầm, dạng nước cốt gà vậy, rất ngọt và ngậy, chỉ cần húp một chén nhỏ là sức lực tràn trề. Chén nước tiết của phở Dậu cũng là một thứ đặc sắc nên thử. Không chỉ nước dùng ổn mà cả thịt và bánh cũng ổn. Ngon, công sức bao lần rình mò đi ăn phở Dậu đã được đền bù xứng đáng.
Có người từng nói thứ phở lừng danh ở đây ăn một lần là thấy ngon ngay, còn phải cố để thấy nó ngon như lời đồn thì dù có ăn 10 lần mà vẫn không thấy ngon thì đừng bao giờ ăn nữa.
Phở Dậu mang đậm phong cách phở Bắc. Ảnh: Parsley |
Tìm hiểu nguồn gốc của phở Dậu, bà chủ tên Dậu, người khai sinh ra quán phở này là một phụ nữ người Nam Định, di cư vào Sài Gòn từ cuối thập niên 1950. Không rõ bà Dậu có liên quan gì với làng phở Giao Cù nổi tiếng hay không, nhưng chắc chắn bà nắm vững tinh hoa của lối nấu phở Bắc.
Phở Dậu mang đậm phong cách phở Nam Định, chỉ khác lối bánh phở nhỏ chứ không to bản như nguyên gốc. Còn lại quy tắc ninh xương ống bò, dùng nước mắm để nêm nếm, không dùng nước tương, chỉ sử dụng hành hoa và mùi làm rau gia vị, tuyệt đối không chấp nhận giá sống, húng quế, mùi tàu – ngoại trừ chút hành tây – là tuân thủ đúng lối nấu phở Bắc.
Ông Nguyễn Cao Kỳ mê phở Dậu như điếu đổ từ khi còn tung hoành khắp Sài Gòn cho đến khi sắp “gần đất xa trời”. Có lẽ đó là vị khách hàng đặc biệt của phở Dậu, đem lại những câu chuyện mang tính huyền thoại cho thương hiệu phở Dậu. Nhưng giá trị của phở Dậu còn nằm ở việc quyết giữ truyền thống. Dẫu bà Dậu không còn, nhưng phở Dậu không vì thế đánh mất đi linh hồn và bản sắc. Bát phở Dậu hôm nay vẫn giống bát phở Dậu của 50 năm trước, về cách nấu và cách ăn. Bát phở đó như tên của bà Dậu vậy, rặt chất Bắc.
Một giá trị mềm nhưng bất biến khác của phở Dậu là chữ tình. Khách đến đây dù lần đầu hay lần thứ 1.001 đều được đối xử như nhau. Khách quen cứ đến và ngồi chỗ ngồi quen, chủ quán sẽ bưng đến tô phở đúng ý. Không cần phải lớn giọng gọi, cứ nhẹ nhàng như tri kỷ, tri âm. Ăn phở ở đây không chỉ là ăn phở mà “ăn” cả một vùng văn hoá. Dẫu giữa khách hàng và chủ quán có vật trung gian là tiền, thế nhưng, ăn ở phở Dậu cứ như ăn ở một chốn nào đó thân thuộc và gần gũi.
Những những giá trị văn hoá như thế đã làm nên một phở Dậu giản dị giữa lòng ngõ nhỏ mà “hữu khách tầm”.
Theo Ngôi Sao
Nguồn: Vnexpress.net