Nhắc đến Sài Gòn, người ta hình dung ngay một phố thị phồn hoa lúc nào cũng nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Nhắc đến Đà Lạt, người ta nhớ về làn mây mờ trắng buốt lảng bảng quanh núi đồi, nhẹ nhàng buông mình trên các cánh rừng thông đầy ma mị. Và nhắc đến Huế, người ta mơ tưởng về vùng đất mộng mơ, có chút dịu dàng và trầm mặc, đem đến cho người thương cảm giác bình yên khó tả. Chẳng hiểu sao, mỗi lần đặt chân đến đất Huế, trái tim dường như được vun vén những thương yêu, dâng đầy bao cảm xúc ngọt ngào, như thể đang bị thôi miên vậy. Cho ai đã, đang và sẽ gửi tâm tình vào xứ Huế 10 mảnh ghép dễ thương vẽ nên hồn thơ cố đô để tự đi tìm một góc trời cho riêng mình.
Có những mảnh ghép dễ thương vẽ nên hồn thơ xứ Huế – Ảnh: @_phankhu_
SÔNG HƯƠNG THUYỀN TRÔI LỮNG LỜ
Không dài thênh thang, không rộng mênh mông nhưng ở sông Hương, người ta luôn nhận ra sự êm ả hiền hòa của làn nước trong xanh lững lờ trôi suốt cả bốn mùa, lúc nào cũng mộng thơ. Sông Hương làm bước chân người lữ khách chẳng thể làm ngơ, cứ đứng ngắm nghía thật lâu mà chẳng chán. Trên chiếc thuyền con con nho nhỏ, sông Hương đưa du khách ngang qua khu vườn Vỹ Dạ xanh mướt, ngược lên nghe tiếng chuông chùa đang văng vẳng ở Thiên Mụ rồi phiêu diêu ngân nga cùng mây trời ở bến Huyền Không.
Sông Hương nước chảy – Ảnh: @khongai156
Lững lờ thuyền trôi – Ảnh: Tuấn Lộc Lê
NÚI NGỰ BÌNH RÉO RẮT THÔNG REO
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình cũng là một trong những biểu tượng của đất Huế. Núi cao chừng 105m, mang dáng vẻ của một người đang trầm tư suy nghĩ, mắt xa xăm thưởng thức bức tranh mộng mơ được ghép bởi sông Hương uốn lượn, những ngôi thành ẩn mình giữa màu xanh của rừng cây và cả bãi biển Thuận An cát trắng ở phía xa tít. Vì núi không quá cao nên không chỉ có khách du lịch Huế mà ngay cả người địa phương cũng thích thú lên núi Ngự tản bộ, thả mình vào không gian mát lành và nghe thông reo réo rắt để buông bỏ hết mọi muộn phiền.
Đây sông Hương, kia núi Ngự – Ảnh: @DUNG BUI HUU
Bức tranh đẹp nao lòng người – Ảnh: @hiepkabu
Xem thêm: Các khách sạn tại Thừa Thiên Huế
KINH THÀNH HUẾ – DẤU ẤN VÀNG SON MỘT THỜI NHÀ NGUYỄN
Kinh thành Huế nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, điểm dừng chân đem lại nhiều trải nghiệm cho khách du lịch về giá trị văn hóa, lịch sử và cả kiến trúc thời xưa. Kinh thành Huế được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1805 nhưng mãi đến năm 1832 thời vua Minh Mạng mới hoàn thành. Kiến trúc ở Đại Nội bao gồm Hoang Thành và Tử Cấm Thành hòa lẫn nền văn hóa của Việt và Pháp, đem lại sự tinh tế không kém phần nghiêm trang. Đến Kinh thành Huế, đi qua từng góc nhỏ, du khách như quay ngược thời gian gần 200 năm trước, nhận ra những dấu ấn vàng son thuở xưa từng được biết qua sử sách.
Thời gian như quay ngược ở Kinh thành Huế – Ảnh: @sonhaaaaa
Khoảnh khắc ma mị trong đêm – Ảnh: @myl_truong
VỊNH LĂNG CÔ – TỪNG HƠI THỞ ĐỀU KHIẾN NGƯỜI TA SAY LÒNG
Vịnh Lăng Cô đẹp duyên dáng và bình yên ngay từ góc nhìn trên đèo Hải Vân, để khi đến gần hơn, hương vị thanh khiết của biển và nồng nàn của gió cứ thế xộc thẳng vào mũi, làm người ta ngơ ngẩn bật cười không lý do. Lăng Cô để lại ấn tượng trong lòng khách du lịch Huế bởi màu nước xanh lơ của biển, bờ cát vàng mịn màng lấp lánh dưới nắng và cả những ngôi nhà đỏ nổi bật giữa nền trời. Lăng Cô cứ mãi xinh đẹp, phóng khoáng và ngọt ngào như cái tình mến khách của người vạn chài, làm bước chân người đã đến cứ chùng chình chẳng muốn xa.
Lăng Cô nước trong, dải cát vàng mịn và những ngôi nhà mái đỏ nổi bật – Ảnh: @minnie.chubby
Nơi ta chọn cho mình những bình yên – Ảnh: @xu_linh2000
ĐÈO HẢI VÂN – HÙNG VĨ VÀ NÊN THƠ
Đèo Hải Vân còn có tên gọi khác là đèo Ải hay đèo Mây, là một trong những cung đường đèo nổi tiếng tuyệt đẹp ở nước ta. Ấy thế nên đã du lịch Huế, du khách nhất định không thể bỏ lỡ cơ hội đứng trên đèo Hải Vân, tay chạm vào làn mây mờ đang lảng bảng hệt dải lụa dài vắt ngang sườn núi, phía xa xa là vịnh Lăng Cô yên bình và biển trời dịu vợi. Nhắm mắt lại, dang tay ra như có cả thế giới của riêng mình, tha hồ bay bổng tự do.
Chinh phục đèo Hải Vân – Ảnh: @brennnessel
Một trải nghiệm cực thú vị – Ảnh: @hongchilinh
Xem thêm:Các khách sạn giá rẻ tại Thừa Thiên Huế
PHÁ TAM GIANG – CÓ MỘT BỨC TRANH SAO MÀ ĐẸP ĐẾN THẾ
‘Thương em anh cũng muốn vô – Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang’, câu ca của ông cha gợi lên một hình ảnh đầy ‘dữ tợn’ của Tam Giang – hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á ngay trên miền đất Huế. Thế nhưng phá Tam Giang giờ đây bỗng trở thành ‘nàng thơ’ trong mắt bao người. Cuộc sống của người ngư phủ lênh đênh trên mặt phá rộng lớn, đổi sắc theo ánh mặt trời đem đến những mảng màu nhiều cảm xúc, dung dị và bình yên. Đến Tam Giang, đừng quên thử một lần được làm ngư phủ và thưởng thức những món ngon do chính bàn tay ấm áp chân tình của người dân chế biến.
Vẻ đẹp dung dị bình yên ở phá Tam Giang – Ảnh: @ankhnam
ĐẦM LẬP AN – MỘT CÕI MƠ TUYỆT ĐẸP
Nằm dưới chân đèo Phú Gia, phía trước là vịnh Lăng Cô xinh đẹp và được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, đầm Lập An vẽ lên bức tranh rất ngọt ngào. Để bước chân du khách bỗng như lạc vào cõi mơ, hư ảo cùng làn sương mờ giăng giăng trên dòng nước lấp lánh, đẹp vô cùng. Du lịch Lập An, ngoài cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh, du khách còn được dịp thưởng thức những món ăn ngon nổi tiếng, nhất là sùng biển.
Bỗng thấy mình bé nhỏ giữa đầm Lập An – Ảnh: @k.h.i.n
SÓNG VỖ HIỀN HÒA Ở BÃI BIỂN THUẬN AN
Vua Thiệu Trị đã từng xếp bãi biển Thuận An đứng thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh bởi vẻ đẹp say đắm lòng người. Dài chừng 12km với bờ cát dài thoai thoải nghiêng về phía biển, sóng luôn hiền hòa dạt dào tựa lời hát ru, biển Thuận An hệt như nụ cười ngọt ngào của cô gái Huế, làm trái tim của khách du lịch bốn phương xao xuyến bồi hồi. Ghé Thuận An, du khách thỏa thuê trầm mình trong làn nước mát, thoang thoảng hương vị biển ở làng chài thanh bình và nhâm nhi đặc sản thơm ngon từ đai dương.
Bờ cát trắng thoai thoải thơ tình – Ảnh: @hiensingle.95
Hàng dương xanh ngát vô cùng lãng mạn – Ảnh: @vananhh2909
HOANG SƠ SUỐI VOI
Không quá nhiều ngọn thác hùng vĩ như ở Tây Nguyên nhưng Huế vẫn chiều lòng du khách, những người thích nghe tiếng nước đổ và róc rách của nước luồn qua từng phiến đá. Và suối Voi chính là điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch Huế thỏa mãn khát khao đó. Dưới tán rừng nguyên sinh dày đặc nhiều loại thực vật xanh ngát, những ngọn thác bắt đầu tuôn trào, ‘xõa’ mái tóc trắng xóa xuống phía dưới, tạo ra thanh âm hết sức vui tai. Bên dưới chân thác là tảng đá có hình thu hệt như con voi thật và hồ nước long lanh yên ả đang đón chờ du khách ngâm mình để cảm nhân cái lạnh mát xua tan đi hết mệt mỏi.
Suối Voi, điểm du lịch khá mới mẻ ở Huế – Ảnh: @jawskilna
Thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm – Ảnh: @araveganvinda
THÁC NHỊ HỒ – NƠI ĐÁNG ĐẾN Ở HUẾ
Cũng ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh mát rượi được chở che bởi cây cối xanh tươi, thác Nhị Hồ cuốn hút bởi dòng nước cao ngút ào ào đổ xuống rồi rất tự nhiên rẽ thành hai nhánh nhỏ. Tiếng thác ‘reo vui’, tiếng chim hót nỉ non và tiếng vọng của đá đem lại cho khung cảnh thác Nhị Hồ như miền sơn cước nên thơ, nơi ta muốn buông bỏ hết cuộc sống bận rộn ồn ào ngoài kia mà về thảnh thơi an yên cùng tự nhiên.
Khoảng lặng bình yên ở thác Nhị Hồ – Ảnh: @nhuchau15
Xem thêm: Các tour du lịch giá rẻ tại Huế
‘Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ – Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt’, bởi Huế sao thơ tình quá chừng, bởi Huế thắm đượm ân tình quá đỗi, khiến tâm hồn như muốn hòa lẫn cùng những khung trời ở Huế. Nếu đã ‘phải lòng’ một xứ Huế trầm mặc mang trong mình những mảnh ghép diệu kỳ, còn chần chờ gì mà không lên kế hoạch du lịch Huế ngay bây giờ để kinh qua hết 10 điểm đến vẽ nên hồn thơ cố đô, bạn nhỉ?
Scodaisym – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn
Nguồn: News.zing.vn