Mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu canh bóng hay thịt đông, người Huế yêu thích món tôm chua, còn dân Nam Bộ lại ưu chuộng món thịt kho tàu hay khổ qua nhồi thịt.
Mỗi vùng ở Việt Nam đều có cách đón Tết khác nhau và đặc biệt ẩm thực ngày Tết Nguyên đán cũng đậm nét truyền thống:
Thịt đông
Dù Tết luôn là thời điểm lạnh trong năm nhưng thịt đông vẫn là món ăn ưa thích của nhiều người dân miền Bắc. Theo truyền thống, thịt đông chủ yếu được ăn trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, món ăn này hiện giờ đã có mặt trong cả những bữa cơm gia đình hàng ngày.
Thịt đông thường được ăn kèm với dưa góp, hành muối. Ảnh: megafun |
Để nấu được một nồi thịt đông không dễ, từ việc chọn nguyên liệu tới thời gian hầm. Thông thường, thịt đông được nấu với thịt lợn, chân giò, tai lợn hoặc thịt gà với mộc nhĩ. Thời gian ninh tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Đến khi nào thịt mềm, nước có vị ngọt và trong thì múc ra để nguội, đổ vào bát và để vào tủ lạnh.
Canh bóng thập cẩm
Canh bóng thập cẩm là món ăn không thể thiếu cho mâm cỗ ngày Tết, thể hiện sự cầu kỳ với nhiều kỹ thuật ẩm thực phức tạp. Món ăn cũng được nhiều người ưa thích, thay vì canh măng móng giò vì hương vị thanh mát, không quá ngậy, phù hợp với nhu cầu ăn uống dịp Tết.
Canh bóng thập cẩm với nhiều màu sắc và nguyên liệu khác nhau. Ảnh: media.vietq |
Để có một bát canh bóng đầy đủ, nguyên liệu không thể thiếu là bóng làm từ bì lợn, nấm hương, cà rốt, súp lơ, giò, mọc, trứng, thịt lợn thăn và tôm nõn. Các nguyên liệu được chuẩn bị và chế biến riêng trước khi cho vào nấu chung với nhau. Chính vì sự đa dạng của nguyên liệu nên để có được bát canh bóng ngon đòi hỏi người nấu phải kỳ công với từng nguyên liệu.
Tôm chua Huế
Người Huế đặc biệt cầu kỳ trong việc ăn uống, nhất là mâm cỗ ngày Tết. Món ăn phổ biến trong dịp năm mới của người Huế phải kể tới tôm chua. Tôm được dùng là tôm nước ngọt, tôm đồng với kích cỡ vừa phải, chắc và ngọt thịt. Sau khi được rửa sạch, bỏ vỏ, đầu, đuôi chỉ lấy phần thân, tôm được ngâm với nước phèn chua. Sau đó, người ta cho tôm vào ngâm với tỏi, ớt, măng, để ngoài trời nắng vài ngày trước khi đem vào trong bóng mát.
Tôm chua Huế là món ăn dân dã không thể thiếu trong dịp Tết. Ảnh: monngon.asia |
Khi ăn, thịt tôm mềm và chắc, xen chút vị chua cay của măng, ớt và nước. Món ăn thanh đạm này sẽ át đi vị ngậy của các món khác ngày tết và là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ của người Huế.
Thịt kho tàu
Với người dân Nam Bộ, thịt kho tàu là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Không chỉ vì hương vị thơm ngon, đậm đà, thịt kho tàu đầy đặn và màu sắc tươi sáng như tượng trưng cho một năm mới đủ đầy và sung túc.
Để có được nồi thịt kho tàu ngon, thịt được chọn phải là thịt ba chỉ hoặc thịt đùi, thái miếng to vuông để khi ăn miếng thịt ngọt và mọng nước. Món ăn được kho với lửa nhỏ liu riu, nước xâm xấp.
Không như ngoài miền Bắc kho thịt với trứng cút, người miền nam thường sử dụng hột vịt (trứng vịt) để kho. Ảnh: mongingon |
Một bát thịt kho hột vịt ngon đòi hỏi người chế biến phải khéo léo và cẩn thận. Thịt không được nát quá nhưng phải mềm và có màu vàng ươm, ngậy mùi nước cốt dừa. Trứng có màu vàng nâu tươi tắn, không bị thâm đen và đảm bảo chín đều từ lòng đỏ tới lòng trắng.
Khổ qua dồn thịt
Bên cạnh những món ăn nhiều đạm, các bà nội trợ cũng chú trọng đan xen nhiều món ăn thanh mát trong mâm cơm đầu năm. Với những nguyên liệu đơn giản và cách chế biến không cầu kỳ, khổ qua (mướp đắng) dồn thịt là món ăn được ưa thích của người miền Nam trong dịp Tết cổ truyền.
Món ăn kết hợp hương vị đâm đà từ thịt băm và vị thanh nhẹ, dịu thơm của khổ qua. Ảnh: static.kieu |
Người đầu bếp khéo léo sẽ biết cách chế biến để át đi vị đắng của khổ qua. Đúng như tên gọi của trái “khổ qua”, người dân miền Nam gửi ước nguyện về một năm mới đến thật nhẹ nhàng, qua đi bao muộn phiền, đau khổ của năm cũ.
Xem thêm: Những món đồ người Sài Gòn sắm sửa dịp Tết
Minh Đức
Nguồn: Vnexpress.net