Nhiều thanh niên châu Á vỡ nợ vì thói tiêu hoang

0
14
vo no the tin dung anh 1

Với lối suy nghĩ “hưởng thụ trước, trả nợ sau”, không ít thanh niên Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia nhận trái đắng khi các khoản vay tín dụng vượt khả năng chi trả.

vo no the tin dung anh 1

Chỉ kiếm được 620.000 won (550 USD)/tháng nhưng Koo Young-gyu (Hàn Quốc) có thể chi tiêu gấp 60 lần con số đó nhờ 4 thẻ tín dụng.

Với số tiền không nhỏ, trong 18 tháng, Koo tiêu tiền như nước, đi du lịch đảo Jeju, mua giày, máy quay phim.

“Tôi đã nghĩ là: ‘Hãy cứ sống một năm thật sung túc’. Dù biết là không nên tiêu pha như vậy nhưng thật khó để dừng lại”, Koo nói với Channel News Asia.

Cứ như vậy, khi chưa bước sang tuổi 30, Koo đã gánh khoản nợ tín dụng lên đến 87 triệu won và không có khả năng trả. Trong nhiều tháng, anh liên tục bị chủ nợ đến nhà đòi. Tuyệt vọng, xấu hổ với gia đình, Koo tự tử 3 lần nhưng không thành công.

Trường hợp như Koo không phải là điều hiếm thấy ở châu Á những năm gần đây. Những người trẻ có thu nhập không cao, công việc chưa ổn định nhưng có thói quen “vung tay quá trán” liên tục tìm đến các công ty tín dụng để có tiền thỏa mãn sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, không có bữa tiệc nào kéo dài mãi mãi. Khi tiền nợ tín dụng trở thành con số khổng lồ, vượt khả năng chi trả, những con nợ chỉ còn cách tuyên bố phá sản hay thậm chí tìm đến các lựa chọn cực đoan hơn.

Miếng bánh hấp dẫn

Theo một báo cáo của Accenture, người thuộc Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1995) ở Trung Quốc có khả năng mua sắm bốc đồng cao hơn 60% so với thế hệ trước đó, Gen Y (sinh từ năm 1980 đến 1994).

Theo báo cáo của iResearch Consulting Group, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Trung Quốc, sinh viên đại học đã chi 452 tỷ nhân dân tệ (68 tỷ USD) vào thị trường tiêu dùng trong năm 2016, tăng khoảng 5% mỗi năm kể từ 2013. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát cho thấy vẫn có gần 30% sinh viên nói mình không có đủ tiền chi tiêu.

Vì vậy, không ít người tìm đến các dịch vụ tín dụng.

vo no the tin dung anh 2

Nhiều thanh niên châu Á chi tiêu dư dả nhờ thẻ tín dụng. Ảnh: Wall Street Journal.

Theo Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải (SPDB), gần 60% sinh viên đại học đã sử dụng hoặc sẵn sàng trả góp và 10% sẽ chọn dịch vụ tín dụng khi cần tiền.

Theo Beijing News, tính đến tháng 7/2017, có 1.800 nền tảng tín dụng trực tuyến tại Trung Quốc. Các kênh này săn đón người trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên đại học, những người có nhu cầu tài chính đáng kể nhưng không thể nhận được dịch vụ tài chính từ các tổ chức truyền thống.

Tại đất nước tỷ dân, cho vay tiêu dùng không thế chấp tăng 20% mỗi năm kể từ 2008. Theo thống kê của S&P Global, vay nợ hộ gia đình ở nước này đã tăng lên đến 54% GDP trong quý I năm 2019. So với Mỹ (66%), tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhưng có tốc độ gia tăng nhanh, Bloomberg đánh giá.

“Thế hệ sinh sau năm 1990 có mong muốn chi tiêu mạnh mẽ hơn nhiều thế hệ trước. Họ được lớn lên trong một môi trường kinh tế năng động, sử dụng Internet thường xuyên và có thu nhập hạn chế. Tất nhiên vì thế, họ sẽ có nhu cầu cao về tín dụng trực tuyến”, Zhang Yu, nhà phân tích tài chính Internet tại iResearch, nói với Jing Daily.

vo no the tin dung anh 3

Nhiều người biết tiêu xài hoang phí nhờ thẻ tín dụng là sai song không thể kiềm chế bản thân. Ảnh: The Business Of Fashion.

Yang Huixuan (23 tuổi), làm truyền thông cho một câu lạc bộ bóng đá ở Nam Kinh (Trung Quốc), cho biết đã dùng ứng dụng tín dụng ảo Huabei từ khi còn đi học.

Mỗi tháng, cô chỉ được bố mẹ chu cấp 215 USD nên cảm thấy không đủ chi tiêu. Yang thường vay khoảng 100 USD để mua mỹ phẩm, quần áo, đi ăn hàng cũng như trả góp mua máy ảnh, smartphone.

“Huabei thực sự là thứ gây nghiện. Nó khiến tôi ảo tưởng rằng mình không phải trả bất kỳ đồng nào mà vẫn có thể chi tiêu thoải mái”, Yang nói với Wall Street Journal.

Tại Hàn Quốc, lối sống “shibal biyong” hay “tiêu tiền như không có ngày mai” cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ tìm đến vay tín dụng.

Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, “có đồng nào xào đồng ấy” vì không muốn tiết kiệm khi biết trước tương lai ảm đạm. Khi muốn tiêu pha mà không có tiền, vay tín dụng là một trong những lựa chọn nhanh chóng và dễ dàng.

Theo giáo sư kinh tế Kim Sang-bong của Đại học Hansung, dù đang thất nghiệp, một số thanh niên xứ củ sâm sẽ “tiếp tục tiêu tiền trong một hoặc hai năm tiếp theo trong khi tìm kiếm việc làm”. Cứ như vậy, họ sẽ tiếp tục chìm sâu vào nợ nần.

Mật ngọt chết ruồi

Cứ tiêu dùng thoải mái nhờ thẻ tín dụng, nhiều người trẻ châu Á cuối cùng phải trả giá đắt. Giống như quả cầu tuyết càng lăn càng to, món nợ tiêu dùng những thanh niên tiêu hoang phải trả ngày càng trở nên khổng lồ.

Cuối tháng 8/2017, một thanh niên Trung Quốc đã cố gắng nhảy cầu sau khi nợ hơn 100.000 nhân dân tệ (gần 15.000 USD). Anh đã vay tiền từ một công ty tín dụng trực tuyến để thỏa mãn thói quen mua sắm online của bạn gái. May mắn là cảnh sát đã đến kịp thời và ngăn chặn nam thanh niên làm điều dại dột.

Đối với nhiều người nợ tín dụng như Koo, giải pháp duy nhất để có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới là tuyên bố phá sản. Năm 2018, Koo nộp đơn phá sản lên tòa án. Như vậy, khoản nợ của anh đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc anh sẽ không có được khoản vay hợp pháp nào trong 5 năm tiếp theo, khiến anh cho dù muốn khởi đầu lại cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

vo no the tin dung anh 4

Không thể trả khoản nợ tín dụng khổng lồ, nhiều thanh niên chỉ còn cách tuyên bố phá sản. Ảnh: UTCC.

Tại Malaysia những năm gần đây, cũng có ngày càng nhiều người trẻ tuổi tuyên bố phá sản do nợ nần. Giai đoạn 2015-2019, có 85.000 người phá sản ở độ tuổi dưới 25.

“Ngoài những người không thể trả các khoản vay mua nhà, xe, có không ít thanh niên đến bước đường này chỉ vì thói tiêu hoang vô độ, ỷ lại thẻ tín dụng”, Sinar Harian, nhà tư vấn tài chính, nói với World Of Buzz.

Ở đất nước Hồi giáo này, có tới 11 triệu người được xác định là sở hữu thẻ tín dụng, thậm chí nhiều thanh niên có tới 5 chiếc.

“Tôi hy vọng những con số này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người trẻ đang u mê trong lối sống xa hoa không phải của mình. Chúng ta nên học cách hài lòng với những gì mình có”, Harian nhận xét.

Tại nhiều quốc gia, để hạn chế các dịch vụ tín dụng trực tuyến, chính phủ đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn để ngăn người dùng lao đầu vào các khoản vay không biết ngày trả.

Theo Jing Daily, năm 2016, các cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát các công ty tín dụng trực tuyến. Các dịch vụ tín dụng nhắm vào sinh viên đại học sẽ bị dừng và khuyến khích các ngân hàng tham gia vào thị trường.

Nguồn: News.zing.vn